Hơn 120 câu hỏi của thiếu nhi bày tỏ tâm tư về giới tính, phòng chống xâm hại

11/04/2024 14:48 GMT+7

Lãnh đạo TP.Cần Thơ nhận được hàng trăm câu hỏi trong chương trình đối thoại với thanh thiếu nhi về vấn đề liên quan tới giáo dục giới tính, phòng chống xâm hại.

Ngày 10.4, Hội đồng Đội TP.Cần Thơ phối hợp Trung tâm công tác - xã hội TP.Cần Thơ và Tổ chức Cứu trợ trẻ em (Save The Children) tổ chức chương trình gặp gỡ, tiếp xúc giữa thanh thiếu nhi với lãnh đạo cấp ủy, chính quyền, đại biểu quốc hội, HĐND năm 2024. Tham dự có khoảng 20 đại biểu và hơn 100 thanh niên, trẻ em lứa tuổi học sinh tại các trường THCS.

Tiếp nhận ý kiến từ ngày 1 - 6.4, chương trình đã nhận được 120 câu hỏi trực tuyến. Ngoài ra, ban tổ chức còn nhận được hàng chục câu hỏi trực tiếp của các thanh thiếu nhi tham dự buổi đối thoại với nội dung liên quan tới chủ đề giáo dục giới tính và phòng, chống xâm hại trẻ em.

Chia sẻ với đại biểu, Nguyễn Hồng Xuân An (lớp 8A1, Trường THCS An Hòa 1, Q.Ninh Kiều), cho biết phải đến lớp 8 thì học sinh mới được tiếp cận nội dung giáo dục giới tính, nhưng nội dung chỉ lướt qua. Trong khi đó, ngày nay, hiện tượng dậy thì sớm ở học sinh tiểu học rất nhiều (khoảng 9 - 10 tuổi). Vì vậy, việc xây dựng chương giáo dục giới tính vào nhà trường sớm là cần thiết.

Hơn 120 câu hỏi của thiếu nhi bày tỏ tâm tư về giới tính, phòng chống xâm hại- Ảnh 1.

Chương trình đối thoại nhận được hàng trăm câu hỏi của thanh thiếu nhi về vấn đề liên quan tới giáo dục giới tính, phòng chống xâm hại trẻ em

THANH DUY

Về vấn đề này, bà Lê Thị Thùy Dung, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.Cần Thơ, cho biết còn quan điểm trái chiều về giáo dục giới tính và sức khỏe sinh sản cho trẻ vị thành niên. Có người nói đưa giáo dục giới tính sớm vào nhà trường là "vẽ đường cho hưu chạy". Quan điểm của sở là thà vẽ cho hưu chạy "đúng đường', còn hơn để hưu chạy theo "bản năng'. Thậm chí, giáo dục giới tính còn được khuyến khích đưa vào cấp mầm non. Bởi nó giúp các em sống đúng với giới tính, biết trân trọng bản thân và tôn trọng mọi người xung quanh. Điều cốt lõi là chọn phương pháp giáo dục phù hợp với tâm sinh lý lứa tuổi, để không làm mất đi sự vô tư, trong sáng của trẻ em. Để nội dung này hiệu quả, nhà trường cần phải phối hợp chặt chẽ với gia đình học sinh.

Liêu Tuyết Trâm (lớp 8A1, Trường THCS Lê Bình, Q.Cái Răng), hỏi cần phải xử lý như thế nào khi gặp phải tình trạng có người ôm, hôn.

Liên quan thắc mắc này, ông Châu Văn Tuốt, đại diện Sở LĐ-TB-XH TP.Cần Thơ, chia sẻ thời gian qua, dù được nhiều cơ quan quan tâm, thành phố vẫn còn xảy ra tình trạng bạo lực và xâm hại tình dục ở trẻ em. Nếu gặp phải trường hợp này, yếu tố đầu tiên là các em phải giữ được sự bình tĩnh, tìm cách thoát thân và mạnh dạn tố giác hành vi xấu qua tổng đài 111. Để có được tâm lý vững vàng, bên cạnh sự bảo vệ của pháp luật, mỗi trẻ em cần tự chủ động trang bị kỹ năng, kiến thức cần thiết để nhận diện các biểu hiện, cách phòng chống quấy rối, xâm hại. Việc tham gia các lớp tập huấn, hoạt động ngoại khóa để thêm phần hiểu biết là rất cần thiết.

Theo anh Lâm Văn Tân, Phó bí thư Thành đoàn Cần Thơ, việc tổ chức các buổi gặp gỡ và tiếp xúc với thanh thiếu nhi được lãnh đạo thành phố đặc biệt chú trọng. Những ý kiến, quan điểm của các em trong buổi đối thoại đều được ghi nhận. Đây là cơ sở thực tế để đoàn thể các cấp thực hiện công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục đúng với tâm tư, nguyện vọng của thanh thiếu nhi.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.