Hồi sinh những cánh rừng

30/05/2021 16:55 GMT+7

Lâm tặc phá rừng , người dân đốt rừng làm nương rẫy, chuyển đổi mục đích sử dụng để thay thế rừng bằng các dự án … có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến sự “biến mất” của hàng ngàn ha rừng mỗi năm.

Rừng mất, lũ đến nhanh hơn, mạnh hơn 

Nghiên cứu của Quỹ châu Á trong 20 năm qua chỉ ra rằng, Việt Nam là 1 trong 5 nước có rủi ro thiên tai lớn nhất toàn cầu với mức thiệt hại ước tính chiếm đến 1,5% GDP hằng năm. Theo Tổng cục Phòng, chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), mỗi năm, nước ta xảy ra khoảng 10 - 15 trận lũ quét, sạt lở đất, đặc biệt tại các tỉnh vùng núi phía Bắc, Trung bộ, Tây nguyên và Đông Nam bộ. Nguyên nhân hàng đầu được chỉ ra là do vấn nạn phá rừng.
Thực tế, diện tích rừng tự nhiên đang ngày càng suy giảm nhanh với tốc độ chóng mặt, nhất là độ che phủ rừng ở khu vực miền Trung. Nhiều diện tích rừng đầu nguồn và rừng phòng hộ ở các tỉnh miền Trung bị thu hẹp gây mất khả năng điều tiết nước ở thượng nguồn khi xảy ra mưa lớn, giảm khả năng cản trở dòng chảy khi mưa lũ, khiến cường độ nước dâng lên cao hơn, lũ đi nhanh hơn. Hiện, độ che phủ rừng nước ta còn chưa đến 40%, diện tích rừng nguyên sinh còn khoảng 10%. Số liệu từ Tổng cục Lâm nghiệp cho biết những năm gần đây, diện tích rừng tự nhiên ở nước ta ngày càng suy giảm nhanh, chất lượng rừng suy thoái nặng nề. Trong giai đoạn từ năm 2011 đến nay, tổng diện tích rừng bị thiệt hại ước tính hơn 22.800 ha, trong đó, diện tích rừng bị cháy khoảng 13.700 ha, còn lại do bị chặt phá trái phép. Trong 4 năm từ 2016 - 2019, diện tích rừng bị thiệt hại đã lên tới 7.283 ha. Như vậy, trung bình mỗi năm, Việt Nam mất 2.430 ha rừng. Chất lượng rừng tự nhiên được đánh giá ở mức thấp, với chỉ 15% diện tích rừng giàu, 35% diện tích rừng trung bình, khoảng 50% diện tích rừng tự nhiên còn lại là nghèo, nghèo kiệt.
Không chỉ các khu rừng phòng hộ đầu nguồn phía Tây Nguyên, rất nhiều địa phương vùng đồng bằng ven biển cũng đang chứng kiến sự mất mát rất lớn của rừng.
Theo báo cáo UBND tỉnh Bình Thuận, rừng ở huyện Bắc Bình giáp với rừng của huyện Di Linh và huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng, bao gồm 22 tiểu khu với tổng chiều dài vùng giáp ranh khoảng trên 90 km, tài nguyên phong phú, đa dạng với nhiều loại gỗ quý như hương, trắc, sao, căm xe… Tuy nhiên, từ những năm 2019 đổ lại, tình trạng phá rừng làm rẫy, phá rừng lấy gỗ vùng giáp ranh thường xuyên xảy ra. Hầu hết các tiểu khu rừng phòng hộ đầu nguồn của huyện Bắc Bình đã xảy ra tình trạng lấn chiếm đất, khai thác gỗ trái phép làm cho diện tích rừng bị thu hẹp.
Tương tự, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu có tổng diện tích rừng tự nhiên trên 27.219 ha. Tuy không lớn so với các tỉnh trên cả nước, nhưng Bà Rịa-Vũng Tàu luôn gắn kết chặt chẽ công tác bảo vệ rừng với du lịch sinh thái, môi trường… để phát triển kinh tế, an ninh xã hội của địa phương. Song, đã có khoảng thời gian, ở Bà Rịa-Vũng Tàu đã xảy ra nhiều vụ chặt phá rừng, lấn chiếm đất rừng để sản xuất nông nghiệp; xây dựng trái phép nhà ở và khai thác khoáng sản trái phép trên đất rừng với quy mô lớn. Bên cạnh đó, tình trạng chặt phá rừng ngập mặn, làm nơi nuôi trồng thủy sản cũng diễn ra phức tạp, điều đó khiến cho rừng ngập mặn ở Bà Rịa-Vũng Tàu bị thu hẹp làm tăng diện tích đất hoang, tăng xâm nhập mặn, xói lở vùng bờ, gây ô nhiễm và suy thoái môi trường nước ven bờ. Rừng ngập mặn nhiều nơi trên địa bàn tỉnh đang giảm mạnh…

Thời gian qua, xu hướng sống xanh, sống gần gũi với thiên nhiên đang ngày càng được lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng

