Cuốn sách được dẫn dụng trực tiếp hoặc gián tiếp trong nhiều công trình nghiên cứu về văn hóa-tôn giáo từ những năm 1940 cho đến gần đây. Lần đầu tiên, độc giả được thưởng thức trọn vẹn tác phẩm Hội chân biên ở Việt Nam vừa do NXB Đại học Sư phạm Hà Nội ấn hành.
Từ xưa, các sách dã sử đã chép rải rác truyện thần tiên ở nước ta, mãi cho đến khi tuyển tập Kê song xuyết tập (nay được cho là đã thất truyền) xuất hiện thì các truyện tiên mới lần đầu được hội tập lại. Tuy nhiên, cuốn sách chưa bao quát được các vấn đề: ghi rõ người nhưng thiếu mất họ, ngày sinh ngày hóa không khảo xét tới, có chỗ ghi chép việc nhưng khuyết mất tên… Vì vậy, Hội chân biên được soạn ra để đính chính, tu sửa, làm rõ những gì còn khuyết thiếu trong Kê song xuyết tập nhằm lưu lại cho đời sau.
|
|
Để làm công việc san cải, san định công phu đó, soạn giả đã sắp xếp lại thứ tự nội dung trong Kê song xuyết tập, lược bớt nếu thấy rườm rà, bổ sung nếu thấy khuyết thiếu, sau mỗi truyện vẽ thêm tranh minh họa (34 tranh theo lối thư họa khá tinh xảo) và kèm thêm một bài thơ theo lối “Người đời sau có đề thơ rằng” (phần nào thể hiện tư tưởng tôn giáo của soạn giả). Để khi cung chiêm, trông ngắm các vị tiên, người dân Việt “có thể cảm phát được cơ màu tiên đạo mà rời bỏ thói gian ngoan, trá ngụy, trở về với tính giản phác, thuần hậu, đạo đức và phong thái đều đồng nhất, chân nguyên của họ được hội tụ.” (tr.89); người nước ngoài “nhìn vào sách này, ngưỡng mộ thần linh nước ta, kính vọng hào kiệt nước ta.” (tr.85); và khơi dậy tinh thần yêu nước “vãn hồi phong khí sắp tràn qua, chấn chỉnh thế suy đang lan tới”. (tr.85-86)
Soạn giả không chỉ kế thừa mà còn sưu tập các truyền thuyết dân gian, kê cứu và tham khảo tư liệu từ Nam Ông mộng lục, Truyền kỳ mạn lục, Lĩnh Nam chích quái liệt truyện, Truyền kỳ tân phả… để tổng hợp rồi viết ra Hội chân biên như chúng ta được đọc ngày nay.
Xác lập 13 tiên nam và 14 tiên nữ "thần điện" của nước Việt
Sách gồm hai quyển Càn và Khôn, ghi chép về 27 vị tiên (có 26 vị “thuần Việt”), trong số họ có 13 tiên nam và 14 tiên nữ, gồm: Đạo tổ (Chử Đồng Tử), Chân nhân (La Viện, Từ Thức, Lê Thánh Tông, Tú Uyên, Phạm Viên…), Thánh mẫu (Liễu Hạnh), Tiên nương, Tiên tử...
Ở quyển Càn, Chử Đồng Tử (thời Hùng Vương) được xếp đứng đầu các tiên nam và lần lượt xếp theo niên đại, trong khi đó quyển Khôn lại xếp Liễu Hạnh (thời Lê Trung hưng) đứng đầu các tiên nữ theo tư duy tôn giáo-tín ngưỡng. Đặc biệt, nữ thần của người Chăm Thiên Y A Na (tức Ngọc Tiên tiên chúa) cũng được đưa vào sách và trở thành tích truyện hoàn chỉnh có lẽ là sớm nhất về bà.
Khi soạn sách, soạn giả không chỉ chép lại nội dung các tiên thoại mà còn đưa vào quan điểm riêng của mình, hoặc thay vì kể dài dòng họ viết lại theo cách ngắn gọn nhất có thể.
