Hối hả nghề làm bánh tổ

04/02/2013 01:28 GMT+7

Bánh tổ - món bánh giản dị như chính cái tên của nó, nhắc nhớ nhiều người hướng về tổ tiên, nguồn cội mỗi dịp tết đến xuân về.

Bánh tổ - món bánh giản dị như chính cái tên của nó, nhắc nhớ nhiều người hướng về tổ tiên, nguồn cội mỗi dịp tết đến xuân về.

Với nhiều người Quảng Nam, tết đến mà thiếu món bánh tổ thì không khác gì tết mà thiếu dưa hành, câu đối đỏ. Nói như vậy để hiểu rằng, đây là món bánh rất đặc trưng của người dân xứ Quảng. Món bánh này không khó làm, nhiều người vẫn tự làm để cúng ông bà, tổ tiên trong ngày 3 ngày tết. Nhưng cách làm bài bản và bán ra được thị trường thì phải kể đến bánh tổ Hội An. Những ngày này, người Thanh Hà lại hối hả làm bánh tổ để xuất bán. “Trên bàn thờ tổ tiên người Quảng Nam có thể thiếu một vài thứ nhưng bánh tổ là thứ tiên quyết không thể thiếu. Cuối năm, không ai bảo ai, người làm nghề chúng tôi lại bày khuôn ra làm bánh để kịp bán…”, ông Nguyễn Hữu Tùng (76 tuổi), trú tại khối phố Hậu Xá, P.Thanh Hà cho biết.

 Hối hả nghề làm bánh tổ 1
Bà Vân đang đổ bột nếp vào đài lá, chuẩn bị hấp bánh tổ - Ảnh: Hoàng Sơn

Làm bánh tổ theo quy trình, công đoạn nhất định nhưng để ngon đòi hỏi ở người làm nhiều kỹ năng. Trong đó, công đoạn chọn nguyên liệu rất quan trọng. Người không rành, chọn không kỹ nếp, đường thì sẽ cho ra chiếc bánh ăn vào rất dở. Bà Nguyễn Thị Thu Vân (46 tuổi), một người làm bánh tổ để bán nói: “Nếp sau khi được xay nhuyễn với nước, đường và một ít gừng tươi sẽ được cho vào một cái đài làm bằng lá chuối. Bên dưới đài lá này, chúng tôi bỏ thêm một chiếc rọ được đan bằng tre. Tiếp đó, xếp các rọ cạnh nhau vào vỉ gỗ rồi cho vào nồi để hấp...”. Thường thì một vỉ gỗ chứa khoảng 7 cái bánh, một nồi bánh như vậy có khoảng 35 cái.

Nghe bà Vân nói cách làm có cảm giác bánh tổ cũng đơn giản nhưng kỳ thực để chiếc bánh dậy màu, ăn vào ngọt thanh… người làm bánh tổ phải dày dạn kinh nghiệm. Bà Vân tiếp lời: “Khi nhào bột nếu nhiều nước quá thì bánh nhão, nhiều đường quá sẽ gây ngấy nên làm thế nào để không hư bột, hư đường là cả một quá trình tự học. Khi mới làm nghề, đã không ít lần tôi phải bỏ cả mớ bánh vì lỡ cho nước, đường quá tay”. Theo bà Vân, chiếc bánh tổ ngon là khi công đoạn nhào bột nếp kỹ, tạo nên hỗn hợp sền sệt đủ độ dẻo để cho vào khuôn lá. Thông thường, bánh tổ chín tới sau khi được hấp khoảng 3 giờ đồng hồ.

Bánh tổ bán tại Hội An hầu hết đều có màu vàng của đường bát. Hiện nay, do nhu cầu của khách hàng, người làm bánh tổ còn làm thêm màu ngà trắng. Màu này được quy định trong quá trình nhào bột với đường kính trắng. Ngoài ra, để bánh tổ thơm ngon hơn, khi vừa mới ra lò, người làm còn nhanh tay cho thêm mè đã được rang chín. Bánh tổ đã hấp là có thể ăn được ngay, tương tự như bánh chưng, bánh tét. Nhưng để ngon hơn, người ta thường để ráo nước, phơi qua nắng trong khoảng thời gian ngắn. Khi đó, đường trong bánh sẽ đượm vào bột, màu vàng đặc biệt của bánh tổ theo đó cũng bật lên trông đẹp mắt.

Món bánh là sự kết tinh giản dị của đường, nếp và ít gừng làm những người Quảng đi xa, chưa kịp trở về quê hương sau một năm miệt mài làm ăn không khỏi thương nhớ. Hiện nay, ngoài cung cấp cho người dân phố Hội, bánh tổ của phường Thanh Hà cũng xuất hiện và được bày bán ở Tam Kỳ, Đà Nẵng với giá giao động từ 25 đến 30 ngàn/bánh. Ông Nguyễn Hữu Tâm (50 tuổi) cho biết: “Mỗi năm một lần, chúng tôi lại bày lá chuối, nồi, khuôn ra nấu bánh tổ. Bao nhiều năm nay, bánh tổ không biến động về giá cả, mỗi mùa tết tôi cũng chỉ làm vài trăm cái bán nên giàu có gì đâu với nghề... Nhưng giờ không làm bánh tổ lại thấy tết nó không về chú ạ…”.

Hoàng Sơn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.