Người làm gốm Thanh Hà (TP.Hội An, Quảng Nam) đang tất tả đưa những mẻ hàng là ông Táo đất ra chợ trước ngày 23 tháng Chạp.
|
Trong mỗi gia đình, “tam vị” Táo quân luôn được đặt trang trọng trên bàn thờ bếp. Sát Tết Nguyên đán mọi năm, theo tín ngưỡng người Việt, Táo quân phải về trời nên tượng Táo đất của năm cũ cũng phải được thay bằng tượng mới.
Nhu cầu thay Táo đất luôn có trong mỗi nếp nhà nên cứ hễ đến tháng 11 Âm lịch, lò nung gốm tại làng Thanh Hà lại đỏ lửa để phục vụ nhu cầu “tiễn ông” Táo về trời.
Để phục vụ tết ông Táo, năm nay, gia đình bà Dương Thị Ca đã sản xuất hàng ngàn tượng Táo đất trước cả tháng. Đến giữa tháng Chạp, lò nung nhà bà Ca tắt lửa để đưa hàng ra các thị trường trong tỉnh và ngoài tỉnh như: Huế, Đà Nẵng, Quảng Ngãi…
“Nghề làm ông Táo không khó vì hiện đã có khuôn đúc sẵn. Người thợ chỉ cần có khuôn, đất sét là có thể làm hàng trăm chiếc mỗi ngày”, bà Ca nói. Dù vậy, theo bà Ca, để có một ông Táo đất đẹp phải trải qua nhiều công đoạn khác nhau và khá mất thời gian.
Trước hết, người thợ gốm phải nhào đất sét thật nhuyễn, mịn. Tiếp đó, lấy đất nhồi vào khuôn có in sẵn hình “tam vị” – hai ông hai bên và một bà ở giữa. Phần đất còn lại được gạt đi, sau đó đem tượng Táo quân ra phơi nắng để ráo nước.
Khi đã đủ mẻ (khoảng 300 tượng), người thợ sẽ mang tất cả vào lò để nung đến “chín” trong nhiều ngày. Công đoạn cuối cùng là quét sơn màu đỏ lên tượng để tăng tính thẩm mỹ.
Bà Ca cho biết, hiện trong làng Thanh Hà chỉ còn 3 hộ gia đình giữ nghề bởi thu nhập từ mỗi tượng bán sỉ thường chỉ ở mức 5.000 – 6.000 đồng/tượng, vả lại chỉ làm được trong 1 tháng cuối năm nên người theo nghề thưa dần. Dù vậy, tượng ông Táo Thanh Hà vẫn là sản phẩm thủ công nổi tiếng và được nhiều người ưa chuộng.
Theo các bậc cao niên trong làng, Táo đất trong làng được nhiều người tìm mua nhờ độ tinh xảo và độ bền rất cao.
Cũng tại làng nghề gốm Thanh Hà, những ngày này, nhiều hộ dân đang hối hả chuẩn bị tò he đất để kịp cung cấp hàng ra thị trường dịp Tết.
Phố cổ Hội An vốn nổi tiếng với tò he đất 12 con giáp. Để đáp ứng nhu cầu mua linh vật Ất Mùi năm 2015, các nghệ nhân gốm đã bắt tay nặn hình con dê từ đầu tháng Chạp.
Từng con dê bằng he đất được người thợ nặn tỉ mỉ từng chi tiết, từ vóc dáng cho đến cặp sừng có hằn dấu răng cưa. Tất cả được phơi nắng rồi cũng được đưa vào lò nung như tất cả các sản phẩm khác.
Bên cạnh tò he, tượng Táo đất, người làng gốm Thanh Hà cũng đang tất bật với những đơn hàng đặt mua chum, chậu, tráp… dùng để xông trầm hương vào dịp Tết.
Bà Nguyễn Thị Thủy cho biết, mấy ngày nay, bà bận làm tráp trầm từ sáng đến tối. Thế nhưng vẫn chưa đủ hàng để người ta đến nhận.
“Một năm có ba ngày tết, cố gắng làm để kiếm thêm thu nhập. Tuy có cực thiệt nhưng mà vui…”, bà Thủy phấn khởi.
Mời bạn đọc dạo một vòng quanh làng gốm Thanh Hà để thêm yêu nét hồn hậu ngày tết đang về:
|
Hoàng Sơn
(thực hiện)
Bình luận (0)