Phát biểu tại Hội thảo Về an ninh hàng hải ở biển Đông do Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) của Mỹ tổ chức tại Washington hôm qua, thượng nghị sĩ John McCain kêu gọi Mỹ tăng cường hỗ trợ về quân sự và chính trị cho các nước Đông Nam Á nhằm đối phó với các động thái đơn phương, gây căng thẳng của Trung Quốc ở biển Đông.
AFP dẫn lời ông McCain nói Washington nên giúp đỡ các thành viên ASEAN phát triển và triển khai các hệ thống cơ bản như radar cảnh báo sớm và các tàu an ninh hàng hải tại những khu vực tranh chấp. Thượng nghị sĩ Mỹ thúc giục Washington sử dụng các biện pháp ngoại giao để giúp ASEAN giải quyết các tranh chấp của riêng họ và “thành lập một mặt trận thống nhất hơn”. Ông McCain cũng quy trách nhiệm trong những căng thẳng gần đây ở biển Đông cho “cách hành xử hung hăng” và “những tuyên bố chủ quyền vô căn cứ” của Trung Quốc.
|
Trung Quốc “sắp chạy thử tàu sân bay” Trung Quốc sẽ vận hành thử nghiệm tàu sân bay đầu tiên của nước này vào tuần tới, trong bối cảnh căng thẳng tăng cao ở biển Đông. Báo Hong Kong Commercial Daily hôm qua dẫn các nguồn tin quân sự giấu tên cho biết tàu này, được nâng cấp từ một xác tàu mua lại của Ukraine, sẽ được chạy thử trên biển vào ngày 1.7, nhân kỷ niệm 90 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Trung Quốc, và chính thức hạ thủy vào tháng 10. Các nguồn tin cho hay cuộc thử nghiệm được xúc tiến do những diễn biến căng thẳng ở biển Đông gần đây và quân đội Trung Quốc “hy vọng chiếc tàu sẽ phô trương sức mạnh của lực lượng hàng hải Trung Quốc”. Gần đây, Trung Quốc liên tục có động thái bị cho là phô trương sức mạnh như tập trận liên tục và cho tàu Hải tuần 31 băng ngang biển Đông để đến thăm Singapore. Nước này dường như cũng đã lộ ý định giải quyết tranh chấp chủ quyền tại biển Đông bằng vũ lực. Tờ Hoàn Cầu Thời Báo của Đảng Cộng sản Trung Quốc hôm qua đăng xã luận cảnh báo nếu không đạt được giải pháp hòa bình cho vấn đề biển Đông, Bắc Kinh sẽ “thực hiện bất kỳ biện pháp nào”, kể cả quân sự, để bảo vệ cái gọi là “quyền lợi” của họ. T.Q |
Trước đó, trong phiên đầu tiên của hội thảo hôm 20.6, nhiều học giả phản bác mạnh mẽ các lập luận của ông Tô Hạo - Phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu quốc tế thuộc Đại học Ngoại giao Bắc Kinh, về “cơ sở lịch sử” của bản đồ đường lưỡi bò 9 đoạn.
Ông Termsak Chalermpalanupap, Giám đốc phụ trách chính trị và an ninh của Ban Thư ký ASEAN, khẳng định: “Tôi không cho rằng Công ước của LHQ về Luật Biển (UNCLOS) công nhận lịch sử là cơ sở để tuyên bố chủ quyền”. Giáo sư Peter Dutton thuộc Đại học Hải quân Mỹ, cũng nói: “Về quyền tài phán đối với các vùng biển, lịch sử không liên quan gì cả mà phải tuân theo UNCLOS”.
Giáo sư Carl Thayer từ Học viện Quốc phòng Úc nhận định việc học giả Trung Quốc sử dụng “di sản lịch sử” để giải thích về tuyên bố chủ quyền ở biển Đông một lần nữa bộc lộ rằng họ thiếu cơ sở pháp lý quốc tế trong tuyên bố này.
Trong phiên thảo luận buổi chiều (rạng sáng qua, giờ VN), các học giả Bonnie Glaser của Mỹ, Trần Trường Thủy của Việt Nam, Ian Storey của Singapore và ông Thayer của Úc trình bày về các diễn biến gần đây trên biển Đông, đưa ra cách giải thích cho các sự kiện này.
Trước câu hỏi của đại biểu Trung Quốc về việc tại sao các vụ việc giữa tàu Trung Quốc và tàu thăm dò của Việt Nam lại xảy ra vào thời điểm này, tiến sĩ Trần Trường Thủy của Học viện Quan hệ quốc tế Việt Nam nói: “Đây cũng là câu hỏi của chúng tôi. Tại sao tàu Trung Quốc lại cắt cáp tàu thăm dò của Việt Nam vào thời điểm ngay trước khi diễn ra nhiều sự kiện quan trọng như Hội nghị Shangri-La?”.
Cũng trong hôm qua, tờ Malaya của Philippines đưa tin hai dân biểu nước này là Teddy Casino và Neri Colmenares đã đệ trình lên Hạ viện một dự thảo nghị quyết đòi mở cuộc điều tra về những hành vi xâm phạm của Trung Quốc vào khu vực mà Manila tuyên bố chủ quyền tại biển Đông.
Trong một diễn biến khác, sau buổi hội đàm tại Washington hôm 21.6, các Bộ trưởng Quốc phòng Robert Gates của Mỹ và Toshimi Kitazawa của Nhật Bản ra tuyên bố chung kêu gọi Trung Quốc hành xử có trách nhiệm đối với sự ổn định tại khu vực.
Trùng Quang - TTXVN
Bình luận (0)