Khi tập hồi ký của nhạc sĩ Phong Nhã – tác giả của Đội ca (Cùng nhau ta đi lên), Ai yêu Bác Hồ Chí Minh hơn thiếu niên nhi đồng… được chuyển đến Nhà xuất bản Kim Đồng thì ông đang sống “những ngày chiều muộn” của cuộc đời. Thế nhưng, thật tiếc khi cuốn sách đến được với bạn đọc thì người nhạc sĩ yêu mến của những thế hệ thiếu niên tiền phong đã rời xa cõi tạm tròn một năm…
Đời tôi sóng nhạc bay lên - tập hồi ký, di cảo của nhạc sĩ Phong Nhã ra mắt đúng dịp kỷ niệm 80 năm ngày thành lập Đội TNTP Hồ Chí Minh. Cuốn sách được biên soạn, tổng hợp lại từ các bản di cảo đánh máy, viết tay, bản photo, tư liệu gia đình và cả văn bản do người thân chép lại theo lời kể của tác giả khi còn sống.
Nhạc sĩ Phong Nhã vốn là một cán bộ phong trào thiếu nhi lâu năm, từng đảm trách những nhiệm vụ quan trọng và là một nhạc sĩ chuyên tâm luôn hướng về trẻ thơ. Ở bất cứ cương vị nào, ông cũng luôn được bạn bè, đồng nghiệp và các em thiếu nhi quý mến.
|
Trong sự nghiệp sáng tác của mình, nhạc sĩ Phong Nhã viết trên dưới 200 ca khúc, trong đó đa số là viết cho trẻ thơ. Ông là một trong số rất ít những nhạc sĩ có nhiều bài hát viết cho thiếu nhi thành công nhất của Việt Nam. Nhắc đến ông, người ta nhớ ngay đến Ai yêu Bác Hồ Chí Minh hơn thiếu niên nhi đồng, Nhanh bước nhanh nhi đồng, Kim Đồng, Cùng nhau ta đi lên, Đội ta lớn lên cùng đất nước, Chi đội em làm kế hoạch nhỏ, Thiếu niên hành quân… Nhạc sĩ Phạm Trọng Cầu đặt cho ông "danh hiệu" là "vua âm nhạc thiếu nhi". Còn nhạc sĩ Văn Chung từng nhận xét về ca khúc của Phong Nhã: “Những bài hát sâu đậm tình cảm với những nét nhạc mở đầu cũng như kết cấu rất nhuần nhuyễn và sáng tạo của Phong Nhã đã làm tăng thêm sức mạnh thúc đẩy sự hăng say hoạt động Đội của thiếu niên. Với riêng Phong Nhã, những bài hát của anh còn là chiếc cầu nối các nhạc sĩ, cán bộ, chiến sĩ, giáo viên, các phụ trách với các em nhỏ thân yêu”.
Không chỉ ghi dấu trong sự nghiệp sáng tác ca khúc, nhạc sĩ Phong Nhã thành công cả trên cương vị nhà báo, người xây dựng và phát triển một cơ quan báo chí lớn của Đội, là Tổng biên tập đầu tiên của báo Thiếu niên Tiền phong. Điều gì đã giúp ông - một người chủ yếu tự học lại đạt được thành tựu ấn tượng và tố chất nào là nền tảng cơ bản cho sự sáng tạo của ông? Thật không dễ lý giải nếu như không được chính nhạc sĩ mở lòng chia sẻ…
|
Trong hồi ký là những câu chuyện về tuổi thơ, nơi cậu bé sớm mồ côi mẹ có người chị tật nguyền thương yêu em; có buổi đi thuyền rước dâu ngày cưới của bố và dì hai; một vài làn điệu dân ca đầu tiên được người thân chỉ bảo, là những nốt ký âm cơ bản hò, xự, xang, xê, cống...; có cả những năm tháng đói nghèo, cả nhà ông dắt díu lên Hà Nội kiếm sống, trú trọ hết khu phố nọ tới khu phố kia…
Tuổi thơ nhọc nhằn, sớm phải phụ giúp gia đình mưu sinh nhưng niềm say mê học tập, năng khiếu nghệ thuật và sự tự lập đã giúp người thiếu niên chăm chỉ vượt qua tất cả. Từ một cậu học trò nhỏ, cảm thương số phận người đồng cảnh dân nghèo, Phong Nhã đi dạy học tư rồi tham gia phong trào học sinh yêu nước, trưởng thành trong phong trào cách mạng. Những thời khắc lịch sử của Cách mạng Tháng Tám, niềm vinh dự, cảm xúc khi được tận mắt nhìn thấy vị lãnh tụ của toàn dân tộc trên đường phố để viết nên bài hát “đi cùng năm tháng” với giai điệu tha thiết, thành kính: “Ai yêu Bác Hồ Chí Minh hơn thiếu niên nhi đồng”.
Khi toàn quốc bước vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, nhạc sĩ Phong Nhã đã có những năm tháng lên Việt Bắc học tập, xây dựng cơ sở nơi chiến khu, viết báo thiếu nhi, tổ chức phân công thực hiện báo Đội và trở thành vị Tổng biên tập đầu tiên… Những khúc ca, cứ thế, ra đời từ những cảm xúc tự nhiên.
Bình luận (0)