Học sinh đặt nhiều câu hỏi với thủ khoa, như học xã hội mà yêu thích hóa, sinh có nên thi y khoa không? |
THÚY HẰNG |
Chiều nay, 5.12, tại Trường THPT Lê Trọng Tấn, Q.Tân Phú, TP.HCM diễn ra chương trình "Đối thoại cùng thủ khoa". Các thủ khoa các khối C, A1 và á khoa các khối A, B cùng giao lưu với các học sinh. Rất nhiều câu hỏi được đặt ra, từ cách định hướng nghề nghiệp, chọn ngành, chọn trường, thay đổi tổ hợp môn học lớp 10 cho tới kinh nghiệm ôn thi.
Đang học tự nhiên có nên đổi qua xã hội?
Nữ sinh lớp 10 đặt câu hỏi với các thủ khoa: “Bây giờ em đã chọn được ngành mình sẽ theo đuổi trong tương lai, nhưng có những lúc học em rất nản. Vậy bí quyết nào vượt qua những giây phút đó?”.
Kim Trọng Duy, thủ khoa khối A01 năm 2021, sinh viên ngành Sư phạm tin học, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, cho biết ai cũng có những lúc rất nản chí trên hành trình tìm kiếm đam mê và thực hiện giấc mơ của mình. Những lúc mệt mỏi, học sinh có thể giải trí bằng đọc sách, xem phim, và nên nhớ rằng cho phép mình mệt mỏi nhưng không cho phép mình bỏ cuộc.
Các thủ khoa giao lưu với học sinh |
Hay một học sinh Trường THPT Lê Trọng Tấn đặt câu hỏi cho Nguyễn Công Khải, thủ khoa khối C 2022, đang là sinh viên Học viện Cán bộ TP.HCM, cũng là cựu học sinh của Trường Lê Trọng Tấn: “Làm sao để trở thành học sinh giỏi cấp thành phố?”. Khải cho biết để trở thành học sinh giỏi cấp thành phố là một quá trình lâu dài, đòi hỏi bạn cần đủ khả năng, đam mê để đi một chặng đường dài. Bạn cần ôn tập kỹ lưỡng từ sách giáo khoa, sách nâng cao.
Các câu hỏi về ngành Công nghệ thông tin cũng “chiếm sóng” nhiều trong chương trình chiều nay. Bên cạnh đó, các câu hỏi được đặt ra nhiều nhất là “em đang học tổ hợp khoa học tự nhiên nhưng lại thích khoa học xã hội hơn; hoặc đang học khoa học xã hội lại thấy mình giỏi tự nhiên hơn, có nên đổi không?”.
Trả lời băn khoăn “Học xã hội, nhưng giỏi hóa, sinh thì nên thi y khoa theo đam mê không” của một học sinh lớp 10, Nguyễn Đắc Long, á khoa khối A, B, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, khuyên: “Nếu bạn thật sự đam mê y khoa thì nên chuyển qua ban tự nhiên và thực hiện ước mơ của mình. Vì nếu có đam mê thật sự với ngành y, bạn sẽ có động lực để học tốt môn toán, vật lý, vượt qua các trở ngại”.
Một học sinh cũng đặt câu hỏi cho Phan Thị Hương, thủ khoa khối C năm 2021, sinh viên Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, về vấn đề tương tự. “Em đang học tự nhiên nhưng em lại thích ngữ văn và muốn theo đuổi sư phạm văn. Em có nên đổi qua học xã hội không?”.
Thủ khoa khối C trao đổi: “Nếu thật sự điều đó xuất phát từ đam mê của học sinh thì bạn nên đổi. Hiện tại các bạn mới đang học lớp 10 thôi, môn ngữ văn cũng là môn học chính. Động lực rất quan trọng. Bạn yêu thích môn văn, sư phạm văn thì nó sẽ là động lực của bạn. Trong quá trình học tập bạn sẽ có lúc nản chí nhưng nghĩ tới mục tiêu của mình, có động lực mạnh mẽ, bạn sẽ khó bỏ cuộc hơn”.
Vượt qua áp lực cuối cấp
Chương trình ngoại khóa "Đối thoại cùng thủ khoa" do Tổ địa lý - tâm lý Trường THPT Lê Trọng Tấn phối hợp cùng Gia sư eTeacher thực hiện.
Thầy Nguyễn Văn Cường, Hiệu trưởng Trường THPT Lê Trọng Tấn, cho biết việc hướng nghiệp từ sớm rất quan trọng với các học sinh. Khi xác định được nghề nghiệp mình sẽ theo đuổi trong tương lai các em sẽ có nhiều thời gian để đầu tư vào việc học tập, ôn tập, thi cử.
Do đó, sự kiện như "Đối thoại cùng thủ khoa" chiều nay là sự kiện được nhiều học sinh yêu thích, diễn ra ở trường trong nhiều năm. Các năm trước chỉ có học sinh khối 12 tham gia, năm nay chương trình có sự tham gia của học sinh khối 10, 11, để đặt câu hỏi về quá trình học tập, chọn ngành nghề với các thủ khoa.
Học sinh khi được tư vấn, hướng nghiệp từ sớm sẽ càng có thêm tự tin |
PHƯƠNG ANH |
Theo thầy Cường, nhà trường cũng có tổ hướng nghiệp, trải nghiệm với sự tham gia của giáo viên chủ nhiệm, các giáo viên trong tổ tư vấn tâm lý, cùng hỗ trợ giải đáp các thắc mắc của các học sinh cũng như cả phụ huynh trong quá trình chọn ngành, nghề, định hướng nghề nghiệp tương lai.
Theo thầy Cường, với học sinh THPT, nhất là học sinh lớp 12 trước kỳ thi tốt nghiệp THPT, thi đánh giá năng lực thì có những lúc gặp những áp lực học tập căng thẳng. Học sinh băn khoăn, âu lo nên thi y khoa, hay sư phạm, hay công nghệ thông tin, hay chọn học nghề... Nhưng nếu có sự chuẩn bị ôn tập, kỹ lưỡng, định hướng nghề nghiệp sớm, có sự đồng hành chia sẻ từ thầy cô, nhà trường và gia đình thì học sinh cũng sẽ dễ dàng vượt qua.
Bình luận (0)