Theo tạp chí Nature (Anh), 1/3 người tham gia cuộc khảo sát học viên cao học chương trình thạc sĩ và tiến sĩ toàn cầu cảm thấy mơ hồ về chương trình mà họ đang theo đuổi.
Khoảng 60% học viên thạc sĩ và tiến sĩ nghĩ rằng bằng cấp của họ sẽ giúp ích đáng kể trong hành trình phát triển sự nghiệp nhưng số còn lại cảm thấy “có chút lợi ích” hoặc không có lợi ích gì.
Dưới 1/3 người tham gia khảo sát tin rằng họ sẽ tìm được công việc toàn thời gian cố định trong vòng một năm sau khi tốt nghiệp.
“Tôi nghĩ rằng bằng tiến sĩ sẽ không mang đến điều gì tốt đẹp cho sự nghiệp. Tôi có nhiều người bạn lấy bằng tiến sĩ xong rồi sự nghiệp vẫn cứ giậm chân tại chỗ”, Joshua Caley, học viên thạc sĩ tại ĐH New South Wales (Úc), một người tham gia khảo sát của Nature, chia sẻ.
Các học viên cao học chương trình thạc sĩ và tiến sĩ cảm thấy mơ hồ về giá trị bằng cấp của họ |
ảnh chụp màn hình nature |
Anh Caley cho hay anh muốn làm nghiên cứu sinh tiến sĩ, tập trung nghiên cứu lĩnh vực hóa sinh liên quan đến những căn bệnh hay gặp ở người cao tuổi. Tuy nhiên, anh phân vân liệu rằng chỉ cần tìm việc làm với tấm bằng thạc sĩ hay phải nỗ lực thêm vài năm nữa để bảo vệ luận văn tiến sĩ.
Tương tự, cô Erika Murce, nghiên cứu sinh tiến sĩ năm thứ 4 tại Bệnh viện ĐH Y khoa Erasmus (Hà Lan), chia sẻ đến nay cô chỉ nhận thấy được triển vọng nghề nghiệp là làm nhà nghiên cứu.
“Tôi chứng kiến người hướng dẫn luận văn tiến sĩ của tôi gặp nhiều áp lực trong công việc thuần nghiên cứu. Do đó, tôi không muốn có một cuộc sống và công việc như vậy sau khi bảo vệ thành công luận án tiến sĩ”, cô Murce chia sẻ.
Đây là kết quả của cuộc khảo sát do tạp chí Nature tiến hành với hơn 3.200 người khắp thế giới.
Cuộc khảo sát cũng phơi bày một thực tế là chương trình đào tạo thạc sĩ và tiến sĩ chưa thật sự đáp ứng nhu cầu thực tế cũng như kỳ vọng của học viên về phát triển sự nghiệp tương lai, cố vấn chính sách Shweta Ganapati thuộc Hội đồng Nghiên cứu kỹ sư và khoa học tự nhiên (thuộc chính phủ Canada) chia sẻ.
“Có sự chuyển hướng thị trường lao động và các chương trình tiến sĩ không bắt kịp xu thế. Đó là lý do nhiều học viên không còn mặn mà với những chương trình cao học mà cơ hội việc làm chỉ dừng ở mức làm chuyên gia nghiên cứu với tiền lương không thật sự hấp dẫn nhưng chịu nhiều áp lực”, tiến sĩ Ganapati cho hay sau khi phân tích kết quả khảo sát của tạp chí Nature.
Riêng tiến sĩ Ganapati hồi năm 2021 cũng từng tiến hành cuộc khảo sát với 176 nghiên cứu sinh tiến sĩ ở Canada, Mỹ về chủ đề tương tự. Kết quả cuộc khảo sát này cho thấy đa số chỉ nhận thấy cơ hội việc làm của tiến sĩ là những vị trí nhà nghiên cứu hay giảng viên tại các trường ĐH.
Bình luận (0)