Hơn 1.000 tỉ đồng do Công ty luật Pháp Việt cưỡng đoạt được xử lý ra sao?

Bắc Bình
Bắc Bình
19/04/2023 16:46 GMT+7

Công an tỉnh Tiền Giang xác định có hơn 1.000 tỉ đồng liên quan đến hành vi cưỡng đoạt tài sản của nhân viên Công ty luật TNHH Pháp Việt đối với hơn 3.000 bị hại khắp cả nước.

Ngày 19.4, trao đổi với PV Báo Thanh Niên, đại tá Nguyễn Văn Lộc, Phó giám đốc, Thủ trưởng Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Tiền Giang, cho biết đến nay Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Tiền Giang đã khởi tố 60 bị can trong chuyên án liên quan Công ty luật TNHH Pháp Việt (Công ty luật Pháp Việt, địa chỉ tại tòa nhà T&T Dancesport, số 7, đường Lê Văn Huân, P.13, Q.Tân Bình, TP.HCM), để điều tra về hành vi cưỡng đoạt tài sản (được quy định tại khoản 4 điều 170, bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017).

Trong số các bị can bị khởi tố có Hà Thị Hiệp (nhân viên Công ty luật Pháp Việt), là người trực tiếp thực hiện hành vi khủng bố tại Trường tiểu học Phan Văn Kiêu, tọa lạc P.1, TX.Cai Lậy, Tiền Giang.

Theo đó, năm 2019, ông B. (ngụ TX.Cai Lậy) vay 50 triệu đồng của một ngân hàng TMCP nhưng không có khả năng chi trả. Khoảng tháng 7.2022, ngân hàng này chuyển hợp đồng vay của ông B. cho Công ty luật Pháp Việt để đòi thuê khoản nợ này. Lúc này, số tiền mà nhóm bị can Nguyễn Thanh Hải và Hà Thị Hiệp nhận được từ lãnh đạo công ty là đòi ông B. đến 100 triệu đồng.

Để ép ông B. trả nợ, Hiệp gọi điện thoại đe dọa, đòi giết con và người thân ông B. Ngày 26.10.2022, Hiệp đã sử dụng 3 số điện thoại gọi điện, nhắn tin cho giáo viên chủ nhiệm và Ban Giám hiệu Trường tiểu học Phan Văn Kiêu, nơi cháu gái ông B. đang theo học. Hiệp yêu cầu nhà trường cho cháu của ông B. nghỉ học để gia đình giải quyết nợ, nếu không sẽ không để yên cho gia đình các giáo viên.

Đến ngày 27.10, Hiệp mua một bình gas, yêu cầu giao đến Trường tiểu học Phan Văn Kiêu. Hiệp gọi điện thoại cho cô giáo ra nhận bình gas, nếu không sẽ cho nổ cả trường. Sau đó, Ban Giám hiệu nhà trường trình báo Công an TX.Cai Lậy đến thu giữ bình gas này.

1000 tỉ đồng do Công ty luật Pháp Việt cưỡng đoạt được xử lý ra sao? - Ảnh 1.

Trần Văn Châu, Phó giám đốc Công ty luật Pháp Việt, được xác định là người cầm đầu trong vụ cưỡng đoạt tài sản của hơn 3.000 bị hại

CÔNG AN CUNG CẤP

Hơn 3.000 bị hại bị cưỡng đoạt hơn 1.000 tỉ đồng

Công an tỉnh Tiền Giang xác định trong vụ án này còn có 415 người có liên quan, trong đó có 400 người trực tiếp đòi nợ thuê. Tất cả 415 người đã bị ngăn chặn bằng biện pháp cấm xuất cảnh. Trong vụ án này đã xác định có khoảng 3.000 bị hại ở khắp cả nước.

Theo đại tá Lộc, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Tiền Giang đã có văn bản đề nghị công an 62 tỉnh, thành trong cả nước phối hợp để đẩy nhanh tiến độ điều tra vụ án. Bộ Công an đã chi viện 40 cán bộ điều tra để hỗ trợ Công an tỉnh Tiền Giang. Trong nội tỉnh Tiền Giang, để phục vụ chuyên án này, Ban Giám đốc Công an tỉnh đã yêu cầu sự tham gia của lực lượng công an tất cả các xã, phường, huyện, thị xã, thành phố.

Theo Thủ trưởng Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Tiền Giang, có hơn 1.000 tỉ đồng của các bị hại đã bị nhân viên Công ty luật Pháp Việt cưỡng đoạt. Công an Tiền Giang đã trực tiếp thu giữ được rất nhiều tỉ đồng và phong tỏa rất nhiều tài khoản, tài sản có liên quan, đồng thời đã có văn bản yêu cầu phía các ngân hàng và công ty tài chính thuê Công ty luật Pháp Việt cưỡng đoạt phải có trách nhiệm giao nộp cho Công an tỉnh Tiền Giang.

