Ông Hưng cho biết hội đồng nhận thấy có một số hình ảnh hành động bạo lực, mát mẻ, bên cạnh đó là một số câu thoại khá thô trong phim Tây Du Ký: Mối tình ngoại truyện 2. Tuy vậy, khi ngồi cân nhắc, hội đồng nhận thấy những nội dung này chưa tới mức phải hạn chế độ tuổi.
Tuy nhiên, tiêu chí phân loại phim được đưa ra trong thông tư ban hành quy chế thẩm định, phân loại và cấp giấy phép phổ biến phim thì với yếu tố bạo lực, phim được phân loại P không chấp nhận hình ảnh, âm thanh, ngôn ngữ thể hiện cảnh uy hiếp, đe dọa người khác, trừ trường hợp hình ảnh âm thanh, ngôn ngữ đó được thể hiện ở mức độ nhẹ. Việc xác định mức độ “nặng”, hay “nhẹ” rõ ràng phụ thuộc vào hội đồng thẩm định.
Theo đạo diễn Vũ Xuân Hưng, với tiêu chí phân loại mới, hội đồng thẩm định gặp cái khó. “Đó là các giới hạn trong phân loại giữa các độ tuổi không được rõ nét, đặc biệt là các giới hạn phân loại giữa 13 và 16 tuổi, hoặc giữa 16 và 18 tuổi”, ông Hưng cho biết và thừa nhận: “Mặc dù có quy định bằng văn bản nhưng ngay trong văn bản, với cùng một nội dung nhưng có cả chấp nhận và không chấp nhận. Chẳng hạn, không chấp nhận nội dung đó, nhưng nếu nội dung đó phù hợp với phim, không kéo dài và không ở mức độ chi tiết thì vẫn chấp nhận. Những quy định không thật cụ thể nên chúng tôi phải trao đi đổi lại nhiều lần”.
Đạo diễn Vũ Xuân Hưng còn cho rằng: “Hội đồng không phân biệt giữa phim nội và phim ngoại, mà chỉ căn cứ vào hình thức và nội dung thể hiện”. Ông cũng cho biết, trong năm ngoái, hơn 20 phim nhập ngoại bị cấm chiếu trong khi các bộ phim trong nước đều được cấp giấy phép phổ biến. Ngoài ra, những phim bị yêu cầu chỉnh sửa và cắt nhiều nhất hầu hết đều rơi vào phim ngoại. Hội đồng duyệt phim thẩm định phim trên bản phim hoàn chỉnh, không duyệt lời thoại trên giấy.
Ngay khi thông tư ban hành quy chế thẩm định, phân loại và cấp giấy phép phổ biến phim với tiêu chí phân loại phim mới được thực thi, khán giả và giới làm phim đã chờ đợi hội đồng duyệt phim sẽ “mở” hơn với cảnh nóng hay cảnh bạo lực.
Về việc phân loại phim dành cho khán giả trên 18 tuổi, có cắt cảnh nóng, hay bạo lực, ông Hưng cho hay: “Việc phân loại này vẫn phải chịu sự tác động của các điều luật cấm trong hoạt động điện ảnh (điều 11 của luật Điện ảnh, điều 9 của Nghị định 54 quy định chi tiết thi hành một số điều của luật Điện ảnh và luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Điện ảnh). Ngoài ra, còn có quy định khác nữa ở luật Quảng cáo, luật Bản quyền, Thông tư 02 của Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch về việc hạn chế sử dụng thuốc lá trong các tác phẩm sân khấu, điện ảnh. Đầu tiên các bộ phim bị chi phối bởi cả điều luật đó, sau đó mới đến phân loại. Không phải là có phân loại theo từng lứa tuổi thì các cảnh bạo lực, hay có yếu tố tình dục được rộng rãi hơn trước mà chỉ là phân loại tác phẩm và khán giả hợp lý hơn thôi. Việc phân loại phim theo hệ thống phân loại mới bắt đầu từ 1.1.2017, nên chúng tôi đang vừa làm vừa rút kinh nghiệm”.
tin liên quan
Dán nhãn phim kiểu 'tùy hứng'Việc dán nhãn, phân loại phim chiếu rạp theo lứa tuổi ở VN được áp dụng từ đầu năm 2017 đang gây bức xúc cho khán giả lẫn các nhà làm phim trong nước vì một số quy định vẫn chưa rõ ràng.
Bình luận (0)