Quảng Trị từng là chiến trường ác liệt nhất mà sau chiến tranh vẫn có tới hơn 7.000 người chết hoặc bị thương do những vật liệu nổ, bom mìn còn sót lại dưới lòng đất. Hải Lăng cùng những huyện khác như Vĩnh Linh, Triệu Phong, Cam Lộ và Gio Linh của tỉnh Quảng Trị nay đã có hơn 790ha đã được rà phá sạch bom mìn.
Qua 10 năm có mặt tại Quảng Trị, SODI đã giúp phá huỷ hơn 40.000 phế liệu chiến tranh, trong đó chủ yếu là bom bi và mìn sát thương. Ông Hồ Quốc Minh - Chánh Văn phòng huyện Hải Lăng chỉ cho chúng tôi khu vực "đất sạch" rộng hơn 200ha - nói, đây là khu tái định cư di dân vùng lũ cho gần 300 hộ dân sống ở ven sông và những nơi ngập sâu, chẳng bao lâu nữa họ sẽ dọn tới.
Cùng chung mục tiêu với SODI, ở Quảng Trị còn có những tổ chức phi chính phủ nước ngoài khác như: Nhóm cố vấn bom mìn (MAG), Dự án phục hồi môi trường và khắc phục hậu quả chiến tranh (RENEW), Cây hoà bình Việt Nam (Peace Trees Vietnam)...
Trao đổi với chúng tôi, ông Hoàng Đăng Mai - Giám đốc Sở Ngoại vụ kiêm Phó Chủ tịch Liên hiệp Các tổ chức Hữu nghị tỉnh Quảng Trị - cho biết, đời sống của nhiều người dân ở các xã nghèo đã khó càng bi đát hơn nếu có người thân thiệt mạng hoặc bị thương do bom mìn.
Chính vì vậy, không chỉ rà phá bom mìn, mà theo ông Siegrfied Block - Quản lý chương trình của SODI, các tổ chức trên cùng chia sẻ chí hướng phải cải thiện lâu dài điều kiện sống của các nạn nhân mìn và cộng đồng của họ.
Dự án hơn 6 triệu euro của Chính phủ Đức này đã giúp xây dựng 3 làng tại huyện Cam Lộ và Triệu Phong cho 222 hộ gia đình. Dự án RENEW với nguồn vốn tài trợ từ Quỹ Tưởng niệm cựu chiến binh Mỹ chú trọng nhiều hơn đến giáo dục phòng tránh bom mìn và hỗ trợ cho nạn nhân bom mìn...
Bình luận (0)