Hội chứng “xin” ưu đãi

04/09/2013 03:10 GMT+7

Câu chuyện Tập đoàn than khoáng sản VN (Vinacomin) xin giảm thuế xuất khẩu than, khiến người ta liên tưởng đến hội chứng “xin” ưu đãi của nhiều doanh nghiệp khai thác tài nguyên vốn đã có rất nhiều lợi thế.

Đây cũng không phải là lần đầu tiên Vinacomin than thở thuế xuất khẩu than tăng khiến sản lượng xuất khẩu  giảm, sản xuất kinh doanh gặp khó khăn.

Tháng 9.2012, Vinacomin và Bộ Công thương đề xuất giảm thuế xuất khẩu (XK) than từ 20% xuống 10% và đã được chấp thuận. Nhưng đáng nói hơn, ngay cả khi đưa thuế về 10%, Vinacomin vẫn cho rằng đây là mức thuế suất cao so với các nước XK than khác và ngành than đang phải gánh quá nhiều loại thuế, phí.

Còn nhớ, khi tính toán hiệu quả dự án bauxite, Vinacomin cũng cho rằng mặt hàng alumin khác về bản chất với các loại quặng nhôm và tinh quặng nhôm (áp thuế suất 15 - 40%), nên chỉ áp dụng mức thuế suất XK 0% là hợp lý. Và với mức thuế 0% này, hiệu quả khai thác bauxite theo tính toán dĩ nhiên cao hơn hẳn so với việc áp dụng mức thuế 15 - 40%.

Ở câu chuyện khác, dù Chính phủ đã có chủ trương hạn chế/cấm XK nguyên liệu thô nhiều tài nguyên khoáng sản, nhưng với lý do hàng tồn kho tăng cao, các doanh nghiệp (DN) khai thác quặng, địa phương và Bộ Công thương vẫn xin cơ chế mở cho việc xuất quặng tồn kho. Tuy nhiên, theo Hiệp hội Thép VN, việc cho XK quặng sắt “tồn kho” vượt kiểm soát đã dẫn đến tình trạng số lượng quặng xuất lậu rất lớn và có sự chênh lệch giữa giá XK chính thức và giá kê khai với hải quan, dẫn đến thuế nhà nước thất thu hàng nghìn tỉ đồng.

Không chỉ xin ưu đãi cho xuất tài nguyên, các tập đoàn lớn như Tập đoàn dầu khí VN (PVN), Tập đoàn điện lực VN (EVN) từng khiến dư luận giật mình khi nhiều lần xin những ưu đãi bất hợp lý. Năm 2012, trong một văn bản gửi Bộ Tài chính, PVN đã xin miễn các khoản thuế thu nhập cá nhân cho cán bộ nhân viên đi công tác học tập ở nước ngoài, hoặc PVN xin được trả thay phần thuế này (tính vào chi phí hợp lý của PVN để trừ vào thu nhập chịu thuế). EVN năm 2007 từng xin Bộ Tài chính được phép trích thưởng hơn 1.000 tỉ đồng làm tiền thưởng cho cán bộ nhân viên, trích vào Quỹ khen thưởng phúc lợi, dù trong năm đó, EVN đạt lợi nhuận 3.800 tỉ đồng.

Những lần xin ưu đãi này có lần được chấp thuận, có lần không. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng việc dễ dàng cho tập đoàn nhà nước hoặc các DN khai thác tài nguyên quốc gia được hưởng quá nhiều cơ chế đặc thù, không chỉ làm giãn rộng khoảng cách bất bình đẳng, thiếu cạnh tranh với các DN tư nhân, mà còn tạo nên sự ỷ lại quá lớn, gây thất thu cho ngân sách đang rất khó khăn và eo hẹp. Cơ chế “xin - cho” này cũng là đặc thù của tư duy bao cấp, mỗi khi gặp khó, các DN thay vì cơ cấu lại hoạt động sản xuất kinh doanh cho hiệu quả hơn, thì ngay lập tức nghĩ đến việc xin trợ giúp. Trong khi đó, với lợi thế lớn từ việc được độc quyền khai thác tài nguyên, được sử dụng vốn nhà nước và nhiều cơ chế ưu đãi khác, các DN này lẽ ra phải đóng góp với mức thuế suất cao, hỗ trợ tương xứng cho ngân sách nhà nước.

Nói không với những lần “xin” ưu đãi đặc thù bất hợp lý là điều cần thiết để xóa bỏ dần tư duy bao cấp, lệ thuộc vào bầu sữa nhà nước, và cũng tạo áp lực cạnh tranh bình đẳng buộc các DN nhà nước phải vươn lên để tồn tại hiệu quả.

Mai Hà

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.