Trần Lương Công Khanh sau khi tốt nghiệp xuất sắc tại ĐH Sư phạm TP.HCM (năm 1987) được phân công về dạy học tại Hàm Thuận Bắc (Bình Thuận). Sau 2 năm, trong quá trình xét tinh giản biên chế, một cử nhân toán xuất sắc như anh đã nằm trong danh sách bị cho… thôi việc.
Năm 1996, anh thi và lấy được học bổng quản lý giáo dục học tại Trung tâm Quốc tế nghiên cứu sư phạm, ở Sèvres, Paris. Lớp học này có 22 học viên, trong đó có 6 người VN. Trở về VN, anh vẫn tiếp tục làm việc tại Sở GD-ĐT Bình Thuận, nhưng với lòng say mê toán, Công Khanh lại thi tiếp vào một lớp thạc sĩ toán do ĐH Sư phạm TP.HCM liên kết với một trường ĐH của Pháp giảng dạy. Sau ba năm học tập, Công Khanh đã được cả ba giáo sư người Việt và hai giáo sư người Pháp chấm 10/10 điểm cho luận án của mình.
|
|
Về VN, anh vẫn đến nhận nhiệm sở với chức vụ Phó phòng Giáo dục chuyên nghiệp. Công Khanh vẫn được Tổ chức Pháp ngữ quốc tế (OIF) mời làm thành viên không chính thức đi dạy toán ở các trung tâm Pháp ngữ của các nước mà Việt Nam cũng là thành viên chính thức của OIF. Cuối tháng 9.2009, anh trở về từ Thái Lan sau khóa giảng dạy cho một lớp thạc sĩ toán của trường ĐH Naresuan (Bangkok) và một cơ sở ở tỉnh Phitsannulok. Anh cũng vừa được các thầy của trường ĐH Joseph Fourier mời làm thành viên phản biện cho Hội đồng chấm luận án tiến sĩ toán học của một nghiên cứu sinh người VN. Hiện nay tiến sĩ Khanh vẫn là thành viên không thường trực của Trung tâm Tin học Fourier Grenoble (LIG) ở Pháp. Anh cũng đang hướng dẫn 6 học viên làm luận án thạc sĩ tại ĐH SP TP.HCM và thường xuyên giảng dạy tại đây.
Quyển sách Khái niệm tích phân trong dạy học toán ở trung học phổ thông nói trên được NXB Cộng đồng châu u có trụ sở tại Đức và Pháp in và bán rộng rãi ở Đức, Pháp và Mỹ. Anh Khanh tâm sự: "Sở dĩ nó được viết bằng tiếng Pháp là vì nội dung quyển sách này là một phần trong luận án tiến sĩ của tôi khi còn là nghiên cứu sinh tại Pháp. Sau khi luận án được công bố, NXB đã đề nghị tôi phát triển nội dung này thành một quyển sách vì họ cho rằng tương lai quyển sách này sẽ bán chạy. Nội dung chính của quyển sách này viết về tích phân Riemann, dưới góc độ tri thức toán học và tri thức nhà trường. Quyển sách phát triển trên các nguyên tắc toán học của các nhà toán học Bourbaki; hệ thống hóa tri thức toán học bằng phương pháp tiên đề. Tôi hy vọng quyển sách này giúp người đọc hiểu rõ bản chất của lý thuyết tích phân Riemann và thực trạng dạy và học tích phân ở Việt Nam, trong sự tương quan với Pháp".
Quế Hà
Bình luận (0)