"THẤY BÀ CON ĂN ĐƯỢC LÀ MỪNG"
Mạng xã hội đăng tải thông báo tới các bạn sinh viên đang theo học tại các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn TP.HCM lịch nấu cháo miễn phí cho các hoàn cảnh khó khăn. Phía dưới bài đăng, rất nhiều người để lại bình luận tham gia và chia sẻ đến mọi người.
18 giờ tối, trong con hẻm 350 đường Bùi Hữu Nghĩa (Q.Bình Thạnh, TP.HCM), nhiều người có mặt cùng nhau nấu cháo. Trong không gian khoảng hơn 30 m2, hơn 20 người tất bật chuẩn bị, người thái cà rốt, người nhặt hành lá, người gọt vỏ khoai tây. Hôm nay, họ sẽ nấu cháo thịt bằm. Chủ nhân của ngôi nhà và cũng là người đưa ra ý tưởng về nồi cháo tình thương là ông Ông Thanh Hùng (62 tuổi). Ông Hùng kể ông cùng mọi người nấu cháo từ năm 2002. Ông tu tại gia, bản thân và gia đình cùng làm công tác thiện nguyện. Trong một lần đi qua Bệnh viện Ung bướu TP.HCM, thấy dân tỉnh lẻ đến chữa bệnh, có nhiều hoàn cảnh khó khăn nên muốn tặng họ những suất ăn động viên.
"Nếu không thấy vui, phấn khởi thì tôi không thể làm được suốt 21 năm nay. Nhờ niềm vui khi trao cho họ những suất ăn tôi mới làm hoài, làm mãi. Ai biết đến thì ủng hộ chút đỉnh, thiếu thì gia đình bỏ ra. Nhà trong hẻm, không phô trương, không vận động, sức đến đâu sẽ làm đến đó", ông Hùng chia sẻ.
Mỗi tuần, mọi người nấu vào tối thứ bảy. Từ 3 giờ sáng chủ nhật, cháo chín, họ mang đi trao ở Bệnh viện Ung bướu, trao cho người già tàn tật ở TP.Thủ Đức, người bại não ở Q.12, thanh thiếu niên cơ nhỡ ở Q.Gò Vấp. Mỗi lần nấu khoảng 1.000 suất.
"Thấy bà con ăn được tôi mừng lắm. Mới đầu chỉ nấu 1 - 2 nồi, sau muốn trao cho nhiều người nên nấu thêm đến nồi thứ tư, thứ năm, duy trì suốt như vậy. Mong sao bà con nghèo có thêm được bữa ăn ngon, ăn no, có thêm niềm vui. Tôi nghĩ rằng, hai chữ "từ thiện" rất cao cả, đó là cái tâm trong người trỗi lên để làm cái thiện nên luôn cố gắng hết sức", ông Hùng bộc bạch.
"NƠI SINH VIÊN RÈN LUYỆN CÁI ĐỨC"
Thoạt thấy những bạn trẻ vừa vào hẻm là hàng xóm xung quanh biết ngay họ tìm đến nhà ông Hùng. Ai nấy đều nhiệt tình chỉ đường và không quên chỉ chỗ để xe vì con hẻm khá hẹp. Ông Hùng cho hay mỗi tuần sẽ có các sinh viên đến chung tay nấu cháo. Ông hy vọng đây là nơi để các bạn trẻ rèn luyện bản thân, quan tâm đến mọi người xung quanh. "Các bạn đến đây là nam thanh, nữ tú. Họ có cái tài nhờ cha mẹ, thầy cô và chính bản thân, tôi mong nếu về đây nấu cháo sẽ rèn luyện thêm cái đức. Tôi nghĩ rằng khi tiếp xúc với nhiều hoàn cảnh khó khăn, cái thiện trong con người sẽ trỗi dậy. Những người trẻ vừa có tài, vừa có đức ra đời sẽ vững tin vượt qua mọi chuyện trong cuộc sống", ông nói.
Bạn Võ Thị Như Tâm (22 tuổi, SV Trường ĐH Kinh tế - Luật TP.HCM) cho biết bản thân đến nấu cháo cách đây khoảng 3 năm. Thay vì đi chơi vào cuối tuần, bạn sẽ dành thời gian nấu cùng mọi người. "Mình thấy hoạt động nấu cháo và chia sẻ với các hoàn cảnh khó khăn rất ý nghĩa nên tích cực tham gia. Các anh chị hơn tuổi trong CLB thiện nguyện đã tham gia từ trước đó. Mình mong góp chút sức lực nhỏ bé để cùng quan tâm, giúp đỡ những người không may mắn", Như Tâm chia sẻ.
Bạn Đỗ Thị Giang (23 tuổi) thì kể đây là thói quen hằng tuần của bản thân. "Dù mình đã ra trường và đi làm nhưng vẫn dành thời gian đến nấu cháo. Mình thấy các hoạt động thiện nguyện rất vui và bản thân thấy bình yên nên nhiều năm qua rất ít khi mình vắng mặt", cô gái trẻ bộc bạch.
Ông Nguyễn Văn Cao, tổ trưởng tổ 64, KP.3, P.2, Q.Bình Thạnh, chia sẻ: "Trước tôi cũng tham gia nấu nồi cháo tình thương nhưng giờ sức khỏe không cho phép nên nhờ các bạn sinh viên làm giúp. Đây là hoạt động rất hay, giúp lan tỏa yêu thương đến mọi người. Bà con tổ dân phố cũng rất ủng hộ việc làm ý nghĩa này".
Bình luận (0)