Hơn 200 người đã tham gia sáng tạo game tại Game Jam 2018

30/01/2018 13:33 GMT+7

Hackathon về game lớn nhất năm đã thu hút sự tham gia của hơn 200 bạn trẻ với chủ đề “Transmission - Sự truyền dẫn” tại Hà Nội và Hồ Chí Minh cùng với hơn 40.000 developers tại hơn 800 địa điểm và ở hơn 100 quốc gia trên khắp thế giới.

Game Jam 2018 là một trong những cuộc thi lớn được tổ chức bởi Global Game Jam một công ty phi lợi nhuận quốc tế có trụ sở tại San Luis Obispo, California với nhiệm vụ thúc đẩy thiết kế game và đào tạo game thông qua các sự kiện sáng tạo. Năm 2017, cuộc thi được Gamegeek đưa về Việt Nam và được cộng đồng đón nhận hào hứng. Năm 2018, cuộc thi được mở rộng, tổ chức tại hai địa điểm Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh với tên gọi chung là Vietnam Game Jam 2018 nhằm mục đích mang lại một sân chơi hấp dẫn cho tất cả mọi người đam mê và yêu thích phát triển game tại Việt Nam. Các đội tham gia tranh tài sẽ phải sáng tạo ra những sản phẩm game chỉ trong vòng 36 giờ và một điều đặt biệt là chủ đề chỉ được công bố khi các đội chính thức bước vào 36 giờ sáng tạo. Đó là một yếu tố bất ngờ để có thể tìm thấy ở Game Jam khả năng xử lý nhanh chóng từ các đội tham dự, bên cạnh những sáng tạo mà các bạn tạo ra từ sản phẩm của mình.

Lễ khai mạc Vietnam Game Jam 2018 tại Hà Nội

Sự kiện Vietnam Game Jam 2018 bắt đầu từ ngày 26/01 đã kết thúc vào ngày 28/1/2018, cuộc thi đã tìm ra được những đội phát triển game đầy triển vọng và nhiều sản phẩm xuất sắc ở nhiều hạng mục. Trong 36 tiếng liên tục, 110 người tham dự với 38 đội thi đã tạo ra 40 sản phẩm Game. Các giải thưởng đã được trao cho những sản phẩm xuất sắc nhất tại các hạng mục. Tại Hà Nội, giải thưởng Best Digital Game đã được trao cho nhóm Ton Ton đến từ trường Bưu Chính Viễn Thông với sản phẩm “tenGam”, tại TP Hồ Chí Minh, chủ nhân của giải thưởng này là nhóm Spirit Bomb với sản phẩm “Can we survive”. Tại hạng mục Instant Game do Facebook tài trợ, nhóm Storm Cloud với sản phẩm Star Clash ở TP Hồ Chí Minh và bạn Nguyễn Tuấn Anh với sản phẩm Blood Lust ở Hà Nội đã giành chiến thắng. Ban giám khảo tại Jam Site miền Nam đã bình chọn cho nhóm The Fools với sản phẩm “Prison Break” và một team các bạn trẻ nhóm The 4 Idiots đã giành giải Triển Vọng với game “Virus”, giải thưởng dành cho các bạn là một khóa Đào tạo do chính các chuyên gia của Unity hướng dẫn, đây cũng là nhà tài trợ vàng cho sự kiện năm nay. Tại Hà Nội, điểm khác biệt lớn nhất đến từ Board Game - hạng mục mà địa điểm TP Hồ Chí Minh không có. Tại hạng mục này, phần thưởng đã được trao cho bạn Nguyễn Việt Anh với sản phẩm “Color War”, điều bất ngờ nhất là Việt Anh mới chỉ học lớp 11 và đã một mình bắt xe từ Ninh Bình để tới Hà Nội tham dự cuộc thi.

Không khí Game Jam 2018 tại TP.HCM

Cuộc thi Vietnam Game Jam 2018 năm nay cũng đã nhận được sự quan tâm lớn từ các công ty công nghệ hàng đầu thế giới như Facebook, Unity. Một đại diện Google khu vực Đông Nam Á cũng đã tới để quan sát sự kiện Game Jam tại Hà Nội trong suốt ba ngày diễn ra. Bên cạnh đó, VNG Game Studios với vai trò là công ty Internet lớn nhất Việt Nam cũng đã tài trợ địa điểm tổ chức tại TP Hồ Chí Minh cho sự kiện. Ngoài ra, Game Jam 2018 cũng nhận được sự quan tâm của các công ty công nghệ lớn khác ở Việt Nam như Appota hay MOG. Các sản phẩm Ad Exchange như AppotaX hay RichAdx sẽ là một cách rất hiệu quả để các jammer khai thác thương mại hóa sản phẩm của mình. Đặc biệt, trong Game Jam 2018, VP Bank cũng xuất hiện và truyền tải thông điệp rất rõ ràng về việc sẵn sàng hỗ trợ các Startup Việt Nam, bao gồm cả các dự án khởi nghiệp trên lĩnh vực game - một lĩnh vực còn đang bị bỏ ngỏ bởi đặc thù giải trí và còn nhiều định kiến của ngành công nghiệp này. Các đơn vị góp vốn cộng đồng như Fundstart hay các trường đạo tạo về game như Techkids, Monster Lab và Pigworkshop cũng tham gia hỗ trợ sự kiện.

