"Biết ơn là sợi dây kết nối tình thương, chúng ta nên thi ân bất cầu báo", "Hãy thích và mơ ước được làm điều tốt, vì cửa mở hướng nào gió sẽ lùa hướng đó", "Thầy muốn "đặt hàng" các bạn một điều, sau này làm nghề nào cũng được, nhưng nhớ gắn từ "tốt" đằng sau"... Đó là những lời giảng trong tiết đạo đức đầu khóa ở một trung tâm dạy thêm ngoài giờ do thầy Trần Tuấn Anh, giáo viên (GV) giáo dục công dân Trường THCS Colette (TP.HCM), đứng lớp.
BỒI DƯỠNG ĐẠO ĐỨC, ĐỊNH HƯỚNG NGHỀ NGHIỆP
Theo các học sinh (HS), tiết học của thầy Tuấn Anh để lại ấn tượng lẫn xúc động, bởi lẽ thầy luôn minh họa câu chuyện bằng những hình ảnh, video TikTok ghi lại khoảnh khắc thật trong cuộc sống. Thậm chí, có em không kìm được nước mắt sau khi xem đoạn phim kể về những áp lực cha mẹ phải "gánh" trên lưng. "Sau khi cho các em viết bài thu hoạch cuối giờ, có những trang giấy nhòe đi vì nước mắt", thầy chia sẻ.
Chỉ dạy một buổi mỗi lớp tại trung tâm, nam GV nói luôn chọn những "từ khóa" phù hợp với từng lứa tuổi, như sự biết ơn, nghề "tốt" ở khối THPT, hay lòng nhân ái, nghĩa tình TP.HCM cho khối THCS. Theo thầy Tuấn Anh, môn đạo đức gắn liền với hơi thở cuộc sống nên GV có thể cập nhật, chọn lọc những nội dung trên mạng xã hội như TikTok để đưa vào bài học, miễn là phù hợp với khung chương trình.
"Ở nhiều lớp chính khóa, các thầy cô còn đang dạy chữ hơn dạy làm người. Thế nên, tôi rất vui vì được trung tâm mời đến để bồi dưỡng đạo đức cho HS", thầy Tuấn Anh bộc bạch.
Ngoài bồi dưỡng đạo đức, việc định hướng nghề nghiệp cho HS cũng là một yếu tố được các trung tâm chú trọng. Thầy Hồ Văn Nhật Trường, GV sinh học Trường trung học Thực hành (Trường ĐH Sư phạm TP.HCM), kể rằng trong quá trình dạy thêm, thầy luôn lồng ghép câu chuyện nghề nghiệp liên quan đến kiến thức bài học, chẳng hạn nội dung, hoạt động được nêu trong bài này là của nghề nào.
Ngoài ra, từ năm lớp 8, HS cũng bắt đầu được định hướng bộ môn yêu thích, từ đó sớm "chốt" được tổ hợp phù hợp ngay khi các em vừa lên lớp 10. "Ngoài bồi dưỡng năng lực khoa học, trung tâm cũng giúp các em phát triển cảm xúc và tâm hồn", thầy Trường chia sẻ thêm.
THỰC HÀNH THÍ NGHIỆM, CHƠI GAME ĐỂ HỌC
Với đa dạng hoạt động bên cạnh việc dạy kiến thức, có thể thấy các trung tâm đang dần có sự "chuyển mình" về hình ảnh.
Thầy Lê Minh Xuân Nhị, Giám đốc Trung tâm bồi dưỡng văn hóa Tri Thức NP, cho biết trong thời gian qua, trung tâm đã không còn phát triển theo hướng "lò luyện", mà xây dựng nhiều hoạt động trải nghiệm hơn trước cho HS.
"Chúng tôi chuẩn bị đầy đủ dụng cụ, hóa chất để làm thí nghiệm ở môn hóa, cho các em đo lường thể tích, cân nặng ở môn lý hay làm kim chi, sữa chua, trồng cây ở môn sinh để ứng dụng kiến thức vào thực tế. Lớp học thêm hiện nay không chỉ là câu chuyện chép đề lên bảng rồi cả lớp cùng giải, mà phải gây được hào hứng, phát triển kỹ năng. Chúng tôi quan niệm khi học trong vui vẻ, các bạn sẽ nhớ kiến thức lâu hơn", thầy Nhị lý giải.
Minh họa thực tế, cô Lê Thanh Ngân, GV môn khoa học tự nhiên hiện giảng dạy tại trung tâm, cho biết cô thực hiện thí nghiệm lúc đầu giờ để gây tò mò, hoặc làm cuối giờ nhằm củng cố kiến thức. "Ví dụ, trong bài học a xít, tôi hướng dẫn các bạn làm thuốc chữa đau dạ dày, tức trung hòa được a xít. Và việc học qua thí nghiệm như trên giúp các em vui hơn so với chỉ đọc bài trong sách, cũng như tập tư duy", nữ GV cho hay.
Ngoài làm thí nghiệm, cô cũng cho HS chơi game, hoặc nhập vai thành GV để dạy học. "Trong tương lai, ở bài đa dạng sinh học, tôi cũng muốn dẫn các em đến Thảo Cầm Viên để xem trực tiếp thay vì chỉ học lý thuyết", cô Ngân chia sẻ.
