Tài năng thiên bẩm
Quốc Đạt (nghệ sĩ pianist, 30 tuổi, quê Trà Vinh) bị mù khi mới vừa lên 2 tuổi. Đạt có thể chơi được nhiều nhạc cụ gồm organ, piano, guitar, trống, đàn bầu, ukulele…
Nhà nghèo nhưng ba mẹ vẫn có niềm tin có thể chữa lành được đôi mắt cho con nên gom hết tiền bạc, vay mượn khắp nơi, đi từ bác sĩ này đến thầy lang khác nhưng đáp lại, chỉ là những cái lắc đầu. Hai năm trôi qua, gia đình đã nghèo lại càng nghèo hơn, khánh kiệt và nợ nần nên đành chấp nhận sự thật.
6 tuổi, Quốc Đạt được ba mẹ gửi vào mái ấm Bừng Sáng (TPHCM). Cũng chính từ nơi này, Đạt phát hiện ra năng khiếu âm nhạc bẩm sinh.
|
So với các bạn khác, Quốc Đạt học rất nhanh, từ lý thuyết đến các bộ môn khác như cảm âm, ký xướng âm. Song song đó, Đạt cũng được dạy văn hóa bằng chữ nổi. Ở giai đoạn mới bắt đầu, để chơi thành thạo một bản nhạc, Đạt mất 1 - 2 tuần. Đến năm 14 tuổi, khả năng chơi đàn organ và piano của Đạt đã đạt ở trình độ khá, bắt đầu được các anh chị trong nghề dẫn đi thực tập với cát-sê 60 ngàn đồng/đêm.
Năm 18 tuổi, Quốc Đạt đã bắt đầu chạy show đàn đám cưới, hát với nhau ở Hóc Môn, Củ Chi… Chỉ sau một thời gian ngắn, Quốc Đạt được giới nhạc phải ngã mũ thán phục vì trình độ đàn piano (đặc biệt là thể loại nhạc jazz) ở trình độ rất cao mà ngay cả người sáng mắt cũng khó lòng theo được. Chỉ cần nghe qua một lần, Đạt đã có thể biến tấu ngay bản hòa âm mới, độc đáo hơn cả bản gốc.
Hiện nay, Đạt đang là giáo viên dạy đàn tại tư gia và nhà thiếu nhi quận 3 (TP.HCM), đồng thời cộng tác với các phòng thu, nghệ sĩ khác để thực hiện hòa âm phối khí như nghệ sĩ saxophone Trần Mạnh Tuấn. Quốc Đạt thường xuyên xuất hiện tại nhiều chương trình lớn và khi tiếng đàn của Đạt cất lên, ai nấy cũng đều trầm trồ ngưỡng mộ.
Ngoài Quốc Đạt, không thể không nhắc đến Vũ Tư (hiện đang là pianist tại quán cà phê Vừng). Vũ Tư có thể chơi được 8 loại nhạc cụ khác nhau gồm organ, piano, guitar, guitar phím lõm, đàn sến, đàn bầu, đàn Kalimba và Ukulele. Đa số đều là do tự học sau khi đã biết về nhạc lý cơ bản và piano. Có hoàn cảnh tương tự như Quốc Đạt, Vũ Tư cũng được sinh ra trong gia đình lao động nghèo. Ba mẹ bất lực và khóc cạn nước mắt khi không thể nào chữa trị được đôi mắt cho con.
Vũ Tư được nhiều người trong giới khen ngợi vì tài không đợi tuổi. Tư cũng có khả năng chỉ nghe qua một lần một bài nhạc khó là đàn lại được và biến tấu khác đi. Vũ Tư từng đệm đàn cho ca sĩ Ái Phương, cộng tác với cuộc thi lớn như The voice, X-Factor… với sự giúp đỡ của Lưu Thiên Hương.
|
Kiên trì là mẹ thành công
Mặc dù được sự thừa nhận về tài năng nhưng cả Quốc Đạt và Vũ Tư đều rất khiêm tốn, cho rằng những thành quả có được đều là quá trình kiên trì bền bỉ.
Vũ Tư kể lại: “Đối với người mù, việc học đàn trước hết phải có trí nhớ tốt và bắt buộc phải thuộc lòng bản nhạc đó chứ không thể vừa đàn vừa nhìn bản hòa âm như người sáng mắt nên thực sự rất áp lực. 10 tuổi em bắt đầu làm quen với âm nhạc do thầy Đào Khánh Trường dạy, ban đầu em thấy quá khó và không thích nhưng bằng sự kiên nhẫn, thầy đã giúp em tìm thấy được đam mê của mình”.
Không thấy đường, việc đi lại của người mù rất khó khăn. Nhiều chủ quán cũng ngại thuê người mù vì sợ ảnh hưởng tới quán. Thường là các quán ở ngoại thành sẽ thuê các nghệ sĩ mù với mức cát-sê khá thấp, khoảng 150 ngàn đồng/đêm, trừ tiền xe đi và về thì cũng chỉ còn khoảng 70 - 80 ngàn đồng. Cát-sê của các quán khu trung tâm cao hơn gấp đôi, nhưng để vào làm ở những nơi này cũng không hề dễ dàng. Hiện nay, cát-sê cho một nghệ sĩ pianist tại các quán cà phê lớn tại trung tâm dao động từ 300 - 500 ngàn đồng/đêm.
