Hơn 10 năm can thiệp mạch, 12.000 bệnh nhân được cứu sống

26/04/2024 16:19 GMT+7

Triển khai kỹ thuật can thiệp mạch từ năm 2013, đến nay, Bệnh viện đa khoa Trung ương Cần Thơ đã can thiệp, cứu sống hơn 12.000 ca. Qua đó, đưa kỹ thuật này trở thành một thế mạnh trong cấp cứu, điều trị cho bệnh nhân.

Sự phát triển của can thiệp mạch

Năm 2013, Bệnh viện đa khoa (BVĐK) Trung ương Cần Thơ triển khai ca can thiệp mạch vành đầu tiên. Cho đến nay, bệnh viện đã can thiệp cứu sống hơn 12.000 bệnh nhân, phần lớn ở khu vực ĐBSCL, trong đó có nhiều bệnh nhân người nước ngoài đến Cần Thơ du lịch, công tác.

BVĐK Trung ương Cần Thơ là

BVĐK Trung ương Cần Thơ là "đầu tàu" của y tế miền Tây

ẢNH: KIM NGÂN

Ông Alsen Alphonse (90 tuổi, du khách người Bỉ) bị nhồi máu cơ tim, được các bác sĩ BVĐK Trung ương Cần Thơ can thiệp mạch vành cứu sống, nhận xét: "Tôi chưa từng nghĩ một ngày mình sẽ phải điều trị can thiệp tại bệnh viện ở Việt Nam. Tuy nhiên, bệnh của tôi đến đột ngột và tôi được đưa vào bệnh viện này. Các bác sĩ ở đây rất nhiệt tình, trình độ chuyên môn rất tốt đã giúp tôi qua cơn nguy kịch và khỏe trở lại. Tôi thực sự xúc động và cảm ơn với những gì mọi người Việt Nam xung quanh đây dành cho mình".

Điều đáng mừng là kỹ thuật can thiệp mạch không ngừng phát triển, hoàn thiện. Bên cạnh can thiệp mạch vành, những ca can thiệp mạch não, mạch tạng cũng được phát triển theo hướng chuyên sâu, đồng bộ ở các chuyên khoa của BVĐK Trung ương Cần Thơ, như: Chẩn đoán hình ảnh, Đột quỵ, Ngoại thần kinh, Ngoại lồng ngực - mạch máu, Ngoại tổng hợp.

Chỉ tính riêng năm 2023, các bác sĩ BVĐK Trung ương Cần Thơ đã thực hiện hơn 2.000 ca can thiệp mạch vành; gần 600 ca can thiệp mạch não điều trị các bệnh lý chuyên khoa đột quỵ; hơn 200 ca các bệnh lý khác như: chụp nút mạch điều trị ung thư gan (TACE), can thiệp cầm máu nút mạch các tạng: gan, thận, lách…

"Cứu tinh" của nhiều ca bệnh khó nguy kịch

Sự phát triển mạnh mẽ có kỹ thuật can thiệp mạch đã giúp BVĐK Trung ương Cần Thơ điều trị thành công và cứu sống rất nhiều ca bệnh lý nặng, nguy kịch. Như trường hợp bệnh nhân sốc mất máu nguy kịch do xuất huyết tiêu hóa từ ruột non hiếm gặp. Một trường hợp khác là xuất huyết tự phát mức độ nặng hiếm gặp trên bệnh nhân nhiễm SARS-CoV-2. Cùng với đó là rất nhiều ca đột quỵ hay vỡ gan, thận, lách do tai nạn… Đó là một số trong hàng ngàn trường hợp điển hình được các bác sĩ BVĐK Trung ương Cần Thơ cứu sống nhờ vào kỹ thuật can thiệp nội mạch và phối hợp nhiều chuyên khoa.

Cũng trong điều trị, trước đây, phẫu thuật vẫn luôn được xem là phương pháp duy nhất đối với những trường hợp có giả phình mạch tạng vỡ hoặc chưa vỡ thì hiện nay, sự phát triển của các kỹ thuật can thiệp nội mạch đã làm thay đổi các phương pháp điều trị cổ điển. Can thiệp nội mạch dần được ưu tiên khi được xem là phương pháp an toàn và hiệu quả trong việc loại bỏ ổ giả phình, cũng như có thể bảo tồn tối đa mạch máu bệnh lý, ít biến chứng, giúp bệnh nhân rút ngắn thời gian nằm viện và hồi phục nhanh hơn.

Hơn 10 năm can thiệp mạch, 12.000 bệnh nhân được cứu sống- Ảnh 2.