Chuyện tình nho sĩ Tú Uyên và tiên nữ Giáng Kiều đã được ghi chép trong Bích Câu kỳ ngộ (Sự gặp gỡ lạ lùng ở Bích Câu), diễn tả một tâm thức muốn bỏ đạo nho tìm đến đạo giáo (tu tiên) lúc bấy giờ. Chuyện Tú Uyên và Giáng Kiều trong Bích Câu kỳ ngộ là chuyện tình lãng mạn, họ sống đời trần tục trước khi đắc đạo cưỡi hạc bay về trời để lại đứa con trai tên Trân. Chi tiết này ở Hội chân biên, phần lời bình soạn giả cho rằng ba người cùng lên trời và Trân nhi được ngài Tú Uyên làm phép hóa thành chứ không phải do sinh đẻ như Bích Câu kỳ ngộ đã lãng mạn hóa.
Chuyện Từ Thức và Giáng Hương trong thiên 7 (Hoàng Sơn chân nhân) và thiên 19 (Giáng Hương tiên tử) cũng khác câu chuyện Chân nhân họ Từ trong Liệt tiên truyện. Truyện Chân nhân họ Từ viết rằng Từ Thức và Giáng Hương kết duyên vợ chồng, “từ đấy ăn ở với nhau, vợ chồng âu yếm. Tối trăng sáng gió, tiêu dao ngày tháng thanh nhàn.” Trong Hội chân biên, soạn giả phủ nhận chuyện này với lời bình “[Từ Thức] lưu lại một thời gian ở đó [động Bích Đào] ngài dần đắc đạo thành tiên” (tr.109), và “sách [Truyền kỳ] Mạn lục của Nguyễn công [Nguyễn Dữ] chép việc chân nhân kết hôn với tiên Giáng Hương, thật là lời bịa đặt, không thể tin được”. (tr.156)
Cuối thiên 14 (Sòng Sơn thánh mẫu) viết về Liễu Hạnh, soạn giả kết bằng hai câu thơ “Huy phong ý đức quang khung nhưỡng/Mạc đạo Truyền kỳ bút đảo điên” (Phong thái hay, đạo đức tốt soi sáng đất trời/Chớ có kể ngòi bút Truyền kỳ vốn nghiêng ngả) thể hiện quan điểm tín ngưỡng của mình. Cho đến đầu thời Nguyễn, Mẫu Liễu Hạnh đã được liệt vào hàng “tứ bất tử”, đưa Liễu Hạnh (thuộc đạo giáo thần tiên) lên hàng Thánh mẫu (tín ngưỡng thờ Mẫu), soạn giả đã thể hiện sự tôn sùng với bà, họ cho rằng ngòi bút Đoàn Thị Điểm vốn nghiêng ngả là vì trong truyện Vân Cát thần nữ lục bà viết về Liễu Hạnh như là người phụ nữ phóng túng, cá tính.
|
Theo khảo cứu của dịch giả, phần đa các thiên có thể tra được xuất xứ trực tiếp, song cũng có vài thiên chưa thể tra được như Chế y tiên tử (thiên 23), Thưởng hội song tiên (thiên 24), Đề thi tiên nữ (thiên 25), “việc này khiến cho Hội chân biên trở thành ‘độc bản’ về các tích truyện đó.”
Hội chân biên tổng hòa nhiều nguồn tài liệu, được chỉnh lý và ghi chép lại một cách toàn diện về hành trạng, lý lịch nhân vật thần tiên Việt. Có lẽ đây là cuốn sách hệ thống và bao quát nhất về các vị tiên được thờ ở các đền, quán của đạo giáo ở nước ta, từ thời Hùng Vương cho đến thời Lê mạt, từ Bắc vào Nam, từ miền biển lên miền núi.
Với giá trị tự thân, Hội chân biên xứng đáng là tư liệu chỉ dẫn hữu ích khi muốn tìm hiểu tích về mỗi vị tiên hay tiên đạo ở Việt Nam; là tài liệu tham khảo quan trọng cho các nghiên cứu về lịch sử tư tưởng, tín ngưỡng và văn hóa; và là nguồn dẫn không thể thiếu khi nghiên cứu về đạo tiên, đạo giáo, đạo mẫu, đạo nội ở Việt Nam.
Bình luận (0)