|
“Ngày đó, khi tôi thi ĐH chưa có ngành công nghệ thông tin như bây giờ nên đành yêu thích môn vật lý”, thầy Hồng Út chia sẻ. Những tưởng sẽ chỉ gắn bó với lực vạn vật hấp dẫn, vận tốc ánh sáng..., rồi đúng lúc tin học phát triển, thời đại bùng nổ internet, thầy Út may mắn là một trong 2 giáo viên của Q.Phú Nhuận được tham gia vào lớp đào tạo giáo viên tin học nguồn của Sở GD-ĐT TP.HCM.
Nắm bắt và tận dụng cơ hội, ngoài thời gian “cắp sách” đi học, thầy Út lại mày mò tìm kiếm trên thế giới mạng bao la những kiến thức mới cùng các phần mềm có thể bổ sung cho nghề dạy học của mình. Từ đó, thầy có dịp tiếp cận với nhiều môn học, nhiều lĩnh vực khác nhau.
Thầy Út kể lại: “Phải áp dụng công nghệ thông tin cho chính môn học mà mình đang dạy. Và website baigiangvatly.tk ra đời với đầy đủ lý thuyết, bài tập, kiến thức nâng cao dành cho giáo viên và học sinh. Với website này, học sinh có dịp củng cố kiến thức sau khi đã nghe giảng trên lớp bằng những thí nghiệm vật lý ảo”. Ngoài ra, để giảm căng thẳng cho học sinh, sau mỗi bài học, trên website sẽ xuất hiện lần lượt các câu chuyện vật lý vui, dí dỏm.
Khi đưa công nghệ thông tin vào môn vật lý, thấy học sinh hứng khởi, thầy Út đã động viên các đồng nghiệp thực hiện giáo án điện tử. Ai bí nội dung nào, thầy Út kịp thời hỗ trợ ngay từ môn ngữ văn, lịch sử đến giáo dục công dân... Thư viện của Trường THCS Độc Lập cũng được thầy Út công nghệ hóa bằng một phần mềm tạo các trò chơi, nghe nhạc… có kết nối với các sự kiện lịch sử giúp học sinh dễ hiểu, dễ nhớ.
Cứ vậy, ban ngày lên lớp, buổi tối về nhà, thầy Út lại miệt mài tìm mã cho phần mềm sao cho mình cùng đồng nghiệp không phải cặm cụi lên điểm, ghi học bạ… Đến nay, khi hệ thống quản lý điểm số, giáo án, học bạ điện tử ra đời, chỉ cần một cú nhấp chuột, các giáo viên đã thực hiện công việc mà trước đây tiêu tốn rất nhiều thời gian. Phần mềm này còn trở thành cầu nối giữa giáo viên, nhà trường với phụ huynh.
Bích Thanh
Bình luận (0)