Giám khảo của Hanoi Game Jam 2018 năm nay quy tụ những chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực công nghệ thông tin – truyền thông tại Việt Nam: Phạm Đức Duy ( VNG Coroperation ), Lê Văn Giáp ( VCCorp ), Nguyễn Đình Khánh (CEO WolfFun), Trần Đức Anh ( CEO Monster Lab), Nguyễn Chí Hiếu (Punch), Nguyễn Đăng Quang (VNG Corporation), Nguyễn Quốc Bửu (VNG Corporation), Nguyễn Kỳ Quang (VNG Corporation & 3W Studio), Nguyên Trường (Board Game VN), Phan Anh Vũ (Senior Game Designer - Hiker Games), Nguyễn Đức Hoàng (Học viện công nghệ Bưu chính viễn thông). Tất cả đều tỏ ra bất ngờ trước số lượng và chất lượng của các sản phẩm năm nay. Nhiều giám khảo cũng đã tỏ ý mong muốn hỗ trợ nếu các đội thi muốn phát triển và hoàn thiện thêm sản phẩm game thực hiện sau 36 tiếng và đưa ra thị trường.

Trao giải cho đội thi có sản phẩm xuất sắc

Trưởng BTC chương trình – ông Đồng Như Hà, sáng lập viên GameGeek, đã có phần phát biểu truyền cảm hứng hoà cùng không khí thắng lợi của bóng đá Việt Nam lúc này: “Năm nay với sự thành công của U23 Việt Nam, BTC đã nhận được nhiều câu hỏi vui từ những bên thông tin quan tâm tới sự kiện rằng: liệu cuộc thi có thể diễn ra ngay khi Việt Nam ra sân đá trận chung kết lịch sử hay không? Theo tôi việc U23 vượt qua chính giới hạn của bản thân họ, đi vào chung kết và tạo nên dấu ấn cho nền thể thao nước nhà chính là một cú hích để chúng ta nhìn nhận lại bản thân mình. Ngành game Việt Nam tại thời điểm này cũng chẳng khác vị trí của Việt Nam trên bản đồ thế giới của môn thể thao vua là bao. Với vai trò là những người tham gia sáng tạo công nghệ, chúng ta đã làm được game gì và đóng góp được gì cho nước nhà? Thẳng thắn mà nói, mức độ cạnh tranh của những sản phẩm game Việt trên thị trường thế giới chưa cao. Tôi hi vọng, chiến thắng của U23 sẽ trở thành động lực giúp chúng ta bước tiếp và phá vỡ giới hạn của bản thân mình. Thông qua Game Jam lần này – cũng giống như vòng chung kết vậy – chúng ta hãy cho bạn bè quốc tế thấy rằng Việt Nam trong vòng 36 tiếng có thể tạo ra những sản phẩm tuyệt vời như thế nào!”

Ông Nguyễn Thanh Tùng – sáng lập viên TechKids Coding School và Nest Co-working space cũng đã có những chia sẻ sâu sắc và toàn diện về Game Jam 2018: ”Tôi hi vọng thông qua Game Jam lần này, các bạn trẻ có thể tìm được ở đây những co-founder về công nghệ, những người bạn cùng chí hướng, lập nên những startup của riêng mình và hoạt động trong cộng đồng của những người sáng tạo. Rất nhiều người suy nghĩ rằng Việt Nam chỉ là đối tượng tiêu thụ những sản phẩm công nghệ hoặc là người làm gia công, chứ chúng ta chưa có người làm ra công nghệ thực sự trừ 1 vài trường hợp đặc biệt. Vậy khi nào người Việt mới có thể tạo ra những sản phẩm công nghệ thực sự được công nhận và tiêu thụ trên toàn thế giới? Game Jam là một trong những cách để hiện thực hoá niềm trăn trở này. Tuy nhiên tôi mong các bạn trẻ không chỉ dừng lại ở việc tạo dựng sản phẩm trong cuộc thi, mà còn có thể hoàn hiện một sản phẩm thực sự có thể thương mại hoá nó. Đó chính là ước mơ của những bạn trẻ đang ngồi ở đây, cũng như tôi vậy!

Có thể nói, cuộc thi Vietnam Game Jam 2018 đã khép lại thành công và tạo ấn tượng tốt đẹp với các bạn đam mê làm game ở Việt Nam. Chia sẻ sau sự kiện, bạn Phan Sỹ Sáng tới từ Techkids Coding School tham dự Game Jam tại Hà Nội chia sẻ về động lực tham gia cuộc thi “Em coi đây là một cơ hội để thử thách bản thân và cố gắng vượt qua chính bản thân mình”, bạn Nguyễn Minh Quân tới từ Spirit Bomb - đội đạt giải Best Digital Game cũng coi đây là một cách rèn luyện thử thách cho bản thân và đồng đội với việc làm game ngẫu hứng trong 36 tiếng hơn là một cuộc tranh tài. Không chỉ thu hút sự tham gia của lập trình viên Việt Nam, Game Jam 2018 còn thu hút cả các bạn nước ngoài đang làm việc ở Việt Nam tham dự, bạn Frédéric Leger là một lập trình viên tại Gameloft đã bay từ Đà Nẵng vào TP Hồ Chí Minh để tham gia Game Jam. Trong khi đó bạn Nguyễn Huy Linh lại di chuyển theo chiều ngược lại để tham dự sự kiện tại Hà Nội do đã có hẹn với những người bạn đã quen từ Game Jam năm trước.

Một số hình ảnh khác của sự kiện:
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.