Học võ không phải để thách đấu!

16/07/2017 09:02 GMT+7

Nhiều lớp dạy võ thu hút rất đông võ sinh. Đâu là lý do khiến người trẻ mê võ đến vậy?

Hầu hết tại các nhà văn hóa ở TP.HCM, buổi chiều và tối đều có rất nhiều lớp võ diễn ra, thu hút hàng trăm võ sinh tới học các môn: taekwondo, karatedo, võ cổ truyền Bình Định - Sa long cương, wushu - thái cực quyền...
Giúp kiềm chế bản thân
Những người có võ không bao giờ thách đấu. Càng biết võ càng khiêm tốn
Võ sư Nguyễn Bình Định
 
Theo Trần Hoàng Đăng Khoa, học sinh lớp 8 Trường THCS Cửu Long (Q.Bình Thạnh), em theo học taekwondo là để rèn luyện sức khỏe, thân thể. Đồng môn của Khoa là Nguyễn Thanh Vy, sinh viên Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, cho biết: “Dạo trước mình hay bị stress, thường xuyên mất ngủ và hay bị bệnh vặt. Nhưng kể từ khi học võ thì ngủ đủ giấc, ngủ ngon hơn và giảm hẳn cảm cúm, nhức đầu, sổ mũi”.
Nguyễn Thy, học sinh lớp 11 Trường THPT Trưng Vương, Q.1, kể trước khi học karatedo, em rất nóng tính, ai làm “xốn mắt” là dùng... nắm đấm. Và vì... đấm không lại nên học võ với ý định trả thù cũng như ra oai với người khác. “Nhưng sau khi học võ thì thấy bản thân điềm tĩnh hơn, không còn nóng nảy nữa. Dù sau đó cũng gặp nhiều lời khiêu khích nhưng mình đã hiểu học võ không phải là để đánh người. Thay vì đánh lại thì mình né, hoặc tìm cách thoát thân, sau đó đợi đối phương bình tĩnh sẽ nói chuyện giải hòa”, Thy nói.
Cũng theo Thy, ba mẹ Thy còn ngạc nhiên vì: “Không ngờ sau khi học võ thì mình đằm tính hẳn. Nên khi mình mới có ý định học võ, ba mẹ đều ngăn cản, còn giờ thì ba mẹ rất ủng hộ”.
Tại lớp võ cổ truyền Bình Định - Sa long cương, ông Huỳnh Phát (ngụ ở Q.Phú Nhuận, TP.HCM) cho biết đưa con đi học võ nhằm nâng cao thể lực, tăng cường sức khỏe và học được những kỹ năng tự vệ, đề phòng những mối nguy hiểm thường gặp trong cuộc sống.
Chị Dung, nhà ở Q.1, TP.HCM, cũng thấy được ích lợi của việc học võ nên dẫn hai con gái là Nhiên (lớp 3) và Ngân (lớp 5) đi học taekwondo ở Nhà văn hóa Thanh niên TP.HCM.
Bỏ tính hống hách, cao ngạo
Lý giải nguyên nhân các võ đường, các lớp võ thu hút nhiều võ sinh, võ sư Nguyễn Bình Định, Trưởng bộ môn vovinam của Sở Thể thao - Văn hóa TP.HCM, Phó tổng thư ký Liên đoàn Vovinam VN, cho rằng việc học võ đem lại nhiều lợi ích cho người học, như rèn luyện sức khỏe, tạo sự tự tin trong cuộc sống. Chưa kể võ thuật còn giúp người học thêm tình đoàn kết, tinh thần đồng đội, có tính kỷ luật, ý chí vượt qua khó khăn. Ngoài ra, học võ để tự vệ bản thân, thoát thân trong tình huống nguy hiểm.
Võ sư này kể thêm: “Có trường hợp khi mới học võ nghĩ mình cao to, có khả năng võ thuật nên hống hách, cao ngạo. Nhưng sau một thời gian học, võ sinh đó đã đằm tính hơn, cao thượng hơn. Trong bất kỳ hoàn cảnh nào cũng biết kiềm chế bản thân, bớt sân si”.
Tiến sĩ - võ sư Hồ Tường, thuộc môn phái võ thuật cổ truyền Tân Khánh Bà Trà VN, hiện đang là Trưởng ban huấn luyện lớp võ lâm, Nhà văn hóa Thanh niên TP.HCM, người đã có 36 năm dạy võ, cho biết: “Học võ còn giúp võ sinh rèn luyện nhiều tính tốt như: nhân, lễ, nghĩa, trí, tín, khiêm tốn, nhún nhường... Kèm theo đó là sự dũng cảm, tự tin, sẵn sàng bảo vệ những người yếu thế”.
Võ sư Lê Hoàng Mai, Trưởng bộ môn aikido Q.Tân Bình, TP.HCM, hiện đang dạy kỹ năng tự vệ ở Cung văn hóa Lao động TP.HCM và lớp aikido ở Nhà thiếu nhi Q.Phú Nhuận, là một người từng rất nóng tính, nhưng sau quá trình học võ và tham gia giảng dạy, ông đã thay đổi rất nhiều. “Khi dạy, tôi hướng đến việc giúp võ sinh hiểu học võ là để có sức khỏe, biết yêu thương và chia sẻ, tự vệ trong trường hợp cần thiết, chứ không phải học võ rồi thách đấu bừa bãi, đi ngược lại với truyền thống của võ. Tôi cũng luôn căn dặn các võ sinh là dùng vũ lực để giải quyết vấn đề là không đúng. Và tôi là thầy, nên càng phải nêu gương cho võ sinh”, võ sư Lê Hoàng Mai nói.
Cùng quan điểm, tiến sĩ - võ sư Hồ Tường cũng cho biết: “Với các học trò, tôi luôn nhắc về điều cấm kỵ trong võ thuật là không được học võ rồi thách đấu, khiêu khích người khác. Bởi người học võ phải khiêm nhường. Đừng dùng võ vào những việc hạ cấp. Dù có võ nhưng không nói, không khoe. Người giỏi võ không bao giờ lên tiếng. Và môn phái nào cũng có cái hay riêng nên phải biết tôn trọng những võ phái khác chứ đừng bao giờ xem thường, đừng thách đố”.
Theo võ sư Nguyễn Bình Định, có thể mỗi môn võ có những tôn chỉ riêng, nhưng với môn vovinam thì cấm thượng đài, cấm thách thức người khác. Chỉ đấu với nhau theo luật, trong những giải có điều lệ quy định đàng hoàng, có hạng cân, tiêu chuẩn, nhóm tuổi cụ thể...
Vì lẽ đó, ông luôn căn dặn học trò không được cao ngạo, thể hiện, hống hách. Theo vị võ sư này: “Những người có võ không bao giờ thách đấu. Càng biết võ càng khiêm tốn”.
“Nhiều người hỏi tôi là biết võ, cũng dạy võ, có bao giờ thách đấu với ai chưa? Tôi trả lời thiệt là không bao giờ. Vì thầy mà thách đấu thì ảnh hưởng đến việc giảng dạy võ sinh, ảnh hưởng đến đạo đức. Và nếu lỡ thua thì phản cảm và kỳ lắm. Mình thua là ảnh hưởng ít nhiều đến công việc dạy ngay. Như khi võ sinh chọc quê: “Thầy dạy hay quá mà sao thầy đánh cũng thua”, “Thầy dạy phải bản lĩnh nhưng thầy đánh với đối phương thì cứ chạy, cứ né, cứ rúc đầu vô cho người ta đánh”... thì biết làm sao”, võ sư Nguyễn Bình Định cười nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.