Trong số gần 300 khách bay trên chuyến bay từ sân bay Narita (Nhật Bản) về Nội Bài chiều qua, có tới 103 hành khách không nhận được hành lý ký gửi. Thay vì phát loa thông báo, hãng dán một tờ giấy với dòng chữ viết vội "có tên trong danh sách vui lòng vào quầy".
Nhiều hành khách chờ đợi rất lâu không thấy hành lý mới được chỉ ra quầy để dò tìm tên mình trong danh sách.
Chia sẻ với Thanh Niên, anh Nguyễn Thế Đối, cho biết về Hà Nội để thi lấy chứng chỉ và thứ 2 lại sang Nhật Bản làm việc tiếp. Định cư tại Nhật Bản 30 năm nay và nhiều lần về nước song đây là lần đầu tiên anh gặp phải trường hợp người về nước, hành lý ở lại Nhật thế này.
"Máy bay khởi hành từ Nhật muộn 2 tiếng, lẽ ra bay 16 giờ thì tới 18 giờ mới bay, nhưng hãng cũng không hề thông báo cho hành khách về việc bị cắt lại hành lý. Về đến sân bay Nội Bài tôi đứng chờ hơn 30 phút ở băng chuyền không thấy hành lý đâu, đi tìm hỏi thì nhân viên không nói câu nào chỉ dán tờ giấy hành khách phải tự ra xem", anh Đối bức xúc cho hay.
Chị Nguyễn Thúy Hằng (Thanh Hóa) cũng bức xúc cho biết lần đầu tiên đi nước ngoài mà bị delay hành lý, người về nhưng hành lý ở lại. Lo lắng vì hành lý có giá trị, dù đã đặt xe về Thanh Hóa, nhưng giờ chị phải ở lại Hà Nội thuê khách sạn đợi đến 3 giờ chiều 1.12 để lấy hành lý.
Chị Hằng đi du lịch cùng đoàn 4 người, check in làm thủ tục cùng thời điểm tại Nhật. Nhưng về đến Hà Nội thì 2 người bạn chị lấy được hành lý, 2 người được thông báo là hành lý về sau.
"Tôi rất lo vì mua nhiều đồ giá trị nhưng không biết khi nhận lại hành lý có bị mất mát gì không. Hãng đáng lẽ phải bồi thường chi phí đi lại, ở lại qua đêm cho những hành khách ở tỉnh xa như tôi, nhưng hãng từ chối và bắt ở lại chờ lấy hành lý hoặc gửi về quê", chị Hằng nói.
103 hành khách trong danh sách thông báo sẽ nhận lại hành lý sau 1 ngày
ẢNH: THU HẰNG
Cũng ở tỉnh xa, anh Vũ Đình Đại (Nghệ An) không nhận được 2 kiện hành lý đã ký gửi. Lao động tại Nhật 5 năm, anh Đại về Việt Nam nhiều lần nhưng lần đầu tiên gặp cảnh này.
"Hành lý tôi ký gửi có 2 kiện toàn mua đồ giá trị, cũng rất lo vì không biết hành lý gửi về Nghệ An nếu thiếu đồ gì thì sao. Làm ăn kiểu này không chuyên nghiệp chút nào", anh Đại nói. Dù lo lắng nhưng anh vẫn phải về quê do không có chỗ ở.
Nhiều hành khách không nhận được hành lý đã bức xúc yêu cầu được nói chuyện với người có chức trách cũng hãng hàng không tại sân bay để nghe lý do và phương hướng giải quyết.
Đáp lại, nhân viên mặt đất của hãng tại Nội Bài chỉ cho hay "hành lý về chậm từ Nhật về do thời tiết, phía Nhật báo là không bồi thường do điều kiện thời tiết".
"Trường hợp hành lý bị mất thì mới bồi thường, về chậm thì không bồi thường", chị Phạm Thị Thu Thảo, nhân viên của hãng này cho hay.
Cũng theo nữ nhân viên này, phí gửi hành lý sẽ do hãng chi trả, nhưng hành khách sẽ phải đợi do làm thủ tục thông quan. Hành khách cần quay lại quá trình nhận được hành lý và mở hành lý, nếu thiếu hành lý có thể gửi yêu cầu lên hãng.
Tuy nhiên, theo chị Thúy Hằng và nhiều hành khách khác, máy bay chở người vẫn bay về bình thường, thời tiết tại Tokyo chiều 30.11 đẹp, thì không có lý do gì hành lý hơn 100 khách không về được "do thời tiết xấu" như hãng giải thích.
"Hành lý xách tay của tôi quá 0,2 lạng nhân viên bắt mua thêm cân, trong khi hành lý ký gửi về sau cả 1 ngày thì không thông báo, không bồi thường", chị Hằng ngao ngán.
Hiện các dòng máy bay của hãng này đang khai thác gồm A320, A321neo, A321ceo... Đây là các dòng máy bay cỡ trung với cấu hình chở khách tối đa 230 - 250 khách.
Theo một chuyên gia trong ngành hàng không, trong trường hợp tối ưu hóa số ghế trên máy bay tăng thêm, số kiện hành lý ký gửi sẽ phải giảm bớt để đảm bảo tải trọng theo yêu cầu của hãng. Nói cách khác, nếu tăng số ghế lên gần 300 khách thì hành lý ký gửi sẽ phải giảm bớt để đáp ứng tải trọng.
Bình luận (0)