Hơn 11.000 “bom nổ chậm” ở khu dân cư

27/02/2013 03:30 GMT+7

Tại buổi họp báo Tuần lễ Quốc gia về an toàn lao động và phòng chống cháy nổ hôm qua 26.2, thiếu tướng Trần Anh Dũng, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự an toàn xã hội (Bộ Công an), thừa nhận ở một số nơi, việc quản lý chất nổ còn yếu kém.

* Làm rõ trách nhiệm chính quyền địa phương trong vụ cháy nổ kinh hoàng ở TP.HCM

Theo ông Dũng, mặc dù trong những năm gần đây việc quản lý các loại chất dễ nổ, dễ cháy được tăng cường và ban hành nhiều quy định, nhưng trên thực tế gặp rất nhiều khó khăn. Hiện cả nước có khoảng trên 11.000 cơ sở nguy hiểm về phòng chống cháy nổ. Lực lượng PCCC kiểm tra, kiểm soát 1 năm 4 lần. Nhưng ông Dũng cho hay: “Không thể kiểm soát hết. Qua thanh tra, kiểm tra phát hiện rất nhiều vi phạm. Trong khi, quá trình khắc phục rất trì trệ, khó khăn. Mức xử phạt hành chính so với thực tiễn còn quá nhẹ, chưa đủ sức răn đe giáo dục”.

Liên quan đến vụ cháy nổ chấn động dư luận tại P.8, Q.3 (TP.HCM), ông Dũng cho biết khi khám nghiệm hiện trường, cơ quan chức năng phát hiện có rất nhiều vật liệu nổ, nhiều đầu đạn và súng quân dụng. Trong quá trình điều tra, cơ quan chức năng sẽ tiếp tục truy cứu trách nhiệm của cá nhân và chính quyền địa phương trong công tác quản lý vũ khí và vật liệu cháy nổ. Nếu chính quyền biết mà làm ngơ sẽ phải chịu trách nhiệm rất nặng.

Theo thống kê từ Bộ LĐ-TB-XH, trong năm 2012 tình hình cháy nổ trên toàn quốc diễn biến rất phức tạp. So với năm 2011 số vụ cháy nổ đã tăng 5,1%. Cụ thể, trong năm đã xảy ra 1.751 vụ cháy tại cơ sở, nhà dân, phương tiện giao thông và cháy rừng, làm chết 173 người, bị thương 136 người; thiệt hại về tài sản lên tới 1.143 tỉ đồng và 652 ha rừng. Về các vụ nổ, trong năm đã đã xảy ra 29 vụ làm chết và bị thương 50 người, thiệt hại ước tính 307 tỉ đồng. Nguyên nhân các vụ cháy nổ chủ yếu do sự cố hệ thống điện và thiết bị điện, sơ suất trong sử dụng lửa, xăng dầu và khí đốt. Ngoài ra còn có một số vụ cháy nổ xảy ra do mâu thuẫn cá nhân, tâm thần, say rượu…

Hơn 11.000 “bom nổ chậm” ở khu dân cư
Hiện trường vụ nổ tại hẻm 384 Nam Kỳ Khởi Nghĩa (P.8, Q.3, TP.HCM) - Ảnh: Diệp Đức Minh

“Chưa xử lý trường hợp nào”

Chiều 26.2, đại tá Nguyễn Văn Dung, Trưởng phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (PC64), Công an TP.HCM đã có cuộc trao đổi với báo giới xung quanh việc cấp phép, quản lý vật liệu nổ công nghiệp (VLNCN) trên địa bàn TP.

Thưa ông, tổ chức, đơn vị, cá nhân nào thuộc diện được cấp phép sản xuất, kinh doanh, sử dụng VLNCN?

- Theo Nghị định số 39/2009/NĐ-CP ngày 23.4.2009 về VLNCN thì chỉ có doanh nghiệp 100% vốn nhà nước mới được cấp phép sử dụng, sản xuất, kinh doanh VLNCN. Những doanh nghiệp này thường trực thuộc Bộ Quốc phòng nhưng để đi vào hoạt động bắt buộc phải có giấy đủ điều kiện an ninh trật tự do Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (C64) thuộc Bộ Công an cấp. Ngoài ra, các doanh nghiệp này phải tuân thủ nhiều quy định nghiêm ngặt khác trong quá trình tàng trữ, vận chuyển, sử dụng VLNCN trong quá trình hoạt động thực tế.

Nói như vậy, Công ty cổ phần giải trí Lạc Việt ở P.8, Q.3 hoặc cá nhân ông Lê Minh Phương (chuyên viên tạo hiệu ứng khói lửa, cháy nổ của Công ty Lạc Việt) là đối tượng không được cấp phép sử dụng, tàng trữ VLNCN?

- Đúng vậy! Công ty Lạc Việt và cá nhân ông Phương nói riêng hoặc các doanh nghiệp tư nhân khác nói chung đều không thuộc diện được cấp phép sử dụng, sản xuất, kinh doanh VLNCN có nguồn nguy hiểm cao độ này. Nếu cá nhân, tổ chức nào không thực hiện đúng theo quy định về VLNCN đều vi phạm pháp luật.

Trong thời gian qua, PC64 có lập biên bản xử lý hoặc cấp giấy phép nào liên quan đến hiệu ứng khói lửa, cháy nổ, đạo cụ cho các hãng phim?

- Từ trước đến nay, PC64 chưa lập biên bản xử lý trường hợp nào. Như đã nói ở trên, hãng phim đều ký hợp đồng với quân đội để thực hiện các vụ gây nổ. Hiện chưa có quy định nào bắt buộc các hãng phim Việt Nam phải xin phép PC64 khi thực hiện những pha hiệu ứng khói lửa, cháy nổ tại phim trường.

Vụ cháy nổ nghiêm trọng xảy ra vào rạng sáng 24.2, theo ông trách nhiệm này thuộc về ai?

- Về phần trách nhiệm, tôi đề nghị các phóng viên đặt câu hỏi này với chính quyền địa phương nơi xảy ra vụ cháy nổ sẽ rõ hơn.

Nạn nhân thứ 11 tử vong

Hai ngày sau vụ nổ, ông Hồ Sĩ Cường (81 tuổi, đại tá, từng công tác tại Cục Tình báo - Bộ Công an) đã trút hơi thở cuối cùng tại BV Nhân dân 115. Như vậy, đã có 11 nạn nhân thiệt mạng sau vụ nổ tại hẻm 384 Nam Kỳ Khởi Nghĩa (P.8, Q.3) xảy ra rạng sáng 24.2 vừa qua.

Lê Nga

Thu Hằng - Đàm Huy

>> Nổ nhà máy, 20.000 người sơ tán
>> Cháy nổ lớn làm sập 3 căn nhà, 10 người chết
>> Khởi tố, điều tra vụ nổ làm sập 3 căn nhà, 10 người chết
>> Vụ nổ sập 3 ngôi nhà, 10 người chết: Không thể là thuốc nổ bình thường

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.