Những đạo luật đó là: Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Luật Tố tụng hành chính, Luật An toàn thực phẩm, Luật Thi hành án hình sự, Luật Chứng khoán (sửa đổi), Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi); Luật Thanh tra (sửa đổi), Luật Khoáng sản (sửa đổi).
Tử hình bằng tiêm thuốc độc: Luật cho phép, nhưng chưa thực hiện được
Đáng chú ý nhất trong các đạo luật bắt đầu có hiệu lực là Luật Thi hành án hình sự. Luật này gồm 15 chương, 182 điều. Điểm mới của Luật Thi hành án hình sự là việc thay đổi hình thức thi hành án tử hình bằng việc tiêm thuốc độc thay cho xử bắn như hiện nay. Luật mới cũng quy định chánh án toà án đã xét xử sơ thẩm vụ án được quyền quyết định cho thân nhân người bị thi hành án tử hình được phép nhận tử thi về an táng nếu có đơn yêu cầu và có cam kết bảo đảm yêu cầu về an ninh trật tự, vệ sinh môi trường và tự chịu chi phí.
Tuy nhiên, theo thông tin từ cơ quan thi hành án hình sự, trên thực tế, việc thi hành án tử hình bằng tiêm thuốc độc vẫn chưa thể thực hiện được bởi các cơ sở vật chất như phòng tiêm thuốc độc chưa được đầu tư nên chưa thể thực hiện được quy định mới
của luật.
Dân có quyền kiện thẳng cơ quan nhà nước ra toà
Luật Tố tụng hành chính có hiệu lực từ 1.7 cũng có quy định: Khi người dân không đồng tình với những quyết định hành chính, hành vi hành chính của cơ quan nhà nước thì có quyền lựa chọn 1 trong 2 phương thức, hoặc là tiếp tục khiếu nại lên cấp trên hoặc kiện thẳng cơ quan nhà nước ra toà để yêu cầu hủy quyết định hành chính mà không phải khiếu nại đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần đầu rồi mới có quyền khởi kiện ra toà án.
Phải niêm yết công khai giá hàng hoá
Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng quy định: Tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hoá, dịch vụ có trách nhiệm niêm yết công khai giá hàng hoá, dịch vụ; cảnh báo khả năng hàng hoá, dịch vụ có ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, tính mạng, tài sản của người tiêu dùng và các biện pháp phòng ngừa... Luật cũng đã có riêng một chương quy định các phương thức giải quyết tranh chấp giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hoá, dịch vụ, bao gồm: Thương lượng; hoà giải; trọng tài và toà án.
Đặc biệt, khi thực hiện khởi kiện để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, người tiêu dùng không có nghĩa vụ chứng minh lỗi của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hoá, dịch vụ và miễn tạm ứng án phí... Mặt khác, luật cũng xác định vị trí, vai trò của tổ chức xã hội trong bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng như quyền khởi kiện vì lợi ích cộng đồng của tổ chức bảo vệ người tiêu dùng. Tổ chức này cũng được Nhà nước cấp kinh phí và các điều kiện khác khi thực hiện nhiệm vụ.
Quy định về thức ăn đường phố
Luật An toàn thực phẩm (ATTP) gồm 11 chương và 72 điều, quy định quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân trong vấn đề bảo đảm ATTP. Luật đã chính thức thừa nhận thức ăn đường phố là một loại hình kinh doanh đặc biệt và hiện là đối tượng gây ngộ độc thực phẩm cao nhất, vì vậy luật đã đưa ra một mục riêng quy định về điều kiện bảo đảm an toàn trong kinh doanh thức ăn đường phố.
Doanh nghiệp phải trích lập quỹ bảo vệ người được bảo hiểm
Điểm mới trong Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) là quy định: Doanh nghiệp phải trích quỹ bảo vệ người được bảo hiểm. Quỹ này được trích lập trên phí bảo hiểm của doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm, là hình thức bảo đảm an toàn, bảo vệ quyền lợi cho người tham gia bảo hiểm trong trường hợp doanh nghiệp bảo hiểm gặp khó khăn về tài chính, mất khả năng thanh toán.
|
Cơ quan thanh tra có quyền chủ động tiến hành thanh tra
Luật Thanh tra (sửa đổi) đã quy định phân cấp mạnh mẽ hơn cho cơ quan thanh tra, bảo đảm cho cơ quan thanh tra được chủ động và tự chịu trách nhiệm về các hoạt động, quyết định của mình.
Cụ thể, luật đã xác định rõ trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, cơ quan thanh tra có quyền chủ động tiến hành thanh tra theo kế hoạch thanh tra đã được phê duyệt; trường hợp phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật thì thủ trưởng cơ quan thanh tra có quyền quyết định thanh tra và chịu trách nhiệm về quyết định của mình mà không phải chỉ tiến hành thanh tra theo yêu cầu của thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp.
Thủ trưởng cơ quan thanh tra có quyền yêu cầu thủ trưởng cơ quan chuyên môn cùng cấp hoặc chủ tịch uỷ ban nhân dân cấp dưới trực tiếp tiến hành thanh tra khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật, nếu các chủ thể này không đồng ý thanh tra thì thủ trưởng cơ quan thanh tra có quyền quyết định việc tiến hành thanh tra đối với vụ việc đó.Thủ trưởng cơ quan thanh tra cũng có quyền thanh tra lại đối với các vụ việc thanh tra đã được thủ trưởng cơ quan chuyên môn cùng cấp kết luận khi được thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp giao hoặc tự mình quyết định việc thanh tra lại đối với vụ việc thanh tra đã được chủ tịch uỷ ban nhân dân cấp dưới trực tiếp kết luận khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật.
Theo Lao Động
Bình luận (0)