Học thế nào trong thế giới nhiều thay đổi?: Học để ứng biến với thực tiễn

25/11/2022 09:38 GMT+7

Trong tất cả các mục đích của việc học, tính ứng dụng kiến thức đã học vào thực tiễn đời sống bao giờ cũng được chú trọng hàng đầu.

Nhiều người hay đưa ra so sánh cách học xưa kia và ngày nay để thấy sự khác biệt, thấy sự cấp tiến của việc học hiện tại. Song theo tôi, chưa hẳn hoàn toàn như vậy.

Triết lý giáo dục của ông cha

Có những quan điểm từ lâu đời của ông cha ta đến nay vẫn còn nguyên giá trị về triết lý giáo dục. Vậy nên phải dung hòa, kế thừa và phát huy cái hay, cái đúng. Trong đó, những chân lý sau đây, tuy không quá cao siêu, nhưng tính bất biến: Học để có cách “ứng biến với thực tiễn xã hội” và để “tạo ra sản phẩm” cho con người.

Mục đích cao nhất của việc học là để khẳng định bản thân mình

ngọc thắng

Chẳng hạn, người xưa nói “Đi một ngày đàng, học một sàng khôn” là có ý khuyên việc học phải gắn liền với thực tế cuộc sống để ứng biến cho phù hợp. Các lời dạy “Đi với bụt thì mặc áo cà sa...”, “Ở bầu thì tròn...” cũng xuất phát từ quan điểm biết cách ứng biến với thực tiễn này.

Còn học để tạo ra sản phẩm người xưa nhìn nhận ra sao? Câu tục ngữ “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây” không chỉ là nhớ ơn người trồng cây cho ra quả mà còn hàm ý nhấn mạnh đến việc tạo ra sản phẩm. Nhớ ơn người trồng cây thì chúng ta phải trồng cây để đem đến quả cho người khác. Tôi cũng rất tâm đắc câu này “Học ăn, học nói, học gói, học mở”. “Ăn” phải trước “nói” vì thực tiễn trước lý thuyết. “Gói” trước “mở” vì tạo ra sản phẩm trước khi hưởng thụ sản phẩm.

Mục đích việc học mà UNESCO đã đề xướng “Học để biết, học để làm, học để chung sống và học để khẳng định mình” có mối liên thông với nhau theo cấp độ tăng tiến. Theo đó, mục đích cao nhất của việc học là để khẳng định bản thân mình. Quan niệm này không mới, chẳng hạn từ thời cổ đại, nhà triết học Hy Lạp Socrates đã từng cho rằng “Giáo dục là làm cho con người tìm thấy chính mình”. Hay ca dao, tục ngữ Việt Nam cũng có vô số những câu nói về sự lập thân, tự chủ, như “Có thân phải lập thân”, “Dù ai nói ngả nói nghiêng, lòng ta vẫn vững như kiềng ba chân”...

Vận dụng vào việc học ngày nay như thế nào?

Đầu tiên nên bỏ những môn học, những phần kiến thức lý thuyết nặng nề, nhàm chán, xa rời thực tiễn. Hướng đến việc dạy và học cân đối, để ứng biến hài hòa như nhà vật lý A. Einstein từng nói: “Nhà trường phải luôn luôn có chủ trương tạo cho học trò một cá tính cân đối chứ không nên biến chúng thành một nhà chuyên môn”. Vì vậy, cần đưa những bộ môn học cần thiết, tiên tiến vào chương trình giảng dạy.

Học là để biết cách ứng dụng vào thực tế cuộc sống

đ.n.t

Kế đến, tăng tính thực tiễn vào trong môn học. Chẳng hạn, học toán là để ứng dụng tính toán vào thực tế; học ngoại ngữ là để giao tiếp lưu loát, viết lách và dịch thuật tốt; học văn là để diễn đạt, nói năng trôi chảy, biết cách tạo lập các văn bản trong đa dạng tình huống giao tiếp.

Ngoài ra, sản phẩm về giáo dục đạo đức cho học sinh của nhà trường là văn hóa, ứng xử của họ trong cuộc sống. Tư tưởng dân tộc, tự tôn dân tộc là nền tảng nhưng tiệm cận với thế giới bên ngoài là cần thiết, sống còn. Phải thấy mình nhỏ bé để biết phấn đấu làm cho mình lớn lên hơn.

Những điều trên cho thấy sự ý thức về bản thân trong cách giáo dục của ông cha xưa rất được coi trọng. Vậy nên, ngày nay phải coi bản thân người học là hạt nhân của giáo dục. Phải thay đổi để phù hợp thực tiễn, trong việc hướng đến giáo dục giá trị nhân bản, từ phương pháp giảng dạy đến nội dung chương trình.

Diễn đàn: "Học thế nào trong thế giới nhiều thay đổi?"

Nhằm hướng đến một mục tiêu giáo dục trong thời kỳ mới với nhiều đổi thay và biến động từng ngày, Báo Thanh Niên mở diễn đàn: “Học thế nào trong thế giới nhiều thay đổi?”. Bạn đọc vui lòng gửi bài viết theo địa chỉ email:thanhniengiaoduc@thanhnien.vn. Trân trọng cảm ơn.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.