Gần đây, một số bạn đọc Thanh Niên băn khoăn về nguy cơ lây nhiễm Covid-19 trong quá trình lấy mẫu xét nghiệm tại nơi tập trung lấy mẫu.
Về vấn đề trên, TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cho biết có thể lấy mẫu hầu họng, mẫu ở mũi để xét nghiệm sàng lọc Covid-19. Đây cũng là nơi virus dễ dàng nhân lên sau khi xâm nhập. Do đó, nếu không sát khuẩn, không đảm bảo các quy định về chống nhiễm khuẩn, thì đó là nguy cơ lây nhiễm chéo Covid-19.
Ông Nga giải thích, đường lây nhiễm Covid-19 trước tiên là lây trực tiếp qua đường hô hấp, khi tiếp xúc gần, khi một người hít phải các giọt bắn có virus từ người bệnh. Con đường lây nhiễm thứ 2, đó là virus trên tay lọt vào miệng, mũi khi chúng ta đưa tay lên mặt, mũi, miệng.
“Do đó, nếu găng tay của nhân viên y tế mang mầm bệnh không được khử khuẩn, thì virus từ găng tay dễ lọt vào mũi người được lẫy mẫu kế tiếp, vì lúc lấy mẫu, người được lấy mẫu không mang khẩu trang”, chuyên gia này lưu ý.
Virus gây Covid-19 khi vào đường hô hấp trên (mũi, họng) dễ dàng xâm nhập niêm mạc, nhân lên ở hầu họng và tấn công đến phổi.
Theo ông Nga, để đảm bảo ngăn ngừa lây nhiễm chéo khi lấy mẫu, "nhân viên y tế lấy mẫu cần thực hiện đầy đủ các quy định về chống nhiễm khuẩn, nên thay găng tay y tế sau 5 lần lấy mẫu, giữa mỗi lần lấy mẫu cần sát khuẩn găng tay bằng dung dịch sát khuẩn. Dung dịch có cồn từ 70 độ có thể diệt được virus”.
Nếu lấy mẫu cho hộ gia đình, nên thay găng tay sau khi thực hiện xong tại mỗi nhà.
Tại khu vực lấy mẫu xét nghiệm, cần đảm bảo giãn cách và không gian đảm bảo thông thoáng.
Với người được yêu cầu lấy mẫu xét nghiệm, ông Nga hướng dẫn, cần luôn đeo khẩu trang trước và sau khi lẫy mẫu, đảm bảo giãn cách khi chờ đợi và không nên trò chuyện tại nơi tập trung lấy mẫu.
Bản thân mỗi người cũng nên vệ sinh tay bằng nước sát khuẩn hoặc rửa tay bằng xà phòng. Việc vệ sinh mũi, họng bằng nước muối cũng là cách tốt để giảm bớt nguy cơ lây nhiễm Covid-19. Nước muối không diệt hết được virus, nhưng giảm nguy cơ bội nhiễm.
Bình luận (0)