Đội xe của Trung tâm cấp cứu 115 TP.HCM gồm 22 thành viên với 11 xe cấp cứu chuyên dụng. Một tổ trực chính gồm 5 người, trực 24/24 luôn trong tình trạng sẵn sàng “chiến đấu”.
Cấp cứu cấp tốc
Reng reng reng, đồng hồ điểm lúc này là 16 giờ 20 phút, trong phòng chờ của đội xe, tài xế Võ Lâm Khôi Nguyên vội vàng bước ra chiếc xe cấp cứu đang đậu tại bãi. Anh nhanh chóng mở các cửa xe chuẩn bị cho các y bác sĩ lên xe làm nhiệm vụ cấp cứu bệnh nhân.
Chỉ sau 2 phút, bác sĩ, điều dưỡng cùng tài xế đều có mặt ở xe. Điều dưỡng thông báo địa điểm nằm trên đường Nguyễn Thị Nhỏ (quận 5), tài xế Khôi Nguyên lập tức bật còi hụ cho xe rời trung tâm. Xe tăng tốc, tài xế Nguyên đánh vô lăng cho xe cắt chéo giao lộ Tô Hiến Thành - Lý Thường Kiệt. Đúng 5 phút sau, xe cấp cứu đã có mặt tại nơi người phụ nữ bị tai nạn giao thông.
|
Sau phần sơ cứu, người phụ nữ này được đưa lên xe để chuyển tới bệnh viện gần đó. Anh Nguyên tăng tốc cho xe chạy với tốc độ 80km/h ở khu trung tâm. Trong khoảnh khắc này, ngồi ở ghế cạnh tài xế, tim chúng tôi như muốn rớt ra ngoài mỗi lần anh đánh vô lăng để lách dòng xe phía trước. Chưa đầy 20 phút tính từ lúc xuất phát, người phụ nữ đã được chuyển tới phòng cấp cứu của bệnh viện Trưng Vương.
Kết thúc chuyến đi, chúng tôi hỏi chạy nhanh vậy có thấy sợ không, anh Nguyên đáp: “Chuyện này cũng bình thường, chạy xe hoài cũng quen thôi hà”.
tin liên quan
Người Sài Gòn sống cạnh sân bay, nhà ga - Kỳ 2: Cống Bà Xếp 'lừng danh'Về tới nơi, ngồi chưa nóng ghế được bao lâu, tiếng chuông báo tiếp tục reo inh ỏi. Lần này điểm xuất phát được thông báo ở đường Lê Văn Lương (Quận 7). Cả ê kíp chuẩn bị vượt con đường dài đầy khó khăn trong giờ cao điểm chiều. Khi xe đến gần giao lộ Lý Thường Kiệt - Ba Tháng Hai, xe cộ dừng đông nghịt, tài xế Nguyên cho xe lách trái, lấn vào đường ngược chiều để chạy. Thấy vậy, hàng loạt người đi đường cho xe tấp vào lề, nhường đường cho xe cấp cứu.
Thế nhưng, vừa đi tiếp được vài trăm mét, phòng điều hành thông báo đã có xe cấp cứu vệ tinh vừa đến nơi. Vậy là anh Nguyên thở phào, đánh vô lăng cho xe về. Đó là một trong 1001 tình huống đi cấp cứu “hụt” của các tài xế ở trung tâm.
“Đây đâu phải lần đầu vậy đâu, nó thường xuyên lắm. Làm nghề này chuyện đi nửa chừng hay cấp cứu hụt quay về diễn ra thường xuyên”, anh Nguyên cho hay.
Anh Nguyên còn kể thêm, có lần chở một bệnh nhân bị đột quỵ từ nhà đến bệnh viện nhưng xe phải liên tục dừng lại trên đường để cấp cứu bệnh nhân. Xe có muốn chạy nhanh cũng không thể được, nhưng trong trường hợp này cần phải đưa bệnh nhân đến bệnh viện nhanh nhất.
|
Tuy vậy, nếu chạy nhanh sẽ khó sơ cứu, bệnh nhân có thể bị ảnh hưởng bởi xe di chuyển. Lúc đó anh Nguyên đứng trước tình thế "tiến thoái lưỡng nan" chỉ trông chờ vào lệnh của bác sĩ. Đến khi tình thế cấp bách, bác sĩ nhắc “chạy đến bệnh viện nhanh nhất có thể” thì anh Nguyên mới biết phải chạy như thế nào.
