Ông Phan Hữu Minh, Trưởng Ban kiểm tra của Hội Nhà báo Việt Nam, cho biết đang phối hợp với cơ quan chức năng làm rõ vụ Công an Đà Nẵng cấm xuất cảnh 3 tháng đối với nữ nhà báo Dương Hằng Nga, Trưởng văn phòng đại diện Tạp chí Giao thông Vận tải khu vực miền Trung và Tây Nguyên tại Đà Nẵng.
Trước đó, bà Dương Thị Nga có đơn khiếu nại gửi Thủ tướng; Bộ trưởng các bộ: Công an, Thông tin - Truyền Thông, Giao thông vận tải; Hội nhà báo Việt Nam và các cơ quan chức năng Đà Nẵng trình bày việc ngày 5.8, bà làm thủ tục xuất cảnh đi Myanmar tại sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất (TP.HCM) thì bị Công an cửa khẩu lập biên bản không cho xuất cảnh, với lý do “người thuộc diện chưa được xuất cảnh, theo đề nghị của Công an TP Đà Nẵng”.
Việc làm này khiến bà Nga bất ngờ và bức xúc. “Tại sao không gửi thông báo trước cho tôi được biết? Tôi không phải là tội phạm, tôi sống và làm việc đúng theo pháp luật thì tại sao cấm tôi không được xuất cảnh?”, đơn khiếu nại của bà Nga nêu.
Mặt khác, theo đơn khiếu nại của bà Nga, trước đó, từ 5 - 24.6 là thời gian bà đưa ba chồng đi mổ dạ dày tại bệnh viện Chợ Rẫy, TP.HCM đã liên tục bị Cơ quan An ninh điều tra Đà Nẵng triệu tập, thậm chí đến tận giường bệnh để điều tra xét hỏi.
Nhà báo Dương Hằng Nga cho rằng, việc Cơ quan An ninh điều tra Công an TP.Đà Nẵng gây khó dễ cho bà là do yêu cầu của ông Phan Văn Anh Vũ, Chủ tịch HĐQT Công ty Xây dựng 79, còn được gọi là Vũ “nhôm”, bởi trước đó từ ngày 8-15.4, bà đã viết 8 bài báo có nội dung chống tiêu cực tại dự án Khu đô thị Đa Phước, Đà Nẵng, do ông Vũ là Chủ tịch Hội đồng thành viên chủ đầu tư.
Đáng chú ý, bà Dương Hằng Nga cho rằng, cũng vì 8 bài báo nêu trên và trong thời gian bà bị Công an Đà Nẵng gây khó dễ, ông Phan Văn Anh Vũ đã kiện bà ra TAND quận Hải Châu, Đà Nẵng. Ngày 12.7 và ngày 22.8, TAND quận Hải Châu đã gọi 2 bên ra hòa giải nhưng nguyên đơn vắng mặt.
Từ đó, nhà báo Dương Hằng Nga đề nghị các cơ quan chức năng làm rõ một vụ việc nhưng nhiều cơ quan cùng giải quyết. Mặt khác, là việc dân sự nhưng Cơ quan An ninh điều tra lại hình sự hóa, gây ảnh hưởng đến quyền công dân và tác nghiệp báo chí của bà.
Theo ông Phan Hữu Minh, với chức năng bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Hội viên, sau khi nhận được đơn của bà Dương Hằng Nga, ngày 13.9, Hội Nhà báo Việt Nam đã có văn bản gửi Bộ trưởng Bộ Công an, Chủ tịch UBND và Công an TP.Đà Nẵng đề nghị xem xét xử lý theo đúng bản chất vụ việc, tạo điều kiện tốt nhất cho hoạt động báo chí.
Đến ngày 30.9, Công an TP.Đà Nẵng có văn bản số 454 do đại tá Trần Đình Liên, Phó giám đốc - Thủ trưởng Cơ quan An ninh điều tra, ký gửi Hội Nhà báo Việt Nam xác nhận việc điều tra và cấm xuất cảnh đối với nhà báo Dương Hằng Nga là do nhận được đơn của ông Phan Văn Anh Vũ, Chủ tịch HĐQT Công ty xây dựng 79 khiếu nại bà Nga đã dùng quyền năng nhà báo xúc phạm lợi ích hợp pháp của công ty, xúc phạm danh dự cá nhân ông Vũ.
Trong văn bản này, Công an TP.Đà Nẵng cho biết, sau khi nhận được đơn của ông Vũ, đã thành lập tổ công tác để xác minh. Do nhiều lần triệu tập nhưng bà Nga không hợp tác nên Cơ quan An ninh điều tra Đà Nẵng đã phối hợp với Công an TP.HCM xác minh và biết bà Nga đang đi chăm người nhà tại bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM.
Trong văn bản này, Công an TP.Đà Nẵng cũng xác nhận đã đề nghị cơ quan chức năng cấm xuất cảnh đối với bà Nga do xét thấy bà Nga có dấu hiệu của tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ, xâm phạm lợi ích nhà nước và quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân theo điều 258 bộ luật Hình sự. Căn cứ cấm xuất cảnh áp dụng theo Thông tư 21/2011 quy định về trình tự, thủ tục thực hiện quyết định của cơ quan, người có thẩm quyền về việc chưa cho nhập cảnh, chưa được xuất cảnh, tạm hoãn xuất cảnh của Bộ Công an.
tin liên quan
Hình sự hóa quan hệ dân sự, một bị cáo trắng ánHôm qua 18.4, Tòa phúc thẩm TAND tối cao tại TP.HCM đã tuyên bác kháng nghị của Viện KSND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và kháng cáo của phía bị hại. Hội đồng xét xử đã tuyên bị cáo Phan Thị Thường (42 tuổi, ngụ tại TP Vũng Tàu) không phạm tội "lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản" vì giao dịch giữa đôi bên chỉ là quan hệ dân sự, các tranh chấp khác nếu có sẽ được khởi kiện bằng một vụ án khác.
Cũng theo văn bản của Công an TP.Đà Nẵng, do sự việc phức tạp, cần đảm bảo bí mật cho công tác điều tra nên cơ quan An ninh điều tra không thông báo cho đương sự biết.
Về thông tin bà Nga khiếu nại Công an đã vào tận giường bệnh ở bệnh viện Chợ Rẫy để điều tra xét hỏi, văn bản của Công an Đà Nẵng cho biết do bà Nga gọi điện mời nên điều tra viên mới vào, chứ không tự tiện. Tại đây, điều tra viên cũng chỉ thăm hỏi động viên người ốm chứ không phải làm việc.
Theo ông Phan Hữu Minh, Trưởng ban Kiểm tra Hội Nhà báo Việt Nam, do sự việc phức tạp, liên quan đến nhiều cơ quan chức năng, nên trong vài ngày tới, Hội Nhà báo Việt Nam sẽ tiếp tục làm việc với các cơ quan chức năng để tiếp tục có biện pháp bảo vệ lợi ích hợp pháp của hội viên.
Bình luận (0)