Sáng 20.8, tại TP.HCM, UBND tỉnh Bình Định phối hợp với Trung tâm nghiên cứu bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc, Hội Nghệ sĩ sân khấu VN tổ chức hội thảo “Kỷ niệm 170 năm năm sinh danh nhân văn hóa Đào Tấn” với sự đóng góp tham luận của nhiều nhà nghiên cứu văn hóa và nghệ sĩ.
Đáng chú ý là đề xuất của GS Hoàng Chương về việc lập hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận Đào Tấn là danh nhân văn hóa thế giới, đề xuất của thạc sĩ Nguyễn Thị Việt Nga (ĐH Văn hóa TP.HCM): cần chuyển ngữ các vở tuồng của Đào Tấn sang tiếng Anh nhằm phát huy giá trị tuồng Đào Tấn trong bối cảnh quốc tế hóa hiện nay, đồng thời phục vụ du lịch…
Đào Tấn (1845 - 1907), quê H.Tuy Phước (Bình Định), làm quan trải qua 3 đời vua: Tự Đức, Đồng Khánh, Thành Thái. Sự nghiệp của ông chói sáng ở lĩnh vực văn chương với hơn 1.000 bài thơ và khoảng 40 vở tuồng, tiêu biểu là các vở: Khuê các anh hùng, Hộ sanh đàn, Diễn võ đình, Quan Công hồi cổ thành, Trầm hương các, Hoàng Phi Hổ phá giới bài quan... và tập Hý trung tùy bút.
Đào Tấn được giới sân khấu tuồng VN tôn là “Hậu Tổ”. Nhân dịp này, UBND tỉnh Bình Định đã khởi công xây dựng đền thờ ông tại làng Vinh Thạnh, xã Phước Lộc (nơi ông sinh ra và qua đời) trên khu đất rộng 5.000 m2, tổng kinh phí ước tính 10 tỉ đồng từ ngân sách tỉnh, huyện Tuy Phước hỗ trợ và huy động từ các nguồn khác.
Bình luận (0)