Khi nhắc đến phố cổ Hội An (tỉnh Quảng Nam), nhiều bạn trẻ không khỏi trầm trồ bởi nơi đây được nhiều người trẻ chọn làm điểm du lịch mỗi mùa lễ tết. Không những vậy, nhiều bạn trẻ luôn bày tỏ tình cảm của mình với nơi đặc biệt này.
Thích sự bình yên của phố cổ Hội An
Đã từng đến Hội An một lần, Nguyễn Thị Minh Lý (29 tuổi), làm việc tại Công ty cổ phần phát triển bất động sản Sunrise Holdings cho biết nếu có thể sẽ quay lại vào một dịp nào đó. Sở dĩ Lý muốn quay lại đó là khoảng thời gian đến phố cổ sau đợt lũ lịch sử 2020, nên không khí cũng như cảnh quan lúc này rất tiêu điều, ảm đạm, không được lung linh như những hình ảnh quảng bá du lịch trên các phương tiện truyền thông.
Nơi đây đã thu hút Lý bởi sự bình yên, không gian trong lành, âm hưởng của cuộc sống không xô bồ, bon chen. "Cũng vì mình là người con đất cố đô Huế nên khi đặt chân đến phố cổ Hội An tôi thích ngắm và đi đến tham quan, tản bộ dưới những con đường toàn nhà cổ. Lý cũng thích dạo bước cạnh bờ sông để ngắm những con phố đối diện. Ăn những món ăn đậm vị miền Trung sương gió bốn mùa", Lý cảm nhận.
Còn Nguyễn Thanh Loan (31 tuổi) đang làm việc tại khu công nghệ cao TP.Thủ Đức (TP.HCM) chia sẻ cũng đã từng đến Hội An không dưới 4 lần, lần nào cũng chọn đi dạo phố cổ khi có dịp đến Đà Nẵng. Mỗi lần đến đây, Loan thích nhất những món ăn đặc trưng chính gốc của người Quảng Nam như: cao lầu, mì quảng, cơm gà. Đặc biệt hơn với Loan là những món ăn dân dã như: bánh đập, chè bắp, chả lụi và được ngồi lê la hè phố vừa ăn vừa ngắm cảnh Hội An.
"Hội An giống như một Quảng Nam thu nhỏ vậy, mọi thứ của tỉnh này đều có trong đây. Đến Hội An thì coi như đã đến được Quảng Nam rồi. Chưa kể con người nơi đây hiền hòa", Loan chia sẻ.
Chủ tịch thành phố Hội An: ‘Thu tiền vé là để đảm bảo công bằng cho tất cả du khách’
Nguyễn Thanh Trà (30 tuổi, ngụ đường Bình Quới, Q.Bình Thạnh, TP.HCM) cho biết khoảng tháng 8 năm ngoái gia đình cô có dịp du lịch đến Hội An. Hội An trong Trà đẹp và thơ mộng, dù chỉ mới tới một lần nhưng đó là kí ức luôn nhớ mãi. Trà thích những dãy đèn lồng, những giàn hoa giấy, những bức tường vàng đặc trưng của Hội An. Trà thích cuộc sống nhẹ nhàng, con người và không khí hoài cổ ở Hội An.
"Chúng tôi có thể thỏa thích chụp ảnh, mỗi một hàng cây con phố hay một bức tường đều có thể ghi lại những khoảnh khắc đẹp. Khi ra về, tôi cũng không ngại mua một vài món quà nhỏ ở cửa hàng vừa là làm quà vừa như lời cảm ơn. Ở Hội An tôi không thấy cảnh chèo kéo khách như nhiều nơi khác, đường sá sạch sẽ dù lượng du khách khá đông. Bánh mì Phượng ở Hội An ngon. Nhiều món khác: bánh tráng nước, chè, đồ ăn vặt ở Hội An với tôi khá vừa miệng", Trà nói về những điều mình thích khi đến Hội An.
Vẫn còn nhiều hạn chế...
Ngoài vẻ thơ mộng, món ăn ngon thì những hạn chế về sản phẩm du lịch và điều mà người trẻ thích du lịch Hội An cũng không thể ngao ngán. Minh Lý nói rằng dù thích nhưng vẫn có vài điểm không thích ở Hội An đó là rác thải ở sông vẫn còn nhiều, nổi lềnh bềnh trên mặt nước, những con thuyền cũ kĩ đưa khách khá nguy hiểm khi du thuyền trên sông.
