Cụ thể, theo quy định mới của luật Đường sắt, đầu máy và toa tàu
khách có niên hạn sử dụng tối đa 40 năm, toa hàng sử dụng tối đa 45 năm.
2.000 sự cố trong 4 năm
|
Tình hình cũng xảy ra tương tự với hệ thống toa xe. Hơn 4.000 trên tổng số hơn 7.200 toa xe khách và toa xe hàng cả nước sử dụng hệ thống hãm van trượt lạc hậu. Gần 900 toa xe sử dụng giá chuyển hướng ổ trượt không đảm bảo an toàn và có tới hơn 600 toa xe sử dụng giá chuyển hướng thép hàn do VN tự thiết kế, chế tạo nhưng sau một thời gian sử dụng đã bị nứt phải sửa chữa khắc phục.
Theo Cục Đăng kiểm, sau khi quy định áp niên hạn chính thức có hiệu lực, dự kiến sẽ có gần 100 đầu máy, 200 toa tàu khách và gần 1.000 toa tàu hàng bị loại bỏ vì quá hạn sử dụng. Các doanh nghiệp (DN) vận tải đường sắt có thời hạn 3 năm (tới năm 2021) để thay thế các phương tiện quá niên hạn.
Đại diện Cục Đường sắt đánh giá hệ thống đường sắt của VN tồn tại lâu đời, cơ sở vật chất đã xuống cấp, cũ kỹ. Dù hằng năm, các tàu máy, toa xe liên tục được nâng cấp, sửa chữa nhưng việc vận hành các đoàn tàu có “tuổi thọ” cao tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn.
Chỉ tính trong 4 năm từ 2010 - 2014, ngành đường sắt có tới hơn 2.000 sự cố kỹ thuật về các phương tiện. Trong đó có 1.066 sự cố liên quan đến đầu máy, toa xe trên 30 năm; 252 sự cố với đầu máy, toa xe từ 16 - 30 năm và 756 sự cố đối với đầu máy, toa xe có “tuổi thọ” từ 15 năm trở xuống.
|
“Một số toa xe đã sử dụng trên 40 năm tuy được hoán cải thay thế một số bộ phận chính nhưng khả năng vận hành kém, không đảm bảo an toàn, khi hư hỏng gây thiệt hại nặng nề cho đường và cơ sở hạ tầng. Toa xe, đầu kéo cũ kỹ, quá hạn bắt buộc phải thay mới để cải thiện chất lượng ngành đường sắt, đảm bảo an toàn cho hành khách”, vị này khẳng định.
Lắp ráp trong nước để giảm chi phí ?
Trả lời Thanh Niên, ông Đoàn Duy Hoạch, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR), cho biết VNR đang thay thế dần các đầu máy, toa xe cũ để lưu hành đảm bảo an toàn. Tuy nhiên, để đủ điều kiện đảm bảo an toàn tuyệt đối thì sẽ rất tốn kém.
Thực tế, trong năm 2017, VNR đã đưa vào khai thác 6 đoàn tàu mới để đáp ứng nhu cầu đi phương tiện hạng sang của hành khách. Theo kế hoạch, năm nay tổng công ty sẽ đóng tiếp 6 đoàn tàu nữa để thay thế dần các đoàn tàu lâu năm. “Với những toa xe trên 20 năm không đủ điều kiện an toàn, chất lượng thấp, theo từng chủng loại VNR cũng sẽ lên kế hoạch cho thanh lý, số còn lại có thể cải tạo đảm bảo tương đương như đóng mới”, ông Hoạch thông tin.
Riêng đối với đầu máy, Phó tổng giám đốc VNR cho biết từ năm 2017, tổng công ty đã lập dự kiến đầu tư 100 đầu máy để thay thế những đầu máy cũ có tuổi đời từ 40 - 45 năm không còn đảm bảo an toàn. Việc thay thế hàng trăm đầu máy hết niên hạn sử dụng sẽ cần khoản đầu tư rất lớn nên VNR đang hướng tới mua động cơ về lắp ráp trong nước. Hiện tổng công ty đang làm việc với các tổ chức tín dụng để vay vốn thay thế dần các đầu máy toa xe cũ.
Đường sắt lạc hậu, thay hết quá lãng phí
TS Nguyễn Anh Tuấn, giảng viên bộ môn đường sắt - metro (Khoa Công trình giao thông, Trường đại học GTVT TP.HCM), nhận định thay thế toàn bộ hệ thống phương tiện cũ kỹ hiện nay sẽ vừa tốn kém, vừa lãng phí. Ông phân tích hệ thống đường sắt của VN đã tồn tại lâu đời, khổ đường ray 1 m chiếm đa số, trong khi thế giới sử dụng khổ đường ray tiêu chuẩn 1,435 m. Khổ đường “độc” dẫn tới việc mua sắm, trang bị máy móc cho đường sắt nước ta gặp rất nhiều khó khăn.
Theo ông Tuấn, hơn 1.000 toa xe, đầu máy hết hạn, với kết quả kinh doanh của Tổng công ty Đường sắt VN liên tục báo lỗ trong thời gian qua, cùng với lượng ngân sách “rót” cho ngành quá ít hiện nay, ngành đường sắt phải xác định không thể có tiền đầu tư mới toàn bộ. Phương án tối ưu trước mắt cho là kiểm tra, đánh giá lại chất lượng của toàn bộ số thiết bị quá tuổi. Những đầu máy, toa xe nào vẫn còn sử dụng được, có thể thay thế bộ phận, nâng cấp, sửa chữa thì nên cho phép duy tu để tiếp tục sử dụng trong thời gian ngắn. Số lượng phương tiện này sẽ góp phần “cầm cự”, đáp ứng nhu cầu vận tải của ngành đường sắt trong thời gian ngắn, khoảng vài năm.
Ông cũng lưu ý thêm nước ta đang theo xu hướng phát triển đường sắt tốc độ cao, tiến tới nâng cấp khổ đường sắt lên 1,435 m theo tiêu chuẩn quốc tế. Thay mới toàn bộ đầu tàu, toa xe theo tiêu chuẩn cũ sẽ không phù hợp với định hướng phát triển lâu dài của ngành, gây lãng phí.
Bình luận