Vui buồn nghề chạy xe cấp cứu
Anh Phạm Quốc Việt, Đội trưởng đội lái xe cấp cứu Trung tâm 115, người đã có 28 năm trong nghề lái xe cấp cứu cho biết người làm nghề này cần nhất là bình tĩnh, vì rất áp lực từ bệnh nhân nằm phía sau, còn người nhà bệnh nhân thì liên tục hối thúc.
Theo anh Việt, khi vào nghề, anh phải đối mặt với nhiều vấn đề nhưng áp lực nhất vẫn là: thời gian chạy xe, cảnh máu me hay chở người đã chết. Tới khi chạy được một thời gian quen rồi, anh mới có thể bình tĩnh, giảm đi phần nào sự căng thẳng. Tuy nhiên, sau tất cả, anh Việt đúc kết để làm được nghề này người tài xế phải có cái tâm vì bệnh nhân.
|
Đến thời điểm hiện tại, anh Việt không thể nhớ hết những lần ngồi sau vô lăng hối hả đi cứu người. Tuy vậy, lần để lại ấn tượng nhất với anh là dịp tết năm 2000. Lúc đó trong lần trực đêm, chuông báo hiệu có một ca cấp cứu khẩp cấp, anh tức tốc lái xe đến điểm báo. Đến nơi, anh hãi hùng khi thấy bệnh nhân bị vừa bị chém, cây mã tấu còn dính vào đầu, nhưng người này vẫn còn tỉnh táo và nhanh chóng được chuyển vào bệnh viện.
Một kỷ niệm khác anh Việt nhớ mãi là lần cháy tòa nhà ITC. “Lúc đó nhiệm vụ của tôi chở những tử thi về nhà an táng. Đây cũng là lần đầu tiên trong đời chạy xe cấp cứu chứng kiến nhiều người chết đến vậy”, anh nhớ lại.
"Đối với tài xế xe cấp cứu, điều ngại nhất là lái xe trong thời điểm ùn tắc và bị người dân phản ứng bởi tiếng còi xe inh ỏi. Xe chúng tôi là xe đi đến nơi để cấp cứu chứ không phải là xe chỉ chở riêng bệnh nhân mà nhiều người thường hay ngộ nhận. Nhất là những lúc kẹt xe phải hụ còi, người dân chạy cặp hai bên hông người ta nghĩ rằng chạy xe không mà cũng phát còi inh ỏi nên quay lại la ó”, anh Việt tâm sự.
tin liên quan
Người Sài Gòn sống cạnh sân bay, nhà ga - Kỳ 3: Xóm đò con nước năm xưaAnh Việt cũng cho biết, nghề lái xe cấp cứu chỉ sợ nhất là gặp “bà thủy”, tức là những đoạn đường bị ngập nước. Nếu tài xế chạy qua đó, xe chết máy coi như việc cứu người trở nên bế tắc.
Tháp tùng Tổng thống Mỹ
Ngoài nhiệm vụ chính là phục vụ y tế cho người dân, Trung tâm cấp cứu 115 còn làm nhiệm vụ tháp tùng theo các đoàn nguyên thủ của các quốc gia khi thăm và làm việc tại TP.HCM.
Anh Việt nói nghề này như đang “làm dâu trăm họ”, phục vụ từ những người nghèo nhất cho đến những nguyên thủ quốc gia của các nước như: nhà vua Thụy Điển hay Tổng thống Nhật, Hàn,… tất cả đều được phục vụ như nhau.
Trong những lần phục vụ nguyên thủ quốc gia, kỷ niệm khó quên của anh Việt là từng tháp tùng chuyến thăm của 2 đời Tổng thống G.Bush và Bill Clinton sang thăm TP.HCM.
“Đặc biệt nhất là khi đi cùng Tổng thống Bush, xe Tổng thống ở đâu thì xe cứu thương của tôi chạy ở gần đó, không rời nửa bước. Được đi chung đoàn thật sự là tôi rất thích. Để có được cơ hội phục vụ là niềm vinh hạnh của đời tài xế, coi như ngàn năm có một”.
Tuy nhiên, khi tháp tùng đoàn nguyên thủ thì anh phải tuyệt đối tuân thủ theo hiệu lệnh của người chỉ huy. Nhưng đó cũng sẽ là những khoảng thời gian khiến anh nhớ mãi vì được phóng xe vun vút trên đường cùng tổng thống của đất nước "quyền lực" mà không hề biết kịch bản tuyến đường phải chạy như thế nào...
Bình luận (0)