|
Quyết tâm giữ nghề
Theo ông Phan Văn Chói (ngụ ấp Chánh, xã Đức Lập Thượng, H.Đức Hòa), nghề nuôi ngựa có từ đời ông nội ông. Lúc đó, chưa có giống ngựa nước ngoài nên ông nội của ông chỉ nuôi ngựa giống Việt Nam. Năm 1952, đến đời cha của ông bắt đầu nuôi ngựa để đua ở trường đua Phú Thọ. Khi cha ông mất, các anh em của ông tiếp nối nghề nuôi ngựa của cha. Riêng ông đã nuôi tổng cộng 10 con, gồm ngựa giống và ngựa con để cung cấp cho những người đua ngựa. Từ khi trường đua đóng cửa, ông chỉ để lại 2 con ngựa giống lai nước ngoài thế hệ F1 và F2. Ông Chói nói khi nào ông còn sống thì không thể rời 2 con ngựa này và mong muốn duy trì giống ngựa thuần chủng để sau này con cháu biết được cái hay của ngựa.
Ở ấp Chánh còn có gia đình ông Phan Văn Khỏi đã ba đời theo nghề nuôi ngựa. Trước đây, ông nuôi rất nhiều ngựa để cung cấp cho trường đua nên cuộc sống khá giả, mỗi tháng thu nhập 70 - 80 triệu đồng. Từ khi trường đua ngưng hoạt động, nguồn thu đó của ông không còn. Hiện ông chỉ giữ lại 2 con ngựa, trong đó có con Mã Thành đã từng giúp ông giành 2 chiếc cúp và 9 cờ xuất sắc.
Cũng vì đam mê mà ông Hà Văn Nở (ở xã Đức Hòa Thượng) vẫn đang nuôi đàn ngựa 10 con. Những con ngựa được ông đặt tên rất đẹp, như: Durati, Sapphire, Hồng Ngọc, Rubi... Ông Nở cho biết ông rất mê ngựa và lúc nhỏ từng nuôi ngựa cho người cậu. Tuy nhiên, do không có điều kiện nuôi riêng nên 18 tuổi ông tham gia vào Đoàn cải lương quốc doanh Long An rồi Đoàn cải lương Trung Hiếu của Công an TP.HCM. Năm 2005, khi tuổi đã lớn và cải lương không còn “ăn khách”, ông trở về quê. Lúc này, niềm đam mê trỗi dậy và thôi thúc ông mua ngựa về nuôi. Hiện mỗi ngày chi phí thức ăn cho đàn ngựa trên 250.000 đồng nên ông Nở phải vay tiền ngân hàng, mua máy cày về làm thêm để duy trì đàn ngựa. Nhưng ông Nở vẫn hy vọng một ngày nào đó trường đua Phú Thọ hoạt động trở lại, ông sẽ bán bớt 1 - 2 con ngựa để “xóa nợ”. Số còn lại, ông đưa ra thi thố để thỏa đam mê. Ông Nở tâm sự: “Mặc dù đang gặp nhiều khó khăn, nhưng tôi vẫn quyết tâm theo đuổi đam mê đến cùng và xem như là cách giữ nghề nuôi ngựa truyền thống”.
Hy vọng hồi sinh làng ngựa
Để có được ngựa tốt, ngựa hay, người nuôi phải chăm sóc chu đáo, tỉ mỉ. Ông Huỳnh Nam Sơn, người nuôi ngựa lâu đời ở xã Mỹ Hạnh Bắc, cho biết phải chăm sóc ngựa như con của mình, vì nếu sơ suất, ngựa sẽ bị bệnh. Người nuôi như một bác sĩ thú y, phải biết tiêm thuốc, biết ngựa bệnh gì và trị bằng thuốc nào. Mỗi ngày phải thức sớm dắt ngựa đi quần giò, quần nước để luyện tập cơ bụng làm giảm cân, tăng khả năng chạy nhanh, giảm ma sát trong những pha nước rút ở trường đua. Trưa phải cho ngựa ăn, uống, chiều từ 3 - 4 giờ lại dắt ngựa ra quần nước. Khi ngựa còn nhỏ phải làm giấy khai sinh y như con người… Chăm sóc ngựa vất vả trong khi đầu ra của ngựa lại rất bấp bênh. Anh Nguyễn Văn Bầu (ngụ ấp Chính, xã Đức Lập Hạ) cho biết anh từng là nài ngựa, nhưng khi trường đua ngựa Phú Thọ đóng cửa, anh chuyển sang làm lái ngựa. Trước đây, ngựa đua có giá rất cao từ 70 - 80 triệu đồng/con. Bây giờ chỉ bán ngựa thịt, giá còn 10 - 15 triệu đồng/con.
Theo ông Nguyễn Văn Đức, Phó giám đốc Trung tâm Văn hóa - Thể thao H.Đức Hòa, điều kiện của địa phương rất tốt để phát triển nghề chăn nuôi và môn thể thao đua ngựa. Tuy nhiên, do trường đua Phú Thọ ngừng hoạt động, nên đàn ngựa của huyện từng có hơn 4.000 con nay đã giảm còn 375 con. Mới đây, Trung tâm đã tổ chức đua ngựa biểu diễn nhân kỷ niệm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam 22.12. Hôm đó, bà con đến xem và cổ vũ rất đông, cho thấy niềm đam mê đua ngựa vẫn còn cháy bỏng trong lòng người dân Đức Hòa. Bên cạnh đó, nhờ được sự ủng hộ xã Mỹ Hạnh Bắc và Công ty Đức Thuận, huyện cũng đầu tư làm đường đua, mặc dù chưa đạt chuẩn nhưng tạm thời có một sân chơi để thỏa niềm đam mê của những người yêu mến đua ngựa.
Hiện nay, H.Đức Hòa đang vận động thành lập hội đua ngựa. Việc làm này nhận được sự ủng hộ của ngành chức năng khi Sở VH-TT-DL Long An đã chỉ đạo Phòng Văn hóa và Trung tâm thể thao huyện cùng với ban vận động tiến hành các thủ tục để thành lập hội đua ngựa cấp huyện. Những động thái trên cho thấy hy vọng hồi sinh của làng ngựa Đức Hòa đã không còn xa.
Tây Thành
Bình luận (0)