ẢNH: KIM NGÂN

Ê kíp can thiệp mạch vành của BVĐK Trung ương Cần Thơ can thiệp cấp cứu

Ê kíp can thiệp mạch vành của BVĐK Trung ương Cần Thơ can thiệp cấp cứu

ẢNH: KIM NGÂN

Vai trò của can thiệp mạch càng cần thiết khi tình trạng chảy máu vẫn tiếp diễn sau điều trị nội khoa và nội soi cầm máu. Và can thiệp nội mạch chính là một trong những phương pháp nhanh, hiệu quả và an toàn khi các bác sĩ có thể chẩn đoán chính xác và can thiệp vào mạch máu đang bị xuất huyết, từ đó xử trí nhanh, xâm lấn tối thiểu và hạn chế các tác dụng phụ không mong muốn.

Tiếp tục đẩy mạnh đầu tư cho chuyên môn

Có thể nói, kể từ khi can thiệp nội mạch được triển khai thường quy tại BVĐK Trung ương Cần Thơ, đã đem lại những lợi ích, hiệu quả tối ưu trong việc điều trị các bệnh lý liên quan đến mạch máu. Điều này thể hiện rõ nhất ở những ca cấp cứu đột qụy, nhồi máu cơ tim vốn phải chắt chiu từng phút, từng giây.

Đặc biệt, tháng 5.2023, khoa Đột quỵ BVĐK Trung ương Cần Thơ đạt Chứng nhận Bạch kim trong điều trị đột quỵ, sau khi vượt qua các tiêu chuẩn khắt khe và nghiêm ngặt của Hội Đột quỵ thế giới.

Hiện tại, với 3 ê kíp can thiệp đột quỵ cùng với các phương tiện hiện đại như: 2 hệ thống máy CTScan, 2 hệ thống máy MRI (trong đó có một hệ thống MRI 3.0 Tesla), 2 hệ thống máy DSA (chụp mạch số hóa xóa nền) dùng cho can thiệp mạch máu, BVĐK Trung ương Cần Thơ có thể triển khai can thiệp đồng thời cho nhiều ca cấp cứu. Điều này là vô cùng ý nghĩa khi những ca cấp cứu không phải chờ đợi hay mất 3 đến 4 giờ vàng để chuyển lên tuyến trên. Điều đó cũng có nghĩa là cơ hội cứu sống bệnh nhân cao hơn.

BS.CK2 Phạm Thanh Phong, Phó giám đốc BVĐK Trung ương Cần Thơ, cho biết bên cạnh việc thúc đẩy phát triển chuyên sâu can thiệp nội mạch nói chung, bệnh viện sẽ mở rộng khoa Đột quỵ và phát triển dự án thành lập Trung tâm Đột quỵ trong thời gian tới để đáp ứng nhu cầu điều trị ngày càng tăng của người dân ĐBSCL; đồng thời, hoàn thành đề án ghép thận và thực hiện ca ghép thận đầu tiên vào cuối tháng 4.2024. Qua đó, phấn đấu sớm đạt tiêu chí trở thành bệnh viện hạng đặc biệt của Bộ Y tế tại ĐBSCL; tiếp tục khẳng định vai trò, vị thế đầu tàu của y tế miền Tây.

Bệnh nhân đột quỵ dần phục hồi chức năng vận động sau khi được can thiệp kịp thời tại BVĐK Trung ương Cần Thơ

Bệnh nhân đột quỵ dần phục hồi chức năng vận động sau khi được can thiệp kịp thời tại BVĐK Trung ương Cần Thơ

ẢNH: KIM NGÂN

Những năm qua, BVĐK Trung ương Cần Thơ đã nỗ lực phát triển theo hướng đa khoa toàn diện. Rất nhiều kỹ thuật chuyên khoa sâu đã được triển khai thường quy như phẫu thuật tim hở, nội soi ổ bụng, phẫu thuật khớp gối, khớp vai, khớp háng; phẫu thuật phình động mạch chủ, thần kinh, vi phẫu tạo hình thẩm mỹ. Cùng với đó là các phẫu thuật cột sống, lồng ngực, mạch máu; can thiệp mạch vành, mạch não, nội mạch điều trị chấn thương gan, thận, lách… Hiện tại, mỗi ngày, bệnh viện tiếp nhận từ 2.000 đến 2.500 lượt người đến khám, điều trị ngoại trú. Lượng bệnh nhân nội trú dao động từ 1.500 - 1.700 người/ngày.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.