89% diện tích rừng giảm do chuyển đổi mục đích sử dụng

Mặc dù Thủ tướng Chính phủ đã ban lệnh đóng cửa rừng vào tháng 6.2016, song rừng nhiều nơi vẫn tiếp tục bị tàn phá. Đáng nói, theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, chỉ tính trong 5 năm 2012 - 2017, diện tích rừng tự nhiên bị mất do chuyển mục đích sử dụng rừng tại các dự án được duyệt chiếm 89% tổng diện tích rừng giảm, gấp gần 9 lần các hành vi phá rừng trái pháp luật. Thực tế nhiều năm trở lại đây, nhu cầu đất cho phát triển kinh tế ngày càng lớn, nên việc chuyển mục đích sử dụng rừng và đất lâm nghiệp diễn ra ở nhiều địa phương. Một số nơi chưa được quản lý chặt chẽ, thiếu cân nhắc đầy đủ, toàn diện lợi ích trước mắt, lâu dài một cách khoa học.
Tuy nhiên, cùng với những Chính sách quyết liệt từ Chính phủ, cái nhìn về rừng, bảo vệ môi trường gắn với phát triển kinh tế bền vững đang ngày càng được chuyển biến tích cực.
Chung tay cùng chương trình “Trồng một tỉ cây xanh giai đoạn 2021 - 2025” mà Chính phủ phê duyệt, từ địa phương, các hiệp hội, tổ chức liên quan đến môi trường cho tới doanh nghiệp đều đã và đang tích cực góp sức bảo vệ và khôi phục rừng.
Mới đây nhất, Tập đoàn Novaland, với sự chung tay của đối tác, khách hàng, nhân viên của các thành viên NovaGroup… đã khởi động chương trình “Green Up Việt Nam - Triệu cây xanh cho cuộc sống bừng sáng”, bắt đầu từ việc tài trợ 11 tỉ đồng cho kế hoạch trồng 50 triệu cây xanh của UBND tỉnh Lâm Đồng. “Điểm sống xanh” tiếp theo của Tập đoàn này sẽ là Bình Thuận và Bà Rịa-Vũng Tàu. Trong quá trình đồng hành, ngoài việc tài trợ bằng hiện kim, Novaland còn phối hợp các sở ban ngành của 3 tỉnh để tổ chức việc trồng và chăm sóc cây rừng, kết hợp teambuilding, ngày hội gia đình, thực hiện các chiến dịch truyền thông gây quỹ, nhằm nâng cao nhận thức, lan tỏa lối sống xanh đến toàn xã hội.
Trước đó, cuối năm 2020, quỹ “Việt Nam xanh” do Chủ tịch các hiệp hội và chi hội ngành lâm sản sáng lập và điều hành chính thức ra mắt với mục tiêu thay đổi nhận thức xã hội về ngành theo hướng bền vững về xã hội, môi trường và kinh tế. Nguồn kinh phí của Quỹ Việt Nam xanh được vận động từ đóng góp trực tiếp của các doanh nghiệp trong ngành gỗ, từ các nguồn tài trợ khác, ưu riên các dự án trồng rừng, bảo vệ rừng, bảo vệ đa dạng nguồn tài nguyên sinh học. Thông qua đó, Quỹ sẽ hỗ trợ các hoạt động phát triển sinh kế cho các tổ chức, cá nhân trực tiếp tham gia bảo vệ rừng.
Tương tự, trong những năm qua, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã nỗ lực trồng bù rừng thay thế các công trình thủy điện. Nhờ chính sách trồng bù rừng, đóng dịch vụ môi trường rừng, đã đảm bảo cho việc phát triển trên 5 triệu ha rừng trong tổng số gần 14 triệu ha rừng hiện có toàn quốc (chiếm tỷ lệ khoảng 38%).
PGS-TS Lê Anh Tuấn, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu - Trường đại học Cần Thơ nhận định chương trình 1 tỉ cây xanh giai đoạn 2021 - 2025 của Chính phủ có ý nghĩa cứu nguy sự mất đất rừng trong những năm qua và gây nhiều tổn hại về kinh tế - môi trường và xã hội. Tuy nhiên, cần phải hiểu rằng, rừng trồng thì không thể có giá trị như rừng tự nhiên. Thiên nhiên đã phải mất hàng trăm năm mới hình thành các rừng tự nhiên với sự phong phú và đa dạng của nó. Rừng trồng có ý nghĩa phủ xanh đồi trống núi trọc, giảm sạt lở, tăng hấp thụ carbon, lưu trữ nước nhưng phải cần vài thập niên với nhiều nỗ lực giữ gìn.
"Tại các địa phương có đất rừng phải nhận thức đây là tài sản quý giá hiện tại và tương lai cho các thế hệ mà người dân và chính quyền địa phương phải có trách nhiệm bảo vệ. Do đó, các địa phương cần tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các tổ chức xã hội khác nhau, bao gồm các DN tham gia trồng và bảo vệ rừng như là một sự hỗ trợ và hợp tác có lợi nhiều bên. Đây cũng sẽ trở thành mô hình mẫu để phát huy sự liên kết, cam kết giữa các doanh nghiệp với địa phương và xã hội trong quá trình phát triển kinh tế”, vị này nhấn mạnh.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.