Toàn bộ số tiền hơn 1.000 tỉ đồng này được Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Tiền Giang xác định là tang vật của vụ án và hướng xử lý số tang vật như thế nào sẽ do phía tòa án trực tiếp quyết định. Riêng về quan điểm của Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Tiền Giang là tịch thu để giao trả lại cho các bị hại để khắc phục hậu quả.

Tuy nhiên, theo đại tá Nguyễn Văn Lộc, hiện còn nhiều bị hại không đồng ý phối hợp, khai báo với cơ quan điều tra vì nhiều nguyên nhân chủ quan.

Về hướng xử lý tiếp theo đối với 415 người có liên quan, đại tá Lộc khẳng định sẽ xử lý trên tinh thần "pháp luật là tối thượng". Tuy nhiên, bên cạnh đó có đánh giá những người này ở góc độ tính nhân văn của pháp luật và xét bối cảnh phạm tội, sử dụng các biện pháp để giáo dục, ngăn ngừa tội phạm và sẽ có cách xử lý phù hợp với từng trường hợp cụ thể.

Về trách nhiệm của người đại diện theo pháp luật của Công ty luật Pháp Việt và các tổ chức tín dụng thuê Công ty luật Pháp Việt đòi nợ thuê, Thủ trưởng Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Tiền Giang cho biết đang trong quá trình điều tra, làm rõ.

Tổ chức luật "trá hình" cưỡng đoạt tài sản có dấu hiệu "khủng bố"

Như Thanh Niên đã thông tin, vào 10 giờ ngày 14.2, dưới sự phối hợp, hỗ trợ của Cục Cảnh sát hình sự (Bộ Công an) và Công an TP.HCM, Công an tỉnh Tiền Giang đã huy động hơn 120 cán bộ, chiến sĩ khám xét khẩn cấp trụ sở Công ty luật Pháp Việt.

Tại hiện trường, công an thu giữ 233 CPU máy tính bàn, 4 laptop, trên 300 điện thoại di động và nhiều tài liệu liên quan đến hoạt động "khủng bố", cưỡng đoạt tài sản. Triệu tập làm việc 133 người có liên quan, công an phát hiện nhiều dữ liệu điện tử, tin nhắn có nội dung liên quan đến việc đòi nợ.

1000 tỉ đồng do Công ty luật Pháp Việt cưỡng đoạt được xử lý ra sao? - Ảnh 3.

Cơ quan chức năng khám xét tại trụ sở Công ty luật Pháp Việt

CÔNG AN CUNG CẤP

Từ các tài liệu, chứng cứ thu thập được, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Tiền Giang đã chứng minh hành vi cưỡng đoạt tài sản với phương thức gọi điện thoại đe dọa, khủng bố đến các tổ chức, cá nhân, kể cả thân nhân, người quen, quản lý... có liên quan đến các bị hại ở nhiều địa phương như: Tiền Giang, Long An, Bình Dương, Sóc Trăng, An Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long, TP.Cần Thơ, TP.HCM, TP.Hà Nội và nhiều tỉnh, thành khác trong cả nước.

Làm việc với Công an tỉnh Tiền Giang, bước đầu các đối tượng khai nhận thực chất Công ty luật Pháp Việt là tổ chức tội phạm hoạt động "núp bóng" công ty tư vấn luật, có quan hệ hợp tác với một số tổ chức ngân hàng, công ty tài chính dưới danh nghĩa hợp đồng trợ giúp pháp lý, do 2 bị can Trần Văn Châu và Hồ Quốc Hùng cầm đầu.

Các đối tượng đều không có văn bằng chuyên ngành luật, mà chỉ thuê một nữ luật sư (thuộc Đoàn luật sư TP.HCM) làm giám đốc và là người đại diện theo pháp luật. Tổ chức tội phạm này có sự phân công cụ thể từng công việc cho nhân viên công ty thông qua trưởng phòng và các nhóm trưởng. Trung bình mỗi tháng công ty nhận từ các ngân hàng, công ty tài chính từ 141.000 đến 241.000 hợp đồng vay tiền của các khách hàng chưa trả để phân chia cho các nhân viên công ty đòi nợ bằng hình thức đe dọa, "khủng bố" bằng các hình thức như: đe dọa giết vợ, con, người thân, thậm chí đem quan tài, bình gas… để buộc bị hại phải trả nợ.

Công ty được các ngân hàng và công ty tài chính trả từ 25% đến 35% trên tổng số tiền thu được. Số tiền này, Ban Giám đốc Công ty luật Pháp Việt trả lương cho nhân viên và mua các công cụ, phương tiện phục vụ việc đe dọa, "khủng bố" khách hàng còn nợ tiền.

Theo Công an tỉnh Tiền Giang, hành vi của Ban Giám đốc và nhân viên Công ty luật Pháp Việt đã cấu thành tội cưỡng đoạt tài sản và có dấu hiệu của tội "khủng bố", được quy định tại điều 299 bộ luật Hình sự hiện hành.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.