Từ chỗ chủ động đóng tiền học để có kiến thức cũng như có tấm bằng thạc sĩ thì nay họ phải chịu cảnh mất tiền, mất thời gian và mang tiếng… học dỏm. Mỗi người đóng 3.000 USD và học được 7 tháng thì biết được bằng cấp của SPU không được kiểm định và không có giá trị. Học viên Nguyễn Thanh Đ. cho biết, khóa học này dành cho mọi đối tượng, tuy nhiên Viện ICES đã dùng “chiêu” ký hợp đồng làm cộng tác viên để được theo học lớp này. “Họ làm như không phải ai cũng được học lớp này, phải có người quen giới thiệu, lớp học chỉ có ít người nên phải nhanh chóng đóng tiền đăng ký kẻo hết chỗ... và học viên đã sập bẫy”, anh Đ. bức xúc nói.
Khi biết rõ sự việc, nhiều học viên yêu cầu Viện ICES trả lại tiền, trong khi những học viên khác đồng ý với đề nghị của Viện là chuyển qua liên kết với International American University (IAU) cùng phí chuyển đổi là 1.500 USD. Tuy nhiên, đến nay đã gần 2 tháng nhưng ICES vẫn chưa giải quyết yêu cầu của học viên: chưa trả lại tiền cũng như chưa có lớp học liên kết với IAU như đã đề nghị.
Trước đó, vào đầu tháng 11, trong loạt bài Bát nháo chương trình liên kết, trả lời câu hỏi của phóng viên Báo Thanh Niên về việc bảo vệ quyền lợi của học viên đang theo học các chương trình liên kết đào tạo trái phép, ông Nguyễn Xuân Vang - Cục trưởng Cục Đào tạo với nước ngoài (Bộ GD-ĐT) nói: “Giải pháp tình thế là nếu các chương trình này chưa có phép thì phải dừng tuyển sinh, làm hồ sơ xin cấp phép theo đúng quy định và chịu phạt hành chính để đảm bảo quyền lợi của học viên. Học viên là nạn nhân nên chúng ta phải bảo vệ họ”.
Nhưng xem ra trường hợp của 30 học viên trên chưa có được sự bảo vệ từ các cơ quan chức năng.
Thiên Long
Bình luận (0)