Hồi sinh thành công chủng vi rút 48.500 năm tuổi

Khánh An
Khánh An
26/11/2022 12:00 GMT+7

Đài RT ngày 25.11 đưa tin các nhà khoa học cảnh báo lớp băng vĩnh cữu tan chảy do biến đổi khí hậu đang gây nguy cơ cho nhân loại, sau khi họ phát hiện và hồi sinh thành công một vi rút có từ 48.500 năm trước.

Nhóm nghiên cứu gồm các nhà khoa học Nga, Pháp và Đức cho biết đây là vi rút cổ xưa nhất từng được hồi sinh trên thế giới, dù giới khoa học từng hồi sinh vi khuẩn 250 triệu năm tuổi. Trước đó, nhóm nghiên cứu đã hồi sinh thành công 2 chủng vi rút có từ 30.000 năm trước. Tổng cộng, họ đã nghiên cứu về khả năng lây nhiễm cho các amip trong phòng thí nghiệm của 7 loại vi rút cổ xưa được phát hiện từ lớp băng vĩnh cữu ở Siberia và được hồi sinh.

Hình ảnh vi rút dưới kính hiển vi điện tử

Claverie/bioRxiv

Theo nhà nghiên cứu Jean-Michel Claverie tại Đại học Aix-Marseille (Pháp) và là thành viên nhóm nghiên cứu, tất cả vi rút được hồi sinh thuộc về nhóm vi rút Pandora và đều có khả năng lây nhiễm cho những dạng sự sống đơn bào như amip. Điều này cho thấy khả năng tồn tại những vi rút khác đang nằm yên dưới lớp băng vĩnh cữu và có thể được phóng thích ra do biến đổi khí hậu, dẫn đến nguy cơ lây nhiễm cho cây cối, động vật và người.

Nga từng cảnh báo về nguy cơ lớp băng vĩnh cữu tan chảy có thể chứa nhiều vi khuẩn và vi rút. Moscow cho rằng nguy cơ này nghiêm trọng đến mức cần lập một dự án an toàn sinh học và kêu gọi tất cả các nước trong Hội đồng Bắc Cực tham gia. Hội đồng này gồm Canada, Đan Mạch, Iceland, Mỹ, Na Uy, Nga, Phần Lan và Thụy Điển.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.