Hôm nay (5.1), tại TP.Huế, Bộ GD-ĐT tổ chức hội thảo quốc gia về dạy và học môn văn trong trường phổ thông hiện nay nhằm bàn hướng đổi mới và lấy lại vị thế số 1 của môn học này.
Chấm văn là nghệ thuật
Khảo sát gần 3.100 bài văn của 15 trường trung học (gồm THCS và THPT), thạc sĩ Phan Thị Thanh Vân, (Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng, TP.Vinh, Nghệ An) chỉ ra rằng: một điều dễ thấy là còn có không ít giáo viên chưa coi trọng ý nghĩa của lời phê. Từ đó, dẫn tới việc không phê, hoặc phê một cách chung chung, ví như: “tạm được”, “hiểu đề”, “hiểu bài”, “chưa sáng tạo”, “thiếu ý”, “có cố gắng”, “có tiến bộ”, “quá sơ sài”…
Bên cạnh đó, còn có những giáo viên không giấu được bức xúc của mình trên lời phê: “vớ vẩn”, “tăm tối”, “quá kém”… “Đây là điều không nên có trong lời phê, nhất là với môn văn”, bà Vân bày tỏ.
Chấm bài văn, theo bà Vân, vừa là nghệ thuật vừa là kỹ thuật. Nói đến nghệ thuật là nói đến cách chấm bài. Có người chấm nhanh nhưng vẫn chính xác, có người chấm chậm, đọc kỹ mà vẫn đánh giá không đúng bài làm của học sinh. Ngoài ra, đó còn là quan điểm, thái độ của người chấm đối với bài làm.
Trong gần 3.100 bài văn được khảo sát, có hơn 50% lời phê có sự tương thích giữa nội dung lời phê và điểm số trên bài. Với những lời phê như vậy, các em học sinh có kết quả tốt hoặc chưa tốt đều cảm thấy hài lòng vì các em được thầy cô chỉ rõ những gì đã làm được và cả những nhược điểm, thiếu sót trong bài làm của các em.
Điều đáng nói là những lời phê ân cần, tâm huyết của thầy cô giáo đã gieo vào lòng các em một niềm tin về khả năng học của mình.
Tuy nhiên, gần 50% bài làm có lời phê chưa, hoặc không tương thích giữa nội dung lời phê và điểm số là một điều rất đáng lo ngại. Theo bà Vân, “hậu quả của nó là khôn lường”. Với các em có chút đam mê với môn văn, các em sẽ thấy rất buồn khi nhận được bài kiểm tra với những lời phê không ăn nhập gì với nội dung bài làm hoặc những lời phê những lời nhận xét chung chung, ít bổ ích, chỉ mang tính xếp loại như: còn yếu, khá, thường, giỏi…
Điều đáng nói hơn, là còn không ít hiện tượng chấm điểm mà không có lời phê, chỉ có cho điểm một cách “lạnh lùng”. Trong số đó, có những bài điểm cao (8, 9), có những bài điểm thấp. Với cách chấm bài này, học sinh khi nhận được bài kiểm tra sẽ nghĩ gì khi cầm kết quả ấy trên tay?
Học sinh cần “cá tươi” hơn "mực khô"
Bà Nguyễn Kim Anh, giáo viên trường THPT Phan Huy Chú (Q.Đống Đa, Hà Nội) chỉ ra tình trạng khá phổ biến sau một số kỳ thi mà nhiều giáo viên hay mắc phải, đó là: đề thi sau buổi thi luôn được thầy dùng để chữa, để dạy cho trò trong thái độ rất quan trọng hóa, coi đó là một tạng đề. “Để rồi sau đó xếp vào kho “bảo bối” của thầy như "mực khô", tỉnh thoảng đem ra nướng thơm lừng”, bà Kim Anh ví von.
Tuy nhiên, theo bà Kim Anh, việc luyện đó sẽ khác lắm với những cái cần được chuẩn bị cho trò đi thi và vào đời. Bởi trò cần “mực tươi, cá đang bơi” trong những vấn đề mới đang nóng hổi. Nếu thầy cô không xác định đúng tính chất thời sự của cách kiểm tra, đánh giá mới thì lại hao tâm tổn trí với việc đuổi theo đề của mùa thi qua, “chỉ huy sau trận đánh”.
Đưa ra những lo lắng như vậy, bà Kim Anh mong muốn cách ra đề văn trong mỗi kỳ thi cần “nóng hổi hơi thở đời sống”. Nếu việc học, việc kiểm tra đánh giá xa rời cuộc sống, ta sẽ không cần phải hỏi làm sao trò của ta không thực sự yêu văn? Hỏi làm sao cách dạy rất phản văn lại đang có điểm tốt. Hoặc cách dạy như thể rất văn vẻ lại làm mệt cho người học.
Khác với đề nghị luận văn học thường hạn chế ở tác phẩm đã hoàn thành từ lâu và chỉ còn trông chờ vào cách nhìn mới, ở câu nghị luận xã hội có nhiều đất để linh hoạt, gắn kết với đời sống. Các bài nghị luận xã hội thời gian qua cũng được đón đợi và khen ngợi nhiều về tính mở.
Tuy nhiên, cũng cần nghĩ đến kiểu ra đề này bị lạm dụng hoặc biến tấu khôn lường ở giáo viên dạy văn chưa tự trang bị được kỹ năng ra đề và kiểm soát tốt mức độ khó - dễ.
Bà Kim Anh nêu ví dụ: đơn cử như đề văn cho học sinh lớp 10, cô giáo ra là “vì sao tôi sống?”, trò hoảng qúa, ngồi ôm đầu. Tối về, trò hỏi cha mẹ: “Con nghĩ cả tiết mà vẫn không biết nói thế nào là đúng với đề hỏi vì sao con sống nữa!”.
Đồng quan điểm, ông Võ Anh Minh (Trường THPT Quảng Xương 4, Thanh Hóa), cho rằng: đề mở đòi hỏi ở người giáo viên một cách chấm “mở”, giáo viên phải thực sự tinh nhạy và linh hoạt khi chấm bài để vừa đánh giá được lượng kiến thức chuẩn mà vừa “lắng nghe” được cảm xúc, suy nghĩ, đánh giá của học sinh về vấn đề “mở” mà bài nêu ra.
Cũng theo ông Anh Minh, phải xem việc đổi mới cách dạy học môn văn là gốc để tạo ra cái nền vững chắc cho việc đổi mới ra đề thi. Đề “mở” sẽ không thể phát huy hiệu quả nếu người dạy và người học không thực sự chủ động, tích cực đổi mới.
PGS Đỗ Ngọc Thống, Phó vụ trưởng vụ Giáo dục trung học, chuyên trách về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông sau năm 2015 thông tin: trong những năm gần đây, số lượng học sinh đăng ký học và thi ban Xã hội - Nhân văn ngày càng ít. Không những thế, chất lượng cũng ngày càng giảm. Các số liệu thống kê cho thấy, môn ngữ văn đang bị tuyệt đại đa số học sinh phổ thông chối bỏ. Năm 2009, chỉ có 1,82% học sinh trung học ban Xã hội - Nhân văn. Như vậy, gần 100% học sinh THPT chỉ cần học văn để thi đỗ tốt nghiệp mà thôi. |
Tuệ Nguyễn
Bình luận (0)