Học viện Chính trị khu vực II và sự phát triển quan hệ bền chặt Việt Nam - Lào

Đặng Sinh
Đặng Sinh
27/11/2024 13:03 GMT+7

'Trong trái tim của mỗi người dân Việt Nam và mỗi cán bộ, học viên Học viện Chính trị khu vực II luôn mãi mãi khắc sâu lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Việt - Lào hai nước chúng ta/Tình sâu hơn nước Hồng Hà, Cửu Long'.

PGS-TS Nguyễn Quốc Dũng, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Học viện Chính trị khu vực II đã có những phát biểu thắm tình đồng chí trong buổi đón tiếp đoàn công tác Trường Chính trị - Hành chính tỉnh Champasak (Lào) ghé thăm và làm việc tại Học viện vào sáng 27.11.

Dẫn lại lịch sử, PGS-TS Nguyễn Quốc Dũng nhấn mạnh, mối quan hệ Việt Nam - Lào đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh, Chủ tịch Kaysone Phomvihane, Chủ tịch Souphanouvong cùng các nhà lãnh đạo cách mạng tiền bối của hai nước chung tay gây dựng, gìn giữ và dày công vun đắp. Trong bối cảnh tình hình khu vực và thế giới đang có những thay đổi nhanh chóng, phức tạp và khó lường, mối quan hệ hữu nghị Việt Nam - Lào càng trở nên đặc biệt hơn.

"Trong trái tim của mỗi người dân Việt Nam và mỗi cán bộ, học viên Học viện Chính trị khu vực II luôn mãi mãi khắc sâu lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Việt - Lào hai nước chúng ta/Tình sâu hơn nước Hồng Hà, Cửu Long. Vượt trên nghi lễ ngoại giao, chúng ta còn là những người đồng chí", PGS-TS Nguyễn Quốc Dũng nhấn mạnh.

Học viện Chính trị khu vực II và sự phát triển quan hệ bền chặt Việt Nam - Lào- Ảnh 1.

PGS-TS Nguyễn Quốc Dũng phát biểu tại buổi làm việc

ẢNH: ĐẶNG SINH

Theo PGS-TS Nguyễn Quốc Dũng, Trường Chính trị - Hành chính tỉnh Champasak là một trong những cơ sở quan trọng trong hệ thống đào tạo cán bộ lãnh đạo, quản lý của Lào. Học viện Chính trị khu vực II và Trường Chính trị - Hành chính tỉnh Champasak có rất nhiều điểm tương đồng trong sứ mệnh đào tạo đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý của hai nước. Qua đó, hai cơ sở có thể trao đổi, chia sẻ, học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau trong công tác đào tạo cũng như công tác nghiên cứu khoa học.

Học viện Chính trị khu vực II chia sẻ nhiều về kinh nghiệm đào tạo 

Tại buổi làm việc, ông Somsack Sauvarat, quyền Hiệu trưởng Trường Chính trị - Hành chính tỉnh Champasak, hy vọng những kết quả thu được từ chuyến thăm và làm việc ở Học viện sẽ là kinh nghiệm để đơn vị áp dụng trong các hoạt động tại nhà trường và địa phương.

Nhắc lại lịch sử kề vai sát cánh, chia ngọt sẻ bùi trong quá khứ trong quan hệ Việt Nam - Lào, ông Somsack Sauvarat bày tỏ: "Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, Chủ tịch Kaysone Phomvihane, Chủ tịch Souphanouvong đã cùng nhau đặt nền móng, xây dựng mối quan hệ này. Chúng ta có trách nhiệm cùng nhau tiếp nối xây dựng mối quan hệ này ngày càng bền chặt".

Chân thành chia sẻ về những khó khăn của Trường Chính trị - Hành chính tỉnh Champasak, ông Somsack Sauvarat cho biết trường được xây dựng năm 1997. Hiện tại trường còn nhiều thiếu thốn về cơ sở vật chất, công nghệ và giáo viên; ứng dụng công nghệ thông tin còn hạn chế. Do đó, việc thực hiện nhiệm vụ để đạt tiêu chí do Học viện Chính trị - hành chính quốc gia Lào đặt ra còn nhiều thách thức.

Học viện Chính trị khu vực II và sự phát triển quan hệ bền chặt Việt Nam - Lào- Ảnh 2.

Ông Somsack Sauvarat bày tỏ hy vọng hai bên cùng nhau tiếp nối xây dựng mối quan hệ tốt đẹp

ẢNH: ĐẶNG SINH

PGS-TS Nguyễn Quốc Dũng chia sẻ những khó khăn của của Trường Chính trị - Hành chính tỉnh Champasak. Ông hy vọng kết quả chuyến thăm và làm việc lần này có thể gợi mở ra thêm hướng phát triển cho Trường Chính trị - Hành chính tỉnh Champasak. 

Đồng thời, PGS-TS Nguyễn Quốc Dũng hy vọng trong dự án xây dựng học viện cấp khu vực ở tỉnh Champasak thì phía Việt Nam sẽ có nhiều trách nhiệm để tiếp tục vun đắp mối quan hệ hai nước ngày càng bền chặt hơn nữa.

Tại buổi làm việc, hai bên đã trao đổi rất thẳng thắn về kinh nghiệm hoạt động quản lý, giảng dạy và nghiên cứu. Đáng chú ý, phía Trường Chính trị - Hành chính tỉnh Champasak đặt ra nhiều câu hỏi với phía Học viện Chính trị khu vực II về kinh phí, thu chi, chính sách, quản lý cơ sở, quản lý học viên... Phía Học viện đã có những chia sẻ trở lại rất chân thành và cụ thể.

Một số hình ảnh tại chuyến thăm và làm việc của đoàn Trường Chính trị - Hành chính tỉnh Champasak (Lào) tại Học viện Chính trị khu vực II:

Học viện Chính trị khu vực II và sự phát triển quan hệ bền chặt Việt Nam - Lào- Ảnh 3.

Tại buổi làm việc, hai bên đã trao đổi rất thẳng thắn về kinh nghiệm hoạt động về quản lý, giảng dạy và nghiên cứu

ẢNH: ĐẶNG SINH

Học viện Chính trị khu vực II và sự phát triển quan hệ bền chặt Việt Nam - Lào- Ảnh 4.

Hai bên tặng quà lưu niệm sau buổi làm việc

ẢNH: ĐẶNG SINH

Học viện Chính trị khu vực II và sự phát triển quan hệ bền chặt Việt Nam - Lào- Ảnh 5.

Hai bên tặng quà lưu niệm sau buổi làm việc

ẢNH: ĐẶNG SINH

Học viện Chính trị khu vực II thành lập năm 1949, là đơn vị trực thuộc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh. Học viện gồm 12 đơn vị giảng dạy và 8 đơn vị chức năng, tham mưu. Học viện là trung tâm đào tạo, bồi dưỡng cán bộ trên địa bàn các tỉnh Đông Nam bộ và một số địa phương; nghiên cứu khoa học lý luận chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, khoa học chính trị, khoa học lãnh đạo, quản lý.

Trường Chính trị - Hành chính tỉnh Champasak được xây dựng năm 1997, hiện tại nhân sự có 37 cán bộ. Trường được mở 2 cấp đào tạo gồm Sơ cấp chính trị và Trung cấp chính trị; ở mỗi cấp, mỗi năm trường được mở 3 lớp, mỗi lớp không quá 60 người.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.