Ở cách quê hương nửa vòng Trái đất, Hội Thanh niên - sinh viên Việt Nam vùng Boston (Mỹ) mở rộng đã ra đời, như chiếc cầu nối gắn kết những lưu học sinh Việt với nhau và với bạn trẻ trong nước.
Trao đổi với Nhịp sống trẻ, anh Huỳnh Thế Du - chủ tịch Hội Thanh niên - sinh viên Việt Nam vùng Boston mở rộng - tâm sự:
- Cuộc sống nơi đất khách quê người rất nhiều thách thức, nên hội được tổ chức để mỗi thành viên có điều kiện sống, học tập và làm việc thuận lợi hơn trên tinh thần anh em một nhà.
* Anh có thể nói rõ hoàn cảnh ra đời của hội?
|
- Hoạt động của cộng đồng du học sinh vùng Boston mở rộng đã có truyền thống từ lâu. Tuy nhiên, do chưa được tổ chức chính thức nên phong trào có lúc lên lúc xuống. Trước tình hình đó, những thành viên nòng cốt của hội đã hạ quyết tâm thành lập một tổ chức chính thức để duy trì và mở rộng các hoạt động của lưu học sinh nơi đây.
Với sự giúp đỡ nhiệt tình của Đại sứ quán Việt Nam tại Hoa Kỳ, nhân chuyến công tác đến Boston của Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh cùng đoàn cán bộ cao cấp của Nhà nước Việt Nam, Hội Thanh niên - sinh viên Việt Nam vùng Boston mở rộng đã chính thức được thành lập theo quyết định của Đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ và hoạt động từ ngày 13-2-2012.
* Trọng tâm hoạt động của hội là gì, thưa anh?
|
* Việc hỗ trợ này được thực hiện thông qua những hình thức nào?
- Thứ nhất, trang web www.sinhvienboston.org sẽ cung cấp các thông tin liên quan đến việc tìm kiếm cơ hội, kinh nghiệm du học, đời sống hằng ngày và cơ hội việc làm. Facebook group ở địa chỉ www.facebook.com/svhsboston sẽ như một diễn đàn mở, bạn trẻ thắc mắc hay gặp khó khăn có thể đưa lên để thảo luận trong cả cộng đồng.
Thứ hai, đối với những trường hợp cấp thiết, hội có thể cử người hỗ trợ trực tiếp hoặc đỡ đầu, nhất là đối với những bạn trẻ theo học bậc phổ thông ở bên này. Trong trường hợp mới sang, tạm thời chưa có chỗ ở hoặc cần những hỗ trợ khác thì các thành viên trong hội sẵn sàng giúp đỡ.
Thứ ba, chuỗi sự kiện hay hội thảo thường xuyên (VBCOOL) sẽ là nơi trao đổi kinh nghiệm tìm việc làm, cách thức học tập và cũng là nơi giới thiệu các cơ hội tuyển dụng (chủ yếu của các tổ chức trong nước). Mạng lưới cựu sinh viên sẽ hỗ trợ tích cực cho những bạn mới ra trường.
Thứ tư, các hoạt động cộng đồng như văn nghệ, thể thao, các sự kiện văn hóa dịp lễ tết... sẽ góp phần đoàn kết cộng đồng, làm vơi đi nỗi nhớ quê hương, góp phần nâng cao hiệu quả học tập và công việc.
* Việc kết nối với các tổ chức lưu học sinh khác, đặc biệt là các tổ chức trong nước, sẽ được hội tiến hành ra sao?
- Tên của hội có cụm từ nhiều ý nghĩa “Boston mở rộng”. Mở rộng có thể là từ bờ Đông cho tới bờ Tây của nước Mỹ, hay xa hơn thế. Chúng tôi sẵn sàng hợp tác và trao đổi kinh nghiệm với tất cả các tổ chức khác trong và ngoài nước, mà tập trung cụ thể ở hai việc sau.
Đó là hợp tác với các tổ chức trong nước, nhất là các doanh nghiệp để giới thiệu việc làm hay những hoạt động nghiên cứu... Hiện nay, hội đã có thỏa thuận hợp tác với Ngân hàng Công thương Việt Nam (VietinBank) và đang trong quá trình bàn thảo với một số tổ chức khác.
Ngoài ra, hội triển khai các mối hợp tác cụ thể thông qua đội ngũ cựu học viên đang có mặt rất nhiều nơi trên thế giới và khắp các vùng miền trong nước.
Theo Tuổi Trẻ
Bình luận (0)