Tạo điều kiện thực hành bên cạnh dạy lý thuyết cũng là cách làm giúp HS dễ tiếp thu bài giảng hơn được thầy Đặng Duy Hùng, Giám đốc chuyên môn Lasan Education, áp dụng. Cụ thể, nam GV phối hợp cùng đơn vị chuyên về STEM (khoa học, công nghệ, kỹ thuật, toán học) để đưa các mô hình minh họa thực tế vào tiết học. Bên cạnh đó, các GV khoa học tự nhiên tại trung tâm cũng thực hiện thí nghiệm trên lớp và cập nhật những ví dụ mới nhất gắn với thực tế để truyền đạt cho HS.
Chị Lê Bá Anh Thư, sáng lập và điều hành Việt Anh Thư Academy, thì thẳng thắn thừa nhận lúc mới bắt đầu, chị cũng hoạt động theo hình thức "cổ điển" là phát và giải đề liên tục. Nhưng dần dà, chị thấy rằng hình thức này chỉ phù hợp với HS giỏi sẵn, còn những bạn không thích học thì việc này "chỉ khiến mọi thứ trầm trọng hơn". "Từ đó, tôi nhận ra không thể tiếp tục dạy học kiểu một chiều như cũ là GV viết bảng còn HS chép xuống", chị Thư bộc bạch.
Theo chị Thư, công nghệ đã tạo điều kiện cho GV thiết kế bài học mang tính chất tương tác hai chiều. Do đó, trong 2 - 3 năm gần đây, chị ứng dụng đa dạng công cụ để HS tham gia vào bài học nhiều hơn. "Ví dụ, thay vì đưa danh sách 100 từ tiếng Anh rồi bắt các bạn học thuộc như trước, thì giờ tôi dùng các phần mềm game như Kahoot, Quizlet... để các bạn vừa chơi vừa học. Về nhà, tôi cũng ít đưa bài tập giấy mà giao game cho các bạn chơi để hoàn thành", chị Thư chia sẻ.
MỤC TIÊU HỌC THÊM CÓ KHÁC TRƯỚC ?
Hiện học thêm môn toán và văn, Huỳnh Phạm Như Văn, lớp 10A14 Trường THPT Lê Quý Đôn (TP.HCM), thú nhận các lớp học thêm ở hiện tại "quá khác so với ngày xưa". "Thầy cô trong trung tâm quan tâm không chỉ vấn đề học tập mà còn là sức khỏe tâm lý của chúng em. Thầy cô cũng rất tôn trọng năng lực HS, hướng dẫn chúng em các kỹ năng sống và thường xuyên hỏi thăm sau giờ học để cho lời khuyên, động viên, thay vì chỉ dạy lý thuyết và giao bài tập là xong như trước đây", nữ sinh lý giải.
Sụt giảm số HS học thêm ở khối THPT
Theo thầy Đặng Duy Hùng, nhu cầu học thêm hiện nay tuy vẫn cao nhưng chỉ tập trung ở các trung tâm cập nhật tốt xu hướng thi cử mới, đáng chú ý nhất ở khối THCS với môn khoa học tự nhiên và toán tích hợp nhiều bài tập ứng dụng thực tiễn. "Riêng khối THPT, do chương trình mới xác định tổ hợp từ đầu dẫn đến nhu cầu học thêm các môn không bắt buộc bị phân chia, dẫn đến sụt giảm số HS", thầy Hùng nhận xét.
Tương tự, thầy Lê Minh Xuân Nhị cũng đánh giá tổng số HS THPT có nhu cầu học thêm các môn lý, hóa, sinh giảm khá nhiều, chủ yếu tập trung ở nhóm có sức học trung bình.
Cũng theo Văn, lý do chính em chọn đi học thêm những năm qua vẫn là để hiểu trước bài học, cũng như cải thiện điểm số trên trường phổ thông. Tuy vậy, việc có thể học hỏi nhiều hơn thông qua đa dạng bài tập, đề cương và cơ hội tiếp xúc với HS giỏi từ các trường khác để ngày càng phát triển bản thân cũng là những mục tiêu mà nữ sinh hướng đến khi chọn học thêm trong chương trình mới.
Như vậy, dù mục tiêu của chương trình mới là giúp HS phát triển toàn diện, nhất là năng lực cá nhân nhưng hiện tại, điểm số và thi tuyển vẫn là mối quan tâm hàng đầu của HS và phụ huynh. Thực tế này đến từ việc HS không có đủ giờ làm bài tập ở lớp chính khóa vì khối lượng kiến thức tăng thêm, và các trường vẫn chưa thống nhất cách dạy lẫn kiểm tra, theo thầy Đặng Duy Hùng.
"Cách đánh giá năng lực của HS ở VN phần lớn vẫn dựa trên thang điểm. Thế nên, HS học thêm để nâng cao điểm số, từ đó gia tăng cơ hội trúng tuyển ĐH bằng học bạ, điểm thi cũng là điều dễ hiểu", thầy Hùng nhận định.
Tuy nhiên, khác với HS, các trung tâm đã và đang thay đổi mục tiêu, không chỉ nhắm đến mỗi ôn luyện như trước. "Quan điểm của chúng tôi là phải dạy các bạn cách tư duy xử lý vấn đề, tức vận dụng dữ kiện đã có để tìm "đường đi" sao cho hiệu quả. Mục đích của việc học, suy cho cùng, không phải để giải bài toán nào đó mà là để sau này các bạn trưởng thành biết cách giải quyết khó khăn", chị Lê Bá Anh Thư khẳng định.
Bình luận (0)