Cho đến ngày hôm qua, Hội Địa lý quốc gia Mỹ (National Geographic Society - NGS) đã cơ bản chỉnh sửa xong phần ghi chú về quần đảo Hoàng Sa trên bản đồ World Decorator trong mục Bản đồ thế giới (World Maps) của họ. Khi vào địa chỉ http://www.natgeomaps.com/world_decorator, người xem bản đồ sẽ thấy quần đảo Hoàng Sa chỉ được ghi bằng tên tiếng Anh là “Paracel Is.”, không kèm bất cứ ghi chú nào khác.
Trước đây, cùng bản đồ trên, quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam nhưng lại được NGS ghi theo tên Trung Quốc là “Xisha Qundao” (Tây Sa quần đảo) và tên tiếng Anh là Paracel Islands kèm chữ “China” (Trung Quốc) bên dưới. Cách ghi chú này làm cho người xem hiểu rằng quần đảo trên thuộc chủ quyền của Trung Quốc, trong khi trên thực tế Việt Nam có bằng chứng lịch sử và pháp lý khẳng định chủ quyền của mình tại vùng lãnh thổ này. Chính quyền tại Việt Nam đã quản lý và thực thi chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa cho tới khi bị Trung Quốc dùng vũ lực chiếm vào năm 1974. Bên cạnh World Decorator, không ít bản đồ khác do NGS phát hành cũng có những cách ghi chú sai sự thật, ảnh hưởng tới chủ quyền của Việt Nam.
Sau khi phát hiện những bản đồ ấy, nhiều cá nhân, tổ chức người Việt khắp nơi cũng như Bộ Ngoại giao Việt Nam đã lên tiếng yêu cầu NGS chỉnh sửa, đồng thời chủ động cung cấp cho tổ chức Mỹ các bằng chứng lịch sử, khoa học và pháp lý về quần đảo Hoàng Sa. Tiếp đó, NGS đã ra hai bản thông cáo báo chí, ban đầu là để giải thích về “Chính sách Bản đồ” của họ cũng như đưa ra một số hướng giải quyết, sau đó là những cam kết điều chỉnh cụ thể hơn.
Trong bản thông cáo ngày 25.3, NGS nêu rõ hướng chỉnh sửa của mình: “Ở những bản đồ thế giới có tỷ lệ nhỏ: Sử dụng tên thông lệ - Paracel Islands; bỏ qua bất cứ sự ghi chú nào về chủ quyền. Ở những bản đồ khu vực, châu lục hoặc bộ phận: Sử dụng tên thông lệ - Paracel Islands. Thêm vào phần ghi chú: bị Trung Quốc chiếm đóng (occupied) vào năm 1974, gọi tên là Xisha Qundao; Việt Nam khẳng định chủ quyền, gọi tên là Hoàng Sa”.
Cách giải quyết này của NGS hầu như đã đáp ứng được các đề nghị từ phía Việt Nam. Tổ chức của Mỹ đã nhận ra sai sót và khắc phục bằng cách đưa các ghi chú một cách khoa học, khách quan, tôn trọng sự thật lịch sử. Thái độ cầu thị của NGS đã nhận được những đánh giá tích cực từ cộng đồng người Việt, nhiều người đã gửi thư tới ban lãnh đạo của tổ chức này để bày tỏ sự ghi nhận về thái độ và hướng giải quyết của họ.
Một tuần sau bản thông cáo thứ hai, NGS đã có những động thái chỉnh sửa đầu tiên, theo cách gỡ bỏ những chú thích “Trung Quốc” và ghi chú địa danh theo cách gọi của người Trung Quốc đối với quần đảo thuộc chủ quyền của Việt Nam. Dù tiến độ khắc phục sai sót là khá chậm (cho đến hôm qua, một số bản đồ thế giới và khu vực của họ vẫn chưa được chỉnh sửa), nhưng việc NGS đưa ra lời giải thích, hướng giải quyết cũng như đã thực sự bắt tay vào khắc phục sai sót là điều đáng ghi nhận. Hy vọng tổ chức này - vốn luôn nêu mục đích khoa học, phi chính trị, bất vụ lợi lên hàng đầu - sẽ đẩy nhanh việc chỉnh sửa những sai sót trên bản đồ liên quan tới quần đảo Hoàng Sa, để người xem sớm được tiếp cận những bản đồ đúng, qua đó có thể hiểu rõ được hiện trạng của quần đảo thuộc chủ quyền Việt Nam này.
Đỗ Hùng
Bình luận (0)