Sẽ ra sao nếu không có ngày nhuận, năm nhuận?
Theo trang Livescience, năm nhuận là những năm có 366 ngày theo lịch thay vì 365 ngày như bình thường. Chúng diễn ra vào năm thứ tư theo lịch Gregory, loại lịch được phần lớn thế giới sử dụng. Ngày bổ sung, được gọi là ngày nhuận, chính là ngày 29.2. Ngày này, sẽ không tồn tại trong những năm không nhuận.
Mỗi năm chia hết cho 4, chẳng hạn như 2020, 2024, 2028…đều là năm nhuận. Tuy nhiên, năm nào có số năm chia hết cho 100, nhưng không chia hết cho 400 không phải là năm nhuận, ví dụ như các năm 1700, 1800, 1900, 2100… Điều này đồng nghĩa, những năm đó chỉ có 365 ngày và không phải lúc nào cứ 4 năm cũng sẽ có một năm nhuận.
Chuyên gia cho rằng năm nhuận rất quan trọng, bởi nếu không có chúng thì năm của chúng ta sẽ rất khác. Năm nhuận tồn tại bởi vì một năm trong lịch Gregory ngắn hơn một chút so với khoảng thời gian cần thiết để trái đất quay hoàn toàn một vòng quanh mặt trời.
Vì sao 4 năm mới có một ngày nhuận 29.2?
Theo đó, một năm trong lịch Gregory dài chính xác là 365 ngày, nhưng thời gian cần thiết để trái đất quay hoàn toàn một vòng quanh mặt trời khoảng 365,24 ngày hay 365 ngày, 5 giờ, 48 phút và 56 giây.
Nếu chúng ta không tính đến sự khác biệt này thì cứ mỗi năm vượt qua khoảng cách giữa dương lịch và thời gian trái đất quay quanh một vòng mặt trời sẽ chênh lệch 5 giờ, 48 phút và 56 giây. Theo thời gian, điều này sẽ thay đổi thời gian của các mùa.
“Ví dụ nếu chúng ta ngừng sử dụng năm nhuận thì trong khoảng 700 năm nữa, mùa hè ở bắc bán cầu sẽ bắt đầu vào tháng 12 thay vì tháng 6. Việc thêm ngày nhuận 29.2 vào mỗi năm thứ 4 sẽ loại bỏ phần lớn vấn đề này vì một ngày thêm có độ dài bằng khoảng chênh lệch tích lũy trong thời gian này. Nhìn chung, nhờ có năm nhuận mà lịch Gregory vẫn đồng bộ với hành trình vòng quanh mặt trời của trái đất”, Livescience cho biết.
Tại sao ngày nhuận là 29.2?
Theo Livescience, ý tưởng về năm nhuận có từ năm 45 trước công nguyên, khi hoàng đế La Mã cổ đại Julius Caesar thiết lập lịch Julian, bao gồm 365 ngày được chia thành 12 tháng mà chúng ta vẫn sử dụng trong lịch Gregorian. (Tháng 7 và tháng 8 ban đầu được đặt tên lần lượt là Quintilis và Sextilis nhưng sau đó được đổi tên theo Julius Caesar và người kế vị Augustus.)
Theo Đại học Houston, lịch Julian bao gồm các năm nhuận 4 năm một lần mà không có ngoại lệ và được đồng bộ hóa với các mùa trên trái đất nhờ "năm nhầm lẫn cuối cùng" vào năm 46 trước công nguyên, bao gồm 15 tháng tổng cộng là 445 ngày .
Trong nhiều thế kỷ, lịch Julian dường như hoạt động hoàn hảo. Nhưng đến giữa thế kỷ 16, các nhà thiên văn học nhận thấy rằng các mùa bắt đầu sớm hơn khoảng 10 ngày so với dự kiến khi những ngày lễ quan trọng, chẳng hạn như lễ Phục sinh, không còn khớp với các sự kiện cụ thể, chẳng hạn xuân phân. Để khắc phục điều này, Giáo hoàng Gregory XIII đã giới thiệu lịch Gregorian vào năm 1582, giống như lịch Julian nhưng loại trừ các năm nhuận ngoại lệ như đã nêu ở trên.
Trong nhiều thế kỷ, lịch Gregorian chỉ được sử dụng ở các nước Công giáo, chẳng hạn như Ý và Tây Ban Nha, nhưng cuối cùng nó đã được một số nước khác, chẳng hạn như vương quốc Anh áp dụng vào năm 1752, khi năm của họ bắt đầu khác xa so với các nước Công giáo. Vì sự khác biệt giữa các lịch, các quốc gia sau này chuyển sang lịch Gregory đã phải bỏ qua nhiều ngày để đồng bộ hóa với phần còn lại của thế giới.
Trước đó, vào thế kỷ thứ 8 trước Công nguyên, lịch La Mã chỉ có 10 tháng, bắt đầu từ tháng 3 và kết thúc vào tháng 12. Mùa đông lạnh giá bị bỏ qua, không có tháng nào để biểu thị điều đó. Nhưng lịch này chỉ có 304 ngày nên tháng một và tháng hai cuối cùng được thêm vào. Giống như tháng trước, tháng hai có ít ngày nhất. Vào vào khoảng năm 450 trước công nguyên, tháng giêng được coi là tháng đầu tiên của năm mới.
“Khi Giáo hoàng Gregory XIII thêm ngày nhuận vào lịch Gregory năm 1582, ông đã chọn tháng hai vì đây là tháng ngắn nhất, khiến nó dài hơn một ngày trong những năm nhuận”, Livescience thông tin.
Bình luận (0)