"Đa phần du lịch phố cổ là để thay đổi không gian sống, phù hợp cho những ai muốn hòa mình bên sông nước hữu tình, hay sự ấm áp của khu phố cổ đan xen những chiếc đèn lồng xanh đỏ tím vàng trong đêm yên tĩnh. Nhưng rác làm bản thân tôi cảm thấy mất cảm xúc vài lần, đồng thời dòng nước đen ở chùa Cầu cũng làm mất điểm trong mắt tôi", Lý bày tỏ.
Trong khi đó, Đỗ Thanh Loan lại cho rằng đến Hội An chỉ vui chơi được một buổi bởi phố cổ nhỏ, đi một vòng sẽ hết. Những dịch vụ vẫn còn hạn chế với người trẻ, dễ tạo cảm giác chán nhanh khi đến đây. Ngoài việc chụp ảnh đẹp, ăn ngon thì giá các món ăn cũng khá cao so với mặt bằng thu nhập của người trẻ. "Tóm lại khi đến Hội An tôi chỉ đi chơi được vài tiếng rồi trở về Đà Nẵng hoặc đến nơi khác chứ ít khi ở lại qua đêm", Loan nói.
Đến Hội An được hai lần nhưng với Trần Thị Thu Diễm (29 tuổi, làm việc tại số 33 Út Tịch, Q.Tân Bình, TP.HCM) nơi đây chưa mang lại được điểm nhấn nào ấn tượng. Nếu trừ nhà cổ ra thì chỉ còn lại các quán xá bán hàng, quà lưu niệm, những ngôi nhà mái ngói dọc sông Hoài, hay chùa Cầu cổ kính. Về đêm thì đèn lồng được giăng lên khắp nơi, hàng rong bán hai bên sông Hoài, nhạc mở khắp nơi.
Xem nhanh 20h ngày 8.4: Cập nhật phương án vé vào phố cổ | Thấp thỏm trong chung cư chờ sập
Sẽ không có gì để nói nếu mọi thứ không ngổn ngang tứ phía như ma trận, khác với hình ảnh mình hình dung trước khi đến Hội An. Phía sông Hoài thì có vài chiếc ghe chở khách, vấn đề mùi từ con sông quá tệ, bởi Diễm đến đây để tận hưởng không khí mà phải "tận hưởng" mùi hôi thì quá tệ. Khách du lịch thì ngó nghiêng chủ yếu chụp ảnh, phần quà lưu niệm cũng chưa có gì đặc sắc nên phần buôn bán quà lưu niệm khá kém, đôi khi các chủ sạp còn đuổi khách không cho chụp hình, một vài sạp lịch sự hơn một chút có để bảng không cho chụp ảnh.
Travel blogger Đinh Hằng: 'Thu phí vào Hội An sẽ khiến khách du lịch quay lưng'
Góp ý thêm về du lịch, Thanh Trà nói: "Hôm ấy vì đi cùng gia đình, có bé nhỏ, nên ban đầu chúng tôi có dự định thuê xe để di chuyển. Nhưng phố cổ, đa phần cho thuê xe đạp, và tôi hỏi thuê xe phải trả về chỗ cũ. Trong khi chúng tôi đến tham quan trải nghiệm. Tôi nghĩ nếu có dịch vụ xe giống như dịch vụ xe đạp công cộng tại TP.HCM, có những điểm đậu xe để khách dừng tham quan thì sẽ ổn hơn. Hội An có thế mạnh du lịch, có thể có những điểm đỗ dừng quy định, chỉ cần trả xe theo quy định là một trong những điểm đó, không nhất thiết phải trả đúng nơi thuê vì thú thật nhiều khi chạy lòng vòng tìm chỗ trả xe cũng là cả vấn đề".
Bình luận (1)
tranh cải nhiều quá đầy trên mặt báo mấy ngày nay...tôi nghĩ ai đó cũng nhìn thấy tất tần tật rồi.Theo tôi thì người ta thu thì cứ thu...đến hay không đến là quyết định của mọi người./