Học tiểu học trường công, mỗi năm chi phí bao nhiêu tiền?

Thúy Hằng
Thúy Hằng
09/09/2024 05:26 GMT+7

Học sinh tiểu học trong các trường thuộc hệ thống giáo dục công lập được miễn học phí, theo luật Giáo dục 2019. Tuy nhiên, mỗi em học sinh tiểu học thường phải tốn chi phí bao nhiêu tiền một năm cho các khoản thu khác và các khoản mua sắm sách giáo khoa, dụng cụ học tập, đồng phục, học thêm...?

Học tiểu học trường công, mỗi năm chi phí bao nhiêu tiền?- Ảnh 1.

Học sinh tiểu học TP.HCM bước vào năm học mới 2024-2025

ẢNH: THÚY HẰNG

Chị Nguyễn Thị Hoài Thương, có con học lớp 2 một trường tiểu học công lập tại Q.1, TP.HCM. Dưới đây là bảng tạm tính các chi phí của con chị Thương trong một năm học.

Chi phí gia đình tự chuẩn bị cho con đến trường (tạm gọi là mục A)

Tiền mua bộ sách giáo khoa cùng các cuốn tiếng Anh trong chương trình học tập trên trường: 345.000 đồng. Tiền mua tập vở, bút, bộ dụng cụ học toán, bảng, tập giấy thủ công, bút màu, bao sách tập...: 276.000 đồng.

Đồng phục (2 bộ mặc ngày thường và 2 bộ thể dục): 810.000 đồng. Balo, giày dép, bình đựng nước cá nhân vẫn có thể sử dụng lại được từ năm học trước nên không phải mua mới. Tổng 3 khoản tiền trên là 1.431.000 đồng.

Chi phí bảo hiểm y tế, tiền khám sức khỏe ban đầu (B)

Học sinh bắt buộc phải tham gia bảo hiểm y tế học sinh tại trường học. Tiền bảo hiểm y tế học sinh, sinh viên được quy định, mức đóng mỗi tháng bằng 4,5% lương cơ sở hiện hành. Cần đóng 12 tháng. Nhà nước hỗ trợ 30%, học sinh/sinh viên chỉ đóng 70%. Lương cơ sở hiện nay là 2.340.000 đồng.

Nhà trường chưa thu tiền bảo hiểm y tế. Song chị Thương dự tính, tiền bảo hiểm y tế của học sinh năm học này là 884.520 đồng.

Học tiểu học trường công, mỗi năm chi phí bao nhiêu tiền?- Ảnh 2.

Học sinh, phụ huynh mua sách, đồ dùng học tập cho năm học mới 2024-2025 tại một nhà sách

ẢNH: THÚY HẰNG

Chi phí các khoản tiền là dịch vụ phục vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục theo Nghị quyết số 13/2024/NQ-HĐND và các khoản tiền để tổ chức các hoạt động giáo dục khác (C):

Con của chị Thương học 2 buổi/ngày, bé học chương trình tiếng Anh tăng cường, có ăn bán trú tại trường. Con cần đóng các khoản tiền như tiền nước uống, tiền suất ăn trưa bán trú; tiền mua sắm thiết bị, vật dụng phục vụ bán trú (đóng tiền 1 lần cho cả năm học); tiền tổ chức phục vụ, quản lý và vệ sinh bán trú tiền học phẩm; tiền học cụ học liệu; tiền tổ chức dạy tăng cường ngoại ngữ.

Bên cạnh đó, cần đóng tiền khám sức khỏe ban đầu (đóng 1 lần/năm học) (tối đa là 60.000 đồng/học sinh/năm học 2024-2025 với học sinh ở các quận trung tâm)

Như năm học trước, chị có đăng ký cho con học các môn trong chương trình nhà trường như tiếng Anh với người bản ngữ, tiếng Anh qua toán và khoa học, STEM, tin học... Buổi chiều, khi con tan học, chị đăng ký cho con tham gia các CLB được tổ chức sau giờ học, trong lúc chờ ba mẹ đón (như bóng rổ, võ vovinam, kỹ năng sống, khoa học, trí tuệ nhân tạo AI...) để thuận tiện hơn khi đưa đón con. Các môn học này cũng cần đóng tiền (theo quy định tại khoản thu của Sở GD-ĐT TP.HCM).

Lớp con chị Thương có lắp máy lạnh, mỗi tháng cũng cần đóng tiền điện sử dụng máy lạnh.

Năm học này nhà trường chưa thông báo cụ thể các khoản thu cũng như chưa có phiếu thu tiền tới phụ huynh, nên chị chưa rõ các khoản thu như thế nào.

Tuy nhiên, năm học 2023-2024, phiếu thu tiền của con cho các khoản thu trên khoảng 2,2 triệu đồng - 2,4 triệu đồng/tháng. Một năm học gồm 9 tháng. Như vậy, dự kiến một năm học thì tiền cho các khoản thu này cho một em học sinh là khoảng 21,6 triệu đồng.

Tiền học thêm các môn năng khiếu, ngoại ngữ; toán tư duy; thể dục thể thao (D):

Để con có thêm thời gian rèn luyện ngoại ngữ, toán học, bơi lội, chị Thương đăng ký cho con học thêm tiếng Anh tại trung tâm, học toán tư duy (khóa học trực tuyến) và học bơi lội vào các cuối tuần. Việc học tập này là dựa trên sở thích, nhu cầu của con chị.

Chi phí học thêm tiếng Anh mỗi tháng khoảng 1,5 triệu đồng; chi phí học toán tư duy mỗi tháng khoảng 1,3 triệu đồng; chi phí học bơi mỗi tháng 1 triệu đồng. Chi phí học thêm này là 3,8 triệu đồng/tháng/em. Một năm với 12 tháng, tiền học thêm các môn này là 45,6 triệu đồng/năm/12 tháng.

Tổng cộng của các mục A + B + C + D bằng 69.515.520 đồng.

Như vậy tạm tính, trong một năm, chi phí cho việc học tập của con chị Thương - một học sinh lớp 2, là học sinh trường tiểu học công lập ít nhất là hơn 69 triệu đồng. Theo chị, con số này vẫn ít hơn thực tế, bởi còn nhiều khoản như học trong hè, mua sắm, chi phí phát sinh trong quá trình học tập của con nhưng ít khi được cả nhà ghi lại.

Học tiểu học trường công, mỗi năm chi phí bao nhiêu tiền?- Ảnh 3.

Học sinh một trường tiểu học tại TP.HCM chào năm học mới 2024-2025

ẢNH: THÚY HẰNG

Tuy nhiên, trên đây không phải là số chi phí mà mọi gia đình có con đi học trường tiểu học công lập đều phải đóng. Chi phí sẽ khác nhau, tùy thuộc vào sự lựa chọn của phụ huynh và học sinh. Bởi vẫn sẽ có những học sinh chỉ học 2 buổi/ngày; không ăn bán trú tại trường; không đi học thêm bất cứ môn gì; không đăng ký tham gia bất cứ câu lạc bộ gì sau giờ học; không tham gia các môn trong chương trình nhà trường; không học hè hay tham gia câu lạc bộ hè... thì số tiền phải đóng mỗi năm sẽ ít hơn.

Nhà trường không tổ chức thu gộp trong một thời điểm

Sở GD-ĐT TP.HCM đã ban hành Công văn số 5307/SGDĐT-KHTC về hướng dẫn thu, sử dụng học phí và các khoản thu khác; thực hiện chế độ miễn, giảm học phí và hỗ trợ chi phí học tập từ năm học 2024-2025 của các cơ sở giáo dục và đào tạo công lập trên địa bàn TP.HCM.

Bên cạnh học phí, có tên 26 khoản thu được quy định trong 2 phụ lục tại Công văn 5307. Báo Thanh Niên đã đăng tải bài viết Tên các khoản thu, mức thu được phép để phụ huynh học sinh tiện theo dõi, đối chiếu trong quá trình đóng tiền cho con em mình khi học tập tại các trường công lập.

Công văn 5307/SGDĐT-KHTC của Sở GD-ĐT TP.HCM nêu rõ:

"Đề nghị các cơ sở giáo dục công lập không được thay đổi tên và phát sinh bất kỳ nội dung thu nào ngoài các danh mục được quy định tại công văn này.

Về dự toán thu - chi đối với các khoản thu dịch vụ phục vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục và các khoản thu khác (không bao gồm học phí): phải xây dựng dự toán trước khi thông báo công khai mức thu cho cha mẹ học sinh, các khoản thu này phải được thống nhất với cha mẹ học sinh trước khi triển khai thực hiện.

Đơn vị phát hành biên lai thu tiền, hóa đơn cho học sinh khi thu tiền và lưu ý giãn thời gian thực hiện các khoản thu, không tổ chức thu gộp nhiều khoản trong cùng một thời điểm".

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.