“Những ngày đầu đi làm cũng rất khó vì mình chưa quen đường vào, phải nhờ người dẫn. Sau đó thì bắt buộc phải tự tìm vì không thể phiền ai. Em cũng vì run, áp lực nên đánh sai khiến cho chủ cũng không vui. Cơ hội đến với em khi được quản lý cũ của Lê Cát Trọng Lý (Hoàng Phúc Thông) phát hiện và giới thiệu cho đi đàn cùng với Lee Kirby, cũng như tại một số quán cà phê. Từ đó, con đường mới mở ra với nhiều cơ hội nghề nghiệp”, Vũ Tư tâm sự thêm.
Tương tự như Vũ Tư, Quốc Đạt cũng cho biết đối với người mù, vấn đề di chuyển là vô cùng khó khăn. Quốc Đạt chọn xe buýt là phương tiện chính bên cạnh xe ôm để tiết kiệm chi phí. Không ít lần đi lạc đường, Đạt phải hỏi han và nhờ sự trợ giúp của người dân để đi đến đúng chỗ làm.
Từng có giai đoạn, cả hai đều rất chán chường và bi quan về cuộc sống của mình khi có nhiều lúc bị thất nghiệp, không có tiền trang trải cuộc sống nhưng rồi nhận ra, nếu không có âm nhạc, cuộc đời mới thật sự vô nghĩa.
|
Cổ tích có thật
Đa phần người khiếm thị đều rất tự ti về ngoại hình của mình. Họ thường ít khi dám nghĩ đến việc yêu đương dù trong quá trình đi học, sinh hoạt… cũng có những tình cảm nảy nở. Họ cho rằng bản thân mình là gánh nặng, tự lo cho mình còn chưa xong huống hồ gì chăm sóc một ai đó hay sinh con đẻ cái. Nếu có, chắc cũng chỉ là những người đồng cảnh ngộ mà thôi.
Quốc Đạt từng trải qua vài cuộc tình tan vỡ và anh kết luận rằng: “Có lẽ người ta đến với tôi vì ngưỡng mộ tài năng hoặc lòng thương hại nhiều hơn là tình yêu thực sự. Tôi cũng từng rất buồn nhưng từ lâu, tôi không còn nghĩ đến chuyện này nữa".
Vậy mà, cổ tích vẫn có thật giữa cuộc sống đầy bộn bề hối hả. Đó là mối tình rất dễ thương của Vũ Tư và bạn gái Tường An.
Nàng là cô giáo dạy vẽ, nhà ở tận quận 12, còn chàng lại ở chi hội dành cho người khiếm thị Khánh Trường (Hòa Hảo, quận 10) nhưng vẫn thường xuyên tranh thủ thời gian gặp nhau, cùng nhau đi du lịch…
Clip Quốc Đạt đang luyện tập cùng một người bạn - Clip: NVCC
|
Từng tiếp xúc với bạn gái của Vũ Tư, điều chúng tôi ấn tượng là một cô gái quá xinh đẹp, nhẹ nhàng, thanh thoát. An cho biết ban đầu là sự ngưỡng mộ tài năng, sau là dần nảy sinh tình cảm. Cả hai không ai nói lời yêu mà tự cảm nhận tình cảm của nhau qua những lần tiếp xúc.
Tư mỉm cười hạnh phúc cho biết: “Dù em không biết trước được ngày mai sẽ ra sao, nhưng em rất cảm ơn cuộc đời đã cho em gặp bạn ấy. Dù em không thấy đường nhưng bạn ấy vẫn luôn cư xử với em như một người bình thường và nguyện làm đôi mắt thay em. Em quan điểm, vui ngày nào được ngày nấy, chứ nghĩ nhiều chi chuyện xa xôi tương lai”.
Ngoài Vũ Tư, mối tình của ca sĩ - nhạc sĩ khiếm thị Hà Chương cũng là câu chuyện diệu kỳ khiến không ít người khuyết tật có thêm niềm tin vào cuộc sống. Hà Chương và vợ Hải Yến (cô giáo dạy tiếng Anh) đã có quả ngọt là cô công chúa nhỏ Châu Sa (3 tuổi).
|
Suốt ngần ấy năm yêu nhau, cả hai chưa một lần to tiếng. Nghệ sĩ Hà Chương nói vui: “Tôi nghĩ rằng người khuyết tật đừng bao giờ tự kỳ thị mình với xã hội mà hãy nỗ lực gấp hai, ba người bình thường, luôn lạc quan và có niềm tin vào những điều tốt đẹp. Bản thân tôi luôn quan điểm mình cần phải không ngừng trau dồi những kỹ năng mềm, như việc giao tiếp, nói trước đám đông… Tôi hi vọng câu chuyện tình yêu đẹp của mình sẽ là niềm tin để các bạn bớt bi quan về cuộc đời mình!”.
Có những điều chúng ta không thể nào thay đổi được vì đó là số phận. Học cách chấp nhận và vượt qua nó bằng sự nỗ lực không ngừng, và tự vẽ lại đời mình theo một cách riêng bằng nhạc điệu.
Kỳ 2: Ngôi nhà mù cổ tích kỳ lạ giữa Sài Gòn
Câu chuyện về những “ông bụt, bà tiên” giữa đời thường, giúp cưu mang những em khuyết tật và không nhận một đồng lương, cũng không lập gia đình…
|
Bình luận (0)