Hội thi “Ánh sáng thời đại” lần V: Thu hút nhà giáo trẻ

14/05/2012 09:02 GMT+7

Hội thi tìm hiểu chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh “Ánh sáng thời đại” lần V (phần thi tập thể) dành cho đội ngũ giảng viên, giáo viên trẻ không chuyên đang tiến dần đến trận chung kết.

Trận chung kết xếp hạng sẽ diễn ra tối 18-5 với sự có mặt của ba đội Quận 11, Trường ĐH Lao động xã hội và Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM).

Tự hào nhà giáo trẻ

Ngoài những kiến thức của các môn khoa học chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và những vấn đề xã hội khác được đưa vào nội dung tranh tài, phần thi “Tự hào nhà giáo trẻ” tạo được sự hấp dẫn riêng. Đây là phần thi thể hiện những hoạt động, sinh hoạt của nhà giáo trẻ tại đơn vị, đặc biệt là các phương pháp giảng dạy hiệu quả, tích cực.

 Thu hút nhà giáo trẻ
Vở kịch Thầy Lâm number 1 của đội thi Quận 11 tại trận chung kết bảng A vào tối 10-5 -  Ảnh: K.Anh

Đội Quận 11 lấy câu chuyện đời thật của người thầy dạy môn lịch sử nhiều năm liền làm chủ nhiệm lớp và dành nhiều tình yêu thương, gần gũi học trò (vở Thầy Lâm number 1). Cả đội động viên mãi thầy Nguyễn Cao Lâm mới chịu vào vai diễn về mình. Chỉ vì đi tìm cậu học trò đã bỏ lớp mà đêm hôm thầy phải vào con hẻm khét tiếng và bị bọn giật dọc gây thương tích...

“Trường tôi học trò nghèo nhiều lắm nên có khi vì hoàn cảnh mà các em bỏ học, tôi phải đến tận nhà vận động gia đình cho các em trở lại trường. Tôi cũng xin ban giám hiệu nhà trường miễn, giảm học phí cho các em” - thầy Lâm bộc bạch. Không chỉ trong đoạn kịch mà ở ngôi Trường THCS Nguyễn Văn Phú, nhiều học trò xem thầy như người thân thiết để gần gũi, sẻ chia, tâm sự và để được thầy truyền thêm động lực phấn đấu học tập.

Còn đội Trường ĐH Lao động xã hội lại đem đến hình ảnh cô giáo Đinh Thị Tâm (khoa công tác xã hội). Ngoài việc là người giảng viên được nhiều SV yêu quý, cô còn dành thời gian đến với những mảnh đời bất hạnh, đến với những lớp học tình thương chia sẻ tình yêu thương dành cho các em nhỏ sớm vào đời mưu sinh nhọc nhằn. Hình ảnh xúc động của người giảng viên trẻ đã thuyết phục ban giám khảo chấm điểm rất cao cho đội ở phần thi này.

Cũng vậy, đội thi Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM) đã đưa đến khán giả hình ảnh giảng viên trẻ Trương Lâm Sơn Hải (khoa hóa). Hoạt cảnh như cuốn nhật ký khái quát quãng đường phấn đấu của chàng SV tỉnh lẻ với thành tích SV ba tốt, tích cực tham gia tình nguyện Mùa hè xanh, rồi trở thành người giảng viên tiêu biểu với nhiều giải thưởng cao quý... Trong “cuốn nhật ký” ấy, thầy Hải đã dành nhiều tâm huyết cho việc khơi gợi tình yêu khoa học trong SV của khoa, của trường.

Vận dụng vào bài giảng

Tuy dạy về pháp luật nhưng thầy Thanh Vũ, đội trưởng đội Trường ĐH Lao động xã hội, vẫn vận dụng được những điều mình nghiên cứu được từ chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh. “Tôi giúp SV nắm bắt về thế giới quan và phương pháp luận, từ đó có nền tảng cho các môn học khác. Còn tư tưởng của Bác được tôi lồng ghép vào những tiết giảng để các em biết những đức tính và lời dạy của Bác. Các em phải biết rèn luyện tài và đức luôn phải đi đôi với nhau như Bác từng căn dặn” - thầy Vũ chia sẻ.

Là giảng viên môn hóa, tưởng chừng những bài giảng của giảng viên trẻ Trương Lâm Sơn Hải (ĐH Khoa học tự nhiên) sẽ khô khan, nhưng không ngờ thầy Hải lại lồng ghép những bài học về tư tưởng Hồ Chí Minh rất nhẹ nhàng. “Tôi rất say mê tìm hiểu về tư tưởng Hồ Chí Minh. Nhưng vì môn dạy của mình là khoa học thực nghiệm nên khi lồng ghép những lời Bác dạy, tôi nói các SV nên trung thực trong khoa học và nuôi dưỡng tinh thần tự học như Bác từng làm” - thầy Hải cho biết.

Đứng lớp dạy học trò cấp II nên thầy Lâm không thể đưa nguyên lý, học thuyết vào bài giảng, nhưng những lời Bác dạy đối với tuổi học trò lại được thầy đưa vào những tiết giảng lịch sử của mình. Thầy Lâm bày tỏ: “Hướng các em đến việc thực hiện những lời Bác dạy cũng là cách để các em nỗ lực rèn luyện và vượt qua khó khăn thực hiện những hoài bão đẹp”.

Hội thi tuy là sân chơi của những nhà giáo trẻ nhưng cũng là dịp để các HSSV tìm hiểu thêm những môn khoa học chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh khi tham gia cổ vũ các thầy cô. “Tôi cũng học được nhiều từ những giải thích của ban giám khảo. Tôi đang học môn triết nên đến đây xem thấy dễ hiểu và dễ nhớ hơn” - bạn Nguyễn Thị Thu Hường, SV năm 1 Trường CĐ Công nghệ Thủ Đức, cho biết.

Theo Tuổi Trẻ

>> Đã có giáo trình giảng dạy môn học Mác-Lênin và Tư tưởng Hồ Chí Minh bằng phim, ảnh
>> Quy chế mới về đào tạo ĐH-CĐ hệ chính quy: "Nới" cho sinh viên
>> Ghi nhớ hiệu quả môn khoa học xã hội  

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.