Trong số 105.734 học sinh tiểu học chưa hoàn thành chương trình lớp học, khối lớp 1 chiếm nhiều nhất. Cụ thể, cả nước có 1.763.961 học sinh lớp 1 có kết quả đánh giá trong năm học vừa qua, trong đó có 1.711.475 em được đánh giá là hoàn thành; 52.456 em được đánh giá là chưa hoàn thành, chiếm tỷ lệ 2,97%.
Trong số các môn học mà học sinh lớp 1 được đánh giá là chưa hoàn thành thì môn tiếng Việt có số em chưa hoàn thành nhiều nhất, với 49.702 em; môn toán là 39.022 em, ngoài ra ở tất cả các môn, hoạt động giáo dục khác như đạo đức, thể chất, ngoại ngữ, trải nghiệm... đều có học sinh được đánh giá là chưa hoàn thành.
Lớp 2 có 18.676 học sinh được đánh giá là chưa hoàn thành; lớp 3 có 15.011 em; lớp 4 13.237 em. Lớp 5 có 5.120 em.
Việc đánh giá học sinh tiểu học hiện nay đang thực hiện theo 3 thông tư tương ứng với hai chương trình giáo dục phổ thông mới và cũ. Đến năm học 2022 - 2023, học sinh các lớp 1, 2, 3 (học theo chương trình giáo dục phổ thông 2018) được đánh giá theo Thông tư 27/2020/TT-BGDĐT; học sinh lớp 4, 5 (học theo chương trình giáo dục phổ thông 2006) được đánh giá theo Thông tư số 30/2014/TT-BGDĐT và Thông tư số 22/2016/TT-BGDĐT của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT.
Theo quy định của Bộ GD-ĐT: "Đối với học sinh chưa được xác nhận hoàn thành chương trình lớp học, giáo viên lập kế hoạch giúp đỡ; đánh giá bổ sung để xét hoàn thành chương trình lớp học.
Đối với học sinh đã được giúp đỡ mà vẫn chưa hoàn thành chương trình lớp học, tùy theo mức độ, giáo viên lập danh sách báo cáo hiệu trưởng để kiểm tra, đánh giá và xem xét, quyết định việc được lên lớp hoặc chưa được lên lớp".
Bộ GD-ĐT: "Đánh giá dần đi vào thực chất, không vì thành tích"
Báo cáo của Vụ Giáo dục tiểu học (Bộ GD-ĐT), cho rằng: "Việc thực hiện đánh giá học sinh dần đi vào thực chất, không vì thành tích và xem việc nâng cao chất lượng giáo dục học sinh là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu, do đó số học sinh chưa hoàn thành chương trình lớp học là 105.734, chiếm tỷ lệ 1,19% đã phản ánh thực chất chất lượng giáo dục nói chung trên bình diện toàn quốc".
Theo Bộ GD-ĐT, dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng không nhỏ đến việc tổ chức các hoạt động dạy học. Trước năm học này, nhiều học sinh phải học trực tuyến, đến khi dịch bệnh được kiểm soát, nhiều địa phương đã đón học sinh trở lại trường nhưng chưa được tổ chức dạy học 2 buổi/ngày.
Bộ GD-ĐT cũng cho rằng, dù đã triển khai nhiều giải pháp nhằm hướng dẫn địa phương tổ chức dạy học linh hoạt phù hợp với tình hình thực tế nhưng chất lượng giáo dục ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn có sự chênh lệch so với vùng có điều kiện thuận lợi,… nên tác động tiêu cực và ảnh hưởng trực tiếp đến việc duy trì chất lượng giáo dục năm học vừa qua.
Bình luận (0)