‘Hối tiếc sau chuyển giới’: băng chìm, băng nổi

27/09/2024 15:00 GMT+7

‘Hối tiếc sau khi chuyển giới’ thường được hiểu là cảm giác không hài lòng hoặc thất vọng mà một số người chuyển giới trải nghiệm sau quá trình định giới. Mặc dù đây là một chủ đề gây tranh cãi, các nghiên cứu khoa học và kinh nghiệm lâm sàng cho thấy rằng những trường hợp này chỉ chiếm một tỷ lệ nhỏ và thường có những nguyên nhân cụ thể. Nhưng để gây ra tình trạng này chắc chắn có nhiều nguyên nhân.

Bài viết lấy cảm hứng từ thông điệp của chiến dịch truyền thông toàn cầu Free and Equal của Liên Hợp Quốc mong muốn chia sẻ một góc nhìn toàn diện để giúp độc giả có hình dung rõ hơn về những trải nghiệm đặc thù của người chuyển giới.

‘Hối tiếc sau chuyển giới’: băng chìm, băng nổi- Ảnh 1.

Nguồn ảnh: Pinterest

Thực trạng người chuyển giới cảm thấy hối tiếc hiện nay

Các nghiên cứu gần đây đã chỉ ra rằng tỷ lệ người chuyển giới cảm thấy hối tiếc sau khi hoàn tất quá trình chuyển giới là rất thấp. Theo một nghiên cứu của Đại học Brandeis (2021), chỉ khoảng 1-2% số người chuyển giới cảm thấy hối tiếc sau khi chuyển đổi giới tính, con số này tương đối thấp so với các phẫu thuật thẩm mỹ hay can thiệp y tế khác.

Việc nhầm lẫn giữa "hối tiếc" với những cảm xúc tiêu cực tạm thời như "nghi ngờ" hoặc "không hài lòng" là điều cần tránh. Nhiều người chuyển giới có thể trải qua những khó khăn trong quá trình chuyển đổi, nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc họ hối tiếc về quyết định của mình. Bằng cách hiểu rõ hơn về những nguyên nhân dẫn đến hối tiếc, chúng ta có thể hỗ trợ cộng đồng người chuyển giới một cách tốt hơn và tạo ra một xã hội bình đẳng hơn.

Hối tiếc sau chuyển giới - Nguyên nhân do đâu?

Hối tiếc sau khi chuyển giới có thể bắt nguồn từ nhiều yếu tố liên quan đến tâm lý, xã hội và y tế.

  • Yếu tố tâm lý

Đây là yếu tố đóng vai trò trọng yếu trong việc quyết định cảm giác thỏa mãn hay không thỏa mãn với quá trình chuyển giới. Các nghiên cứu cho thấy những người có rối loạn tâm thần như trầm cảm hoặc lo âu trước khi chuyển giới có nguy cơ cao hơn cảm thấy hối tiếc sau quá trình này (Lawrence, 2003). Những rối loạn này không chỉ gây ra cảm giác không hài lòng với bản thân mà còn làm tăng nguy cơ xuất hiện những suy nghĩ tiêu cực về kết quả chuyển giới.

Khi những vấn đề này không được xử lý đầy đủ trước khi tiến hành quá trình chuyển giới, chúng có thể tiếp tục ảnh hưởng tiêu cực đến cảm xúc và nhận thức của họ sau khi chuyển đổi (Lawrence, 2003). Do đó, việc đánh giá tâm lý kỹ lưỡng trước khi quyết định chuyển giới là rất quan trọng để đảm bảo sự hài lòng sau khi chuyển đổi.

‘Hối tiếc sau chuyển giới’: băng chìm, băng nổi- Ảnh 2.

Nguồn ảnh: Pinterest

  • Đối với yếu tố y tế

Sự thiếu hụt các dịch vụ y tế chuyên biệt và chi phí cao cho các thủ thuật chuyển giới là một trong những yếu tố khác dẫn đến hối tiếc. Khi không có điều kiện tiếp cận các dịch vụ nội tiết, phẫu thuật, hay tư vấn tâm lý phù hợp, người chuyển giới có thể không đạt được những kết quả như mong đợi. Một nghiên cứu tại Anh cho thấy người chuyển giới thường gặp khó khăn trong việc tiếp cận dịch vụ y tế, đặc biệt là tại các vùng xa xôi hoặc không có các cơ sở y tế chuyên biệt (McNeil et al., 2012).

