Hơn 11.000 ca mắc, 7 ca tử vong do bệnh tay chân miệng

Duy Tính
Duy Tính
23/06/2023 10:30 GMT+7

Công tác đấu thầu mua sắm hóa chất phòng chống dịch bệnh tay chân miệng, sốt xuất huyết chậm, khiến các tỉnh lo lắng.

Sáng 23.6, tại Viện Pasteur TP.HCM, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương họp trực tuyến khẩn với 20 tỉnh, thành phía nam về phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết và tay chân miệng.

Sau đó, đoàn công tác Bộ Y tế đến làm việc tại UBND TP.HCM.

Đã có 6 ca tử vong do sốt xuất huyết ở phía nam

EV71 'tấn công' trẻ dưới 5 tuổi

Báo cáo tại cuộc họp trực tuyến, TS Nguyễn Vũ Thượng, Phó viện trưởng Viện Pasteur TP.HCM, cho biết trong tuần qua (tuần thứ 24), 20 tỉnh thành phía nam ghi nhận 2.000 ca mắc bệnh tay chân miệng, tăng hơn 23% so với tuần trước, và có 2 ca tử vong. Các tỉnh có số ca mắc tay chân miệng tăng cao trong tuần qua gồm TP.HCM và Đồng Nai.

Tính từ đầu năm 2023 đến nay, khu vực phía nam đã có 11.065 ca mắc bệnh tay chân miệng.

Hơn 11.000 ca mắc, 7 ca tử vong do tay chân miệng - Ảnh 1.

Trẻ mắc bệnh tay chân miệng nặng đang được hồi sức tích cực tại Bệnh viện Nhi đồng 1

DUY TÍNH

Cũng đã 7 ca tử vong do bệnh tay chân miệng tại Kiên Giang, Long An, Bình Phước, Cần Thơ, Bình Dương, Đồng Tháp, Bạc Liêu. Tất cả đều dưới 5 tuổi, tử vong sau 1 - 6 ngày sau khi nhập viện, 5/7 ca tử vong xác định do vi rút Entero 71 (EV17).

Phân tích dựa trên ca nặng, từ tuần 19 đến nay ca bệnh tay chân miệng nặng tăng cao, Bình Dương, Đồng Nai, An Giang, Kiên Giang và TP.HCM có số ca nặng cao so với các khu vực khác.

Viện Pasteur TP.HCM đánh giá, số mắc bệnh tay chân miệng gia tăng, chủng EV71 đang chiếm ưu thế nên tỷ lệ tử vong cao. Phân độ tay chân miệng không được các địa phương báo cáo rõ ràng trên lâm sàng, điều này ảnh hưởng đến việc đánh giá độ nặng lâm sàng và xu hướng bệnh tật để có những đáp ứng kịp thời. Số mẫu xét nghiệm thấp. EV71 "tấn công" chủ yếu ở trẻ dưới 5 tuổi, vì vậy trẻ đi học sẽ làm lây lan bệnh.

"Đặc biệt, 50% những người lớn mắc bệnh tay chân miệng không triệu chứng, đây là nguồn lây rất quan trọng lây cho trẻ em mà không biết. Do đó, vấn đề vệ sinh phòng chống bệnh tay chân miệng không chỉ ở trường học, trẻ em, bảo mẫu mà ngay cả trong gia đình rất quan trọng. Phải mang tính đồng bộ, đó là bàn tay sạch, ăn uống sạch, vệ sinh sạch đồ chơi sạch…", TS Nguyễn Vũ Thượng nói.

TS Nguyễn Vũ Thượng cũng lưu ý, thống kê cho thấy, phần lớn ca bệnh ban đầu đi cơ sở y tế tư nhân, bị lờ đi chẩn đoán tay chân miệng. Đề nghị có văn bản gửi các cơ sở khám chữa bệnh để quan tâm, phát hiện sớm bệnh tay chân miệng phòng ngừa biến biến tử vong cho trẻ.

Các tỉnh đề nghị hỗ trợ hóa chất chống dịch

Báo cáo tại hội nghị trực tuyến với Bộ Y tế, đại diện Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) Đồng Tháp cho biết, tính từ đầu năm 2023 đến nay toàn tỉnh này có 1.447 ca sốt xuất huyết, trong đó có 82 ca nặng và 1 ca tử vong. Tỉnh cũng có 902 ca tay chân miệng, gặp ở 68% trẻ dưới 3 tuổi, có 1 ca tử vong.

Dịch tay chân miệng tăng nhanh, trường học chủ động tăng cường phòng chống

Còn theo CDC Đồng Nai, từ đầu năm đến nay có 1.694 ca tay chân miệng, giảm 56% so với cùng kỳ 2022. Từ cuối tháng 5 bệnh tay chân miệng có xu hướng cao, ghi nhận 200 - 300 ca/tuần.

Về sốt xuất huyết, từ đầu năm đến nay Đồng Nai có 1.744 ca mắc (giảm 77% so với cùng kỳ năm ngoái), trong đó có đến 4 ca tử vong (giảm 1 ca so với cùng kỳ), có 3 ca có bệnh nền. Đồng Nai đang tồn tại 2 tuýp vi rút gây bệnh sốt xuất huyết là D1, D2.

Tuy nhiên, hóa chất chống dịch trên địa bàn tỉnh này còn 300 lít và đang đẩy nhanh đấu thầu, nếu có dịch thì nhờ Viện Pasteur hỗ trợ.

Đại diện CDC An Giang cũng có biết từ đầu năm đến nay tỉnh có 2.200 ca sốt xuất huyết, giảm 25%. Còn 1 tháng qua tay chân miệng ở tỉnh có xu hướng tăng với 90 ca/tuần. Đến nay đã vượt ngưỡng dự báo dịch với 600 ca toàn tỉnh,.

Do tính hình đấu thầu mua sắm mất thời gian, vừa qua tỉnh cũng được Viện Pasteur hỗ trợ 100 kg Cloramin B, cũng ít, đề nghị Viện Pasteur, Cục Y tế dự phòng hỗ trợ khi có dịch.

PGS-TS Phan Trọng Lân, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) đánh giá dịch bệnh sốt xuất huyết và tay chân miệng năm nay diễn biến bất thường. Bộ đã ký kế hoạch phòng chống dịch từ đầu năm và dự báo các giải pháp. Vấn đề hóa chất phòng chống dịch, CDC các tỉnh phải tham mưu cho Sở Y tế và UBND tỉnh có kế hoạch, phương tiện, hóa chất, vật tư phòng chống dịch trong năm phải 4 tại chỗ.

Tuýp D2 gây sốt xuất huyết chiếm ưu thế

Về sốt xuất huyết, theo TS Nguyễn Vũ Thượng, từ đầu năm đến nay phía nam đã có 25.000 ca mắc, giảm 39% so với cùng kỳ năm 2022. Số ca nặng trên 3,5%, thấp hơn năm 2016 (3,8%), nhưng cao hơn các năm trước. Do đó, nếu không phòng chống kỹ sốt xuất huyết thì sẽ gây gánh nặng cho điều trị.

Theo phân tuýp vi rút gây bệnh sốt xuất huyết thì D2 chiếm ưu thế với 75% (đã chiếm ưu thế từ năm ngoái), D1 là 20% và D4 là 5%.

TS-BS Nguyễn Vũ Thượng đề nghị các tỉnh phòng chống sốt xuất huyết ngay từ thời điểm này, dập nguồn bệnh sẽ giảm tỷ lệ lưu hành vi rút gây bệnh sốt xuất huyết.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.