Trong báo cáo đề dẫn hội thảo, ông Mai Văn Chính, Phó trưởng Ban Tổ chức T.Ư, cho biết trong 30 năm đổi mới, mô hình tổ chức và phương thức hoạt động của MTTQ lộ nhiều hạn chế, yếu kém, bất cập: cơ cấu tổ chức, bộ máy còn cồng kềnh, bất hợp lý, kém hiệu quả; trên một số lĩnh vực chức năng, nhiệm vụ chưa được tách bạch rõ ràng, đòi hỏi MTTQ và các đoàn thể phải tiếp tục đổi mới, hoàn thiện mô hình tổ chức và phương thức hoạt động.
Mặt khác, cho đến nay, lý luận về tổ chức và phương thức hoạt động MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội chưa được nghiên cứu nhiều, ảnh hưởng đến chất lượng công tác tham mưu của các ban Đảng về xây dựng tổ chức bộ máy và quy định phương thức hoạt động của MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội.
Do đó, cả về lý luận và thực tiễn cho thấy rất cần có những nghiên cứu, lý luận và đánh giá thực tiễn, từ đó đề xuất nhằm đổi mới mô hình tổ chức bộ máy và phương thức hoạt động của MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội theo hướng tinh gọn, rõ chức năng nhiệm vụ, không chồng chéo, hoạt động thiết thực và hiệu quả, đề cao tính tự chủ, chủ động thực hiện vai trò cầu nối giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân.
"Xác định được tầm quan trọng của vấn đề này, Ban Tổ chức T.Ư đã triển khai nghiên cứu trong 12 tháng với sự tham gia của rất nhiều nhà khoa học, nhà lãnh đạo, quản lý và các nội dung được đưa ra phân tích, đánh giá trên nhiều phương diện khoa học", ông Chính cho hay.
Theo đó, nghiên cứu đã đề xuất các nhóm giải pháp và 4 phương án đổi mới mô hình tổ chức cũng như phương thức hoạt động của MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội.
Tại hội thảo, các đại biểu đã đi sâu vào phân tích thực trạng mô hình tổ chức và phương thức hoạt động của MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội, từ đó góp ý đề xuất các giải pháp đổi mới mô hình tổ chức và phương thức hoạt động của MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội.
Bình luận (0)