Hội ngộ những 'tâm hồn lành lặn'

Đình Toàn
Đình Toàn
02/08/2018 14:02 GMT+7

Công chúng yêu mỹ thuật tại cố đô Huế vừa thưởng lãm tác phẩm của 4 họa sĩ khuyết tật và nhận ra, 'khuyết tật' chỉ có thể tác động lên thân thể họ, còn tâm hồn thì không...

Mang theo 22 tác phẩm với nhiều phong cách và chất liệu như acrylic, màu nước, sơn mài..., họ đến từ nhiều nơi khác nhau: Yên Bái (Lê Thị Mỹ Bình), Hà Tĩnh (Lê Quang Lĩnh), Thừa Thiên-Huế (Phạm Đình Thái), Đà Nẵng (Nguyễn Tấn Hiền). Và mỗi tác giả là một cuộc đời, số phận khác nhau.
Có một Nguyễn Tấn Hiền tứ chi bị liệt, còn duy nhất ngón cái tay phải có thể cử động được, vậy mà 10 năm qua kể từ khi tập cầm cọ đến nay họa sĩ 40 tuổi này đã có nhiều cuộc triển lãm trong và ngoài nước thành công. Từng là chàng trai khỏe mạnh, rời quân ngũ anh học cao đẳng nhưng sau tai nạn sập hố ga trên đường đạp xe đi học khiến anh bị liệt. Sức khỏe có cải thiện phần nào sau nhiều năm cứu chữa, nhưng Hiền phải gắn mình trên chiếc xe lăn…
Lê Thị Mỹ Bình, 37 tuổi, bị liệt đôi chân từ năm lên lớp 6 do căn bệnh viêm tủy cắt ngang. Hơn 20 năm qua kể từ khi học vẽ rồi “hành nghề” vẽ thuê, dạy vẽ kiếm sống, chị đã tham gia hàng chục cuộc triển lãm mỹ thuật, hội thảo, diễn đàn trong nước và quốc tế - một nghị lực đáng kinh ngạc. Đặc biệt, Mỹ Bình còn tham gia nhiều sự kiện cộng đồng giúp đỡ người khuyết tật. Hiện tại chị là tình nguyện viên dạy vẽ miễn phí cho trẻ khuyết tật tại CLB “Thắp sáng ước mơ” ở Yên Bái. Tham gia triển lãm “Ngày mới 2018” tại TP.Huế, Mỹ Bình mang theo những bức tranh acrylic bằng kỹ thuật chấm màu nhiều lớp về phong cảnh, những nơi cô đi qua trong những lần tập huấn cộng đồng, và không giấu hi vọng bán tranh lấy tiền mua chiếc xe lăn đầu kéo để tiện sinh hoạt.
Đình Thái (TP.Huế), 30 tuổi, bị câm điếc bẩm sinh nhưng cũng kịp học vẽ cách đây 9 năm, với nhiều cuộc triển lãm tranh ở miền Trung, được các họa sĩ sơn dầu đàn anh nhận xét là vẽ “ngày càng lên tay”. Còn Lê Quang Lĩnh (Hà Tĩnh), 33 tuổi, từng mắc chứng bệnh sốt bại liệt từ lúc mới 1 tuổi. Đôi bàn tay co quắp, đi lại và giao tiếp khó khăn… nhưng Lĩnh đã có hàng trăm tác phẩm, tham dự hàng chục cuộc triển lãm trong và ngoài nước. Lĩnh ẵm nhiều giải thưởng giá trị: giải nhất cuộc thi tranh vẽ “Alaxan - Chiến thắng nỗi đau” (Bộ LĐ-TBXH, Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi VN, Hội Mỹ thuật VN tổ chức 2006); giải đặc biệt cuộc thi tranh, ảnh về người khuyết tật ở Quảng Bình năm 2011; giải nhì vẽ tranh trừu tượng “Mở cửa bước ra thế giới” của Tổ chức Education First (EF, Thụy Điển tổ chức năm 2015)…
Chính “nhân thân” của các họa sĩ đã tạo sự chú ý đặc biệt dành cho triển lãm chủ đề “Ngày mới 2018”, một hoạt động nằm trong chương trình Phát triển không gian văn hóa và Chương trình Tình sông Hương. Các tác phẩm trở thành minh chứng cho khát vọng hòa nhập với cộng đồng, vượt qua tật nguyền của họ và gửi thông điệp tuyệt vời về sức sáng tạo. “Các bạn ấy nói cảm ơn tạp chí Sông Hương (nơi tổ chức triển lãm - PV), nhưng chúng ta mới là người cảm ơn vì niềm đam mê nghệ thuật của họ”, nhà văn Hồ Đăng Thanh Ngọc, Tổng biên tập Tạp chí Sông Hương, cảm động.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.