Nỗi lo của những người chuyển giới cũng xuất phát từ chính trải nghiệm của họ khi tiếp xúc với một số nhân viên y tế không mấy thân thiện. Nhiều người chuyển giới cho biết họ bị bác sĩ đánh giá, thậm chí chẩn đoán sai dựa trên định kiến giới. Ví dụ, một số người bị bác sĩ cho rằng họ có "vấn đề về tư tưởng" hoặc "bệnh tâm thần" thay vì lắng nghe và thấu hiểu những khó khăn mà họ đang trải qua. Việc thiếu hiểu biết và sự kỳ thị từ phía nhân viên y tế đã khiến nhiều người chuyển giới cảm thấy không an toàn và ngại ngùng khi đến bệnh viện.

Không chỉ vậy, nhiều người chuyển giới tại Việt Nam, đặc biệt là những người quyết định sử dụng hormone, không được tiếp cận với các bác sĩ chuyên khoa và thông tin chính xác do dịch vụ y tế dành cho người chuyển giới vẫn chưa đáp ứng thực tiễn. Điều này dẫn đến những kỳ vọng không thực tế và tăng nguy cơ gặp phải các vấn đề sức khỏe. Nghiên cứu của Viện iSEE năm 2017 cho thấy có 59,6% người chuyển giới sử dụng hormone chưa từng được khám và tư vấn trước đó, trong khi đó, một tỷ lệ đáng kể khoảng 30% lại phải dựa vào thông tin từ những người kinh doanh hormone. Thực trạng này không chỉ làm gia tăng nguy cơ hối tiếc mà còn đặt ra nhiều rủi ro cho sức khỏe của người chuyển giới.

Nghiên cứu của Murad et al. (2010) đã chỉ ra rằng việc cung cấp thông tin đầy đủ và chính xác, cùng với quá trình tư vấn toàn diện, có thể giảm thiểu đáng kể nguy cơ hối tiếc.

  • Yếu tố xã hội

Xã hội cũng đóng vai trò không kém phần quan trọng trong việc hình thành cảm giác hối tiếc sau khi chuyển giới. Kỳ thị và phân biệt đối xử là những yếu tố gây áp lực nặng nề cho người chuyển giới.

Một nghiên cứu của James và cộng sự (2016) cho thấy rằng 40% người chuyển giới ở Mỹ đã từng nghĩ đến việc tự tử do cảm giác bị cô lập và không được chấp nhận. Sự kỳ thị từ xã hội, gia đình, hoặc nơi làm việc có thể làm gia tăng cảm giác hối tiếc. Vì người chuyển giới không chỉ phải đối mặt với những thách thức nội tâm mà còn phải đương đầu với sự từ chối từ xã hội. Góp phần làm gia tăng sức ảnh hưởng của yếu tố này.

Các phương tiện truyền thông thường phóng đại các trường hợp hối tiếc sau khi chuyển giới, tạo ra những hiểu lầm và định kiến sai lầm về quá trình này. Các câu chuyện về hối tiếc được thổi phồng, mặc dù số liệu thống kê cho thấy tỷ lệ này rất thấp so với những người chuyển giới cảm thấy hài lòng với quyết định của mình (Murad et al., 2010).

Nói tóm lại thì tình trạng người chuyển giới cảm thấy hối tiếc mặc dù tỷ lệ không cao nhưng cũng phần nào giúp chúng ta thấy được sức ảnh hưởng không hề nhỏ từ môi trường xã hội lên tâm lý của một người chuyển giới. Để tình trạng này ngày càng giảm thiểu, cách tốt nhất chính là thấu hiểu, cảm thông và chung tay giúp đỡ những người mới chuyển giới hòa nhập với cộng đồng.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.