Hội đồng Nguyễn Phước tộc Việt Nam đề nghị đặt tên đường Gia Long ở Huế

01/06/2022 13:49 GMT+7

Trong tọa đàm khoa học với chủ đề Công lao và những đóng góp quan trọng về mặt lịch sử của Hoàng đế Gia Long , các nhà nghiên cứu đã đưa ra các tham luận về công lao to lớn của vua Gia Long trong việc thống nhất đất nước sau gần 300 năm chia cắt, đặc biệt là vai trò to lớn trong việc xác lập quần đảo Hoàng Sa là của Việt Nam.

Nhân kỷ niệm 220 năm ngày vua Gia Long thống nhất đất nước và đặt niên hiệu Gia Long, vừa qua tại Nhà hát Bến Xuân (51 Văn Thánh, TP.Huế, Thừa Thiên – Huế), Hội đồng trị sự Nguyễn Phước tộc Việt Nam đã tổ chức Tọa đàm khoa học với chủ đề Công lao và những đóng góp quan trọng về mặt lịch sử của Hoàng đế Gia Long.

Tham dự tọa đàm, đã có 33 tham luận từ các nhà nghiên cứu, tập trung vào các chủ đề: khẳng định Nguyễn Ánh - Gia Long có công lao to lớn là hoàn thành công cuộc thống nhất đất nước, khai sinh nước Việt Nam, khôi phục vương triều Nguyễn; vua Gia Long là người đặt nền móng cho các chính sách nội trị, ngoại giao của triều Nguyễn; vua Gia Long đã có công lớn trong việc xác lập chủ quyền biển đảo của Việt Nam mang tính pháp lý quốc tế cao…

Toàn cảnh buổi tọa đàm

LÊ HOÀI NHÂN

Đặc biệt, trong tọa đàm lần này, các nhà nghiên cứu đặc biệt nhấn mạnh vai trò của vua Gia Long trong quá trình xác lập chủ quyền biển đảo của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa.

Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Quang Trung Tiến, chuyên gia nghiên cứu về chủ quyền biển đảo, nguyên Trưởng khoa Lịch sử, ĐH Khoa học Huế: Chủ quyền biển đảo của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa thời Gia Long trị vì đã được thể hiện rõ trên các bản đồ địa lý và ấn bản của Đức, Ý và Scotland, cũng như của Mỹ.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Quang Trung Tiến đã dẫn ra nhiều chứng cứ xác đáng, việc xác lập chủ quyền biển đảo của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa trong thời vua Gia Long trị vì

LÊ HOÀI NHÂN

Nhà nghiên cứu Nguyễn Quang Trung Tiến đã dẫn ra nhiều chứng cứ xác đáng. Theo ông Nguyễn Quang Trung Tiến, vào thời vua Gia Long, ngoài sự kiện nhà nước Việt Nam đã chính thức chiếm hữu quần đảo Hoàng Sa năm 1816, xác lập cơ sở pháp lý vững chắc về chủ quyền quốc gia trước cộng đồng quốc tế, và được nhiều nước trên thế giới lần lượt công nhận, thì cũng có khá nhiều ấn bản quốc tế cùng thời gian đó đề cập và công nhận chủ quyền quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.

“Các ấn bản quốc tế công nhận chủ quyền quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam xuất hiện khá nhiều dưới thời vua Gia Long trị vì, đã góp phần chứng minh rằng ngay từ trước sự kiện năm 1816, thế giới đã thừa nhận việc tiến hành tổ chức khai thác các nguồn lợi ở quần đảo Hoàng Sa của người Việt Nam và quá trình xác lập, thực thi chủ quyền của các thực thể nhà nước ở Việt Nam đối với quần đảo này, bao gồm cả Trường Sa, đã diễn ra lâu đời, từ thời các chúa Nguyễn đầu thế kỷ XVII, trải qua triều Tây Sơn rồi đến vương triều Nguyễn”, ông Tiến nhấn mạnh.

Đề nghị đặt tên đường Gia Long

Phát biểu tại tọa đàm, PGS-TS Nguyễn Phước Bửu Nam, Chủ tịch Hội đồng Nguyễn Phước tộc Việt Nam cũng đã nêu ra 7 công lao quan trọng về mặt lịch sử của vua Gia Long. Ông tóm tắt: “Theo tôi, công lao lịch sử lớn nhất đầu tiên của vua Gia Long là thống nhất đất nước sau 245 năm (1557-1802) bị phân ly chia cắt (kể từ các cuộc chiến tranh Trịnh - Nguyễn); công lao to lớn thứ hai là lập lại hòa bình cho một đất nước sau 31 năm nội chiến ác liệt (1771-1802); thứ ba là mở rộng lãnh thổ, Việt Nam đến lúc đó là lớn nhất từ khi lập quốc; công lao thứ tư là vị hoàng đế khai sáng nhà Nguyễn này đã có ý thức mạnh dạn xác lập và thực thi chủ quyền biển đảo, đặc biệt là các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa; công lao thứ năm là đã xây dựng được tiếng tăm một quốc gia Việt Nam hùng mạnh ở Đông Nam Á; công lao thứ sáu ông là người khởi đầu thiết kế, xây dựng và các vua Nguyễn sau nối tiếp, để lại một di sản kiến trúc kinh thành, đền đài lăng tẩm đồ sộ mà UNESCO đã công nhận là di sản văn hóa của nhân loại vào năm 1993. Việc này góp phần quan trọng đưa Huế trở thành một thành phố di sản của đất nước và thế giới; và công lao cuối cùng là trong thời đại của ông, có những thành tựu văn học lớn với hai nhà thơ lớn là Nguyễn Du cùng những tác phẩm kiệt xuất như Truyện Kiều, Văn Tế thập loại chúng sinh, Thơ chữ Hán..., Nguyễn Công Trứ với những bài Hát nói và bài Phú nổi tiếng...”.

Với những công lao đó, ông Bửu Nam cho rằng vua Gia Long xứng đáng được tôn vinh vì những cống hiến của ông cho lịch sử dân tộc và cho sự phát triển trường tồn của đất nước. Tên vua Gia Long, rất xứng đáng đặt tên cho một con đường bề thế, trang trọng ở trung tâm TP.Huế.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.