Hội An 'nói không’ với thịt chó, mèo: Chính quyền chưa hề cấm quán thịt chó buôn bán

Mạnh Cường
Mạnh Cường
12/12/2021 17:36 GMT+7

Nhiều người dân và du khách bày tỏ quan điểm ủng hộ việc chính quyền TP.Hội An ký cam kết “không” tiêu thụ thịt chó, mèo. Tuy nhiên, nhiều người kinh doanh lại cho rằng cần có điều kiện đi kèm để họ chuyển đổi nghề.

Như Thanh Niên đã thông tin, sáng 10.12, UBND TP.Hội An (Quảng Nam) tổ chức lễ ký kết trực tuyến với tổ chức Four Paws (tổ chức phúc lợi động vật toàn cầu) về cam kết loại bỏ việc sử dụng thịt chó và mèo.

Việc ký thỏa thuận giữa TP.Hội An và tổ chức Four Paws nhằm cải thiện phúc lợi vật nuôi thông qua các chương trình tiêm chủng và loại trừ bệnh dại, giúp ngăn bệnh dịch bùng phát.

Hội An cũng là thành phố đầu tiên của Việt Nam có thỏa thuận nhằm chấm dứt nạn buôn bán thịt chó, mèo. Thỏa thuận có hiệu lực từ cuối năm nay và kéo dài trong 2 năm.

TP.Hội An hướng đến với việc nói không với sử dụng thịt chó, mèo

m.c

Nhiều người dân ủng hộ

Ông Hồ Phước Thiện (ở P.Minh An, TP.Hội An) cho biết sau khi đọc tin trên báo đài đăng tải về việc UBND TP.Hội An tổ chức lễ ký kết với tổ chức Four Paws về cam kết loại bỏ việc sử dụng thịt chó, mèo..., bản thân anh cảm thấy rất vui và ủng hộ tuyệt đối việc ký kết này bởi đây là một việc làm hết sức nhân văn.

“Với một thành phố du lịch nổi tiếng như Hội An thì câu chuyện nói "không" với việc sử dụng thịt chó, mèo nên phải làm từ lâu chứ không phải bây giờ. Gia đình tôi có 2 chú chó đã gắn bó gần 10 năm nay, tôi luôn cảm thấy chó là con vật gần gũi với con người chúng ta nhất”, anh Thiện nói.

Nhiều người dân, du khách ủng hộ việc TP.Hội An nói không với việc sử dụng thịt chó, mèo

m.c

Bà Nguyễn Thị Kim Hoa (ở xã Cẩm Hà, TP.Hội An) cho hay cũng rất vui trước chủ trương đầy nhân văn này của TP.Hội An.

“Gia đình tôi lâu nay không có thói quen ăn thịt chó, hơn nữa đây là con vật nuôi trong nhà, rất gần gũi với chúng ta nên cần được bảo vệ. Cái gì tiên phong thì chắc sẽ có những khó khăn ban đầu, nhưng với cam kết này tôi tin chính quyền Hội An sẽ làm được. Điều này cũng tạo dần thói quen bỏ ăn thịt chó của người dân, riêng việc này tôi ủng hộ hai tay”, bà Hoa chia sẻ.

Chị Anna (32 tuổi, du khách Nga) chia sẻ rất ủng hộ khi TP.Hội An nói không với thịt chó, mèo. “Chúng tôi yêu mến Hội An bởi mảnh đất hữu tình, con người hiền hậu. Hội An nói "không" với tiêu thụ thịt chó, mèo rất có ý nghĩa nhân văn. Việc làm này càng khiến chúng tôi yêu mến mảnh đất, con người nơi đây”, Anna bày tỏ.

Sẽ có chính sách hỗ trợ

Ông N.V.T (50 tuổi, chủ quán thịt cầy ở P.Cẩm Châu, TP.Hội An) và nhiều chủ quán chuyên buôn bán thịt chó đã nghe thông tin về việc thành phố ký cam kết không tiêu thụ thịt chó, mèo. Ông cho rằng sẽ đồng ý chủ trương nếu thành phố có chính sách cụ thể hỗ trợ đối với những hộ kinh doanh như ông để chuyển đổi ngành nghề.

Sau khi TP.Hội An ký cam kết, nhiều quán thịt chó ở Hội An tạm nghỉ bán

m.c

Theo ông T., gia đình ông kinh doanh công việc này từ năm 2003, trung bình mỗi ngày tiêu thụ khoảng 3 con chó. “Nếu thành phố có chủ trương thì người dân chúng tôi chấp nhận thôi. Tuy nhiên, lâu nay nguồn thu nhập chính của gia đình tôi phụ thuộc vào quán thịt chó này nên muốn tôi ngừng bán thì phải có chính sách gì đó để hỗ trợ để chuyển ngành nghề, tạo thu nhập thay thế”, ông T. đề xuất.

Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Nguyễn Thế Hùng, Phó chủ tịch UBND TP.Hội An, thông qua việc ký kết với tổ chức Four Paws, địa phương mong muốn thúc đẩy quyền lợi động vật thông qua việc xóa sổ bệnh dại, loại bỏ dần nạn buôn bán thịt chó, mèo. Nhất là đưa TP.Hội An trở thành điểm đến du lịch xanh, phù hợp với định hướng xây dựng, phát triển thành phố sinh thái, văn hóa, du lịch.

Theo ông Hùng, nếu người dân kinh doanh hợp pháp, đảm bảo các quy định thì không có lý do gì để cấm họ cả. Tuy nhiên, thông qua việc ký kết này, thành phố sẽ vận động bằng nhiều hình thức đối với chủ kinh doanh cũng người dân nhằm dần từ bỏ thói quen sử dụng thịt chó, mèo chứ không phải cấm đoán.

“Cách làm như thế nào thì sau khi UBND tỉnh Quảng Nam chấp nhận chủ trương, thành phố sẽ ngồi lại với đối tác để lên kế hoạch cụ thể, bàn chi tiết hơn, chứ không thể đưa ra rồi nói cấm là cấm liền được”, ông Hùng nói.

Cũng theo ông Hùng, đối với những hộ dân chuyên kinh doanh thịt chó, mèo, khi có kế hoạch thành phố cùng với đối tác sẽ có các buổi đối thoại với họ để tháo gỡ vướng mắc. Chắn chắn sẽ xem xét nhiều góc độ để hỗ trợ những hộ kinh doanh hai loài động vật này để họ chuyển đổi ngành nghề phù hợp.

“Buổi ký kết đó mới chỉ là biên bản ghi nhớ. Kế hoạch cụ thể như thế nào thì còn phải chờ sự chấp thuận chủ trương của UBND tỉnh. Khi tỉnh chấp thuận, chúng tôi sẽ xúc tiến lập kế hoạch chi tiết để làm trong năm 2022 và năm 2023. Trong đó, những cái gì cần làm thì trong kế hoạch sẽ có cụ thể”, ông Hùng nói.

Ông Hùng cho rằng, đây mới ý tưởng nhưng nếu được người dân đồng thuận, ủng hộ thì chắc chắn sẽ có những hiệu ứng ngay trong cộng đồng.

“Con chó là con vật rất thân thiết với con người, khi mọi người đều có xu hướng, tỉ lệ đồng thuận nói không với sử dụng thịt chó cao thì sẽ tốt và rất nhân văn. Sau này, nếu kinh tế, du lịch sôi động trở lại và du khách quay trở lại Hội An mà biết được câu chuyện này thì chắc chắn sẽ rất thích. Tôi tin chắc đây là điều tốt đẹp cho TP.Hội An”, ông Hùng nhấn mạnh.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.