Từ sáng 15.6, trên mạng xã hội, nhiều hành khách bức xúc cho biết chuyến bay bị delay nhiều tiếng, phải vạ vật chờ tại sân bay.
Một hành khách cho biết, chuyến bay từ Nha Trang về Hà Nội dự kiến khởi hành lúc 20 giờ 15 ngày 14.6, nhưng sau đó hãng nhắn tin delay xuống 21 giờ 15. Tới 20 giờ 15, khi có mặt tại sân bay, hành khách nhận được tin nhắn báo delay, tới 7 giờ 22 sáng 15.6 hành khách và cả gia đình vẫn đang ở Nha Trang.
“Cả sân bay náo loạn, người già và trẻ nhỏ nằm la liệt”, hành khách này chia sẻ trên trang cá nhân.
Thiếu tổ bay?
Thông tin cho biết, đã có hơn 100 chuyến bay của Vietjet bị huỷ, chậm chuyến kéo dài tại các sân bay trên cả nước. Tại sân bay Nội Bài, nhiều chuyến bay của Vietjet cũng bị huỷ hoặc hoãn chuyến kéo dài, khiến lượng hành khách chờ đợi tại sân bay tăng mạnh.
Trong thông báo với sân bay Nội Bài, Vietjet cho biết, lý do hoãn, huỷ chuyến tăng đột biến do “thiếu tổ bay”.
Trong khi đó, nhiều đại lý bán vé máy bay lan truyền cảnh báo về việc trong vài ngày tới, số lượng các chuyến bay hoãn, huỷ của Vietjet sẽ tăng mạnh. Các đại lý cũng khuyến cáo hành khách phải yêu cầu được nhận bồi thường trực tiếp tại sân bay với các chuyến bay bị hoãn (450.000 đồng với các chuyến bay delay 3 giờ trở lên) và huỷ chuyến (đổi vé và bồi thường 750.000 đồng).
Thậm chí, thông tin từ các đại lý này còn cho rằng, các chuyến bay trong nước và quốc tế của Vietjet liên tục hoãn, huỷ trong 2 ngày 14 - 15.6 do phi công của hãng đang đình công.
Tuy nhiên, trong thông cáo chính thức phát đi, đại diện Vietjet khẳng định không có chuyện phi công đang đình công.
Việc các chuyến bay bị huỷ, hoãn kéo dài trong các ngày 14 - 15.6 do ảnh hưởng của việc trễ kế hoạch nhận tàu bay mới và nguyên nhân khai thác, một số chuyến bay của Vietjet đã phải điều chỉnh thời gian khởi hành.
|
Đến cuối giờ chiều nay, phía Cục Hàng không Việt Nam cũng chưa đưa ra thông tin nào liên quan đến tình trạng hoãn, huỷ chuyến tăng đột biến của Vietjet.
Thủ tướng yêu cầu báo cáo thiếu hụt phi công
Theo Nghị định 41/2013/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 23.6.2013, nhóm ngành liên quan đến an toàn hàng không như phi công sẽ không được đình công. Tuy nhiên, thực tế ngành hàng không trong nước đã từng ghi nhận tình trạng lãn công của một hãng hàng không vào đầu năm 2017, khi 117 phi công lãn công tập thể qua hình thức xin nghỉ ốm cùng với hơn 30 phi công khác xin nghỉ việc.
Cùng với sự bùng nổ của thị trường hàng không trong nước trong vài năm gần đây, tình trạng thiếu hụt phi công và cạnh tranh lương, chế độ ưu đãi giữa các hãng đang diễn ra gay gắt.
Ngày 14.6, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Bộ Giao thông vận tải báo cáo tổng thể về nhân lực ngành hàng không trước tình trạng thiếu nhân lực cản trở sự phát triển của ngành trong tháng 6.
|
Bình luận (0)