Bất kỳ ai xem clip đều một lần nữa giật mình về lối sống, cách hành xử của một bộ phận giới trẻ. Tại website clip.vn, nick toiditimtoi_792002 bức xúc đặt câu hỏi: "Cái vốn quý nhất của bản thân mình mà còn đem ra làm trò đùa, trò vui như vậy, còn những cái khác thì sao? Liệu các em có còn tự trọng nữa hay không? Tuổi trẻ mà bồng bột như vậy thì tương lai của em sẽ đi đâu về đâu?".
Còn nick name Puyn Nguyễn thì thốt lên: "Tôi thật không hiểu ma lực nào đã cuốn em vào trò chơi điên loạn thế này, rồi cha mẹ, người thân em sẽ thế nào khi bị mọi người dèm pha về clip của em? Đứa con gái mà họ nâng niu, chăm sóc như trứng mỏng, giờ đây biến thành trò cười cho thiên hạ, hỏi bậc cha mẹ nào mà chịu nổi chứ!".
Và không dừng lại ở việc bình luận một clip cụ thể nữa, tại một diễn đàn khác, nick name buonviyeu đặt câu hỏi: "Sao gần đây những video này xuất hiện ngày càng nhiều và xảy ra công khai giữa thanh thiên bạch nhật, trước sự dửng dưng của người xem?". Và như trả lời băn khoăn này, nick gacondangyeu chia sẻ: “Teen bây giờ là thế đó, thích lấy “số má”, đánh người là quay video clip tung lên mạng để thêm nổi tiếng”.
Tại clip.vn, có cả trăm clip nữ sinh đánh nhau. Hầu hết các video tung lên mạng đều được quay bằng điện thoại di động. Ông Nguyễn Gia Trung, Trưởng nhóm biên tập nội dung của clip.vn cho hay, hiện có 2 loại clip đánh nhau phổ biến trên mạng do người dùng tạo ra. Một là clip "giả đánh nhau" được quay với mục đích... vui đùa của học sinh - sinh viên. Sau khi được kiểm duyệt, nếu không có vấn đề, các clip này được chấp nhận như bình thường. "Còn các clip đánh nhau thật có thể được loại bỏ hoặc lưu lại trên hệ thống nhằm giúp các phương tiện truyền thông thấy rõ nhất cuộc sống, hành vi và những biểu hiện của giới trẻ. Qua đó, muốn nhờ các phương tiện truyền thông lên án, định hướng để cộng đồng mạng nói riêng và xã hội nói chung biết và chung tay loại bỏ những hành động tiêu cực này trong tương lai", anh Trung cho hay.
Thạc sĩ tâm lý giáo dục Trần Văn Thức (trường ĐH Sư phạm Hà Nội) nêu vấn đề: Có hay không một thực tế trước những hiện tượng như trên, chúng ta thấy không ổn, đáng lo ngại… thì với một bộ phận học sinh, có thể lại coi đó là bình thường, không có gì là ghê gớm.
Ông Thức nói: "Tôi không cho rằng hiện tượng nêu trên đã tới mức phổ biến nhưng có lẽ nó không còn quá cá biệt, bởi nếu không thì dư luận xã hội đã chẳng phải quan ngại như vừa qua. Vấn đề đặt ra ở đây là phải có sự quan tâm thỏa đáng để những hiện tượng còn cá biệt không trở nên phổ biến".
Bản thân những học sinh thích thú với việc quay video những hành vi xấu của chính bạn bè mình và post những clip quay được ấy lên mạng cũng không lường hết được hậu quả. Trong vụ nữ sinh trường THPT Trần Nhân Tông đánh nhau làm xôn xao cư dân mạng vừa qua thì Thùy Linh, người tung clip này lên mạng cũng hồn nhiên trả lời: "Em không nghĩ hậu quả lại phức tạp như vậy"…
Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Phạm Vương Tấn, Hiệu trưởng trường THPT Nguyễn Trãi, nơi có nữ sinh "đánh bài cởi áo" cũng chia sẻ: Xử lý một hiện tượng vi phạm không khó nhưng điều quan trọng là phải tìm ra nguyên nhân để có biện pháp giáo dục và ngăn chặn những hành vi tương tự có thể xảy ra trong nhà trường.
Tuệ Nguyễn